Theo thống kê của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, các bệnh lứa tuổi học đường vẫn còn cao, chưa có dấu hiệu thuyên giảm và đang xuất hiện một số bệnh mới.
Số học sinh bị cận thị gia tăng. (Ảnh minh họa)
Các bệnh lứa tuổi học đường thường mắc hiện nay là tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, thừa cân, béo phì... Cụ thể, thông qua khám sức khỏe định kỳ, trong các trường học, trung bình mỗi năm đã phát hiện khoảng 700.000 em mắc tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị, hơn 2,6 triệu em mắc các bệnh răng miệng, trên 40.000 học sinh bị cong vẹo cột sống.
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, trong các bệnh học đường thì bệnh tật khúc xạ vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm; thứ 2 là cong vẹo cột sống đã được cải thiện một chút. Bệnh răng miệng vẫn còn cao. Liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần học sinh đang rất phổ biến, tỷ lệ trẻ em bị trầm cảm, bị rối loạn tăng động... cũng đã phát hiện khoảng độ 15% đến 20%, đây là vấn đề sức khỏe mới. Song song với nguy cơ thừa cân, béo phì vẫn còn tồn tại một lượng nhất định trẻ em suy dinh dưỡng ở các vùng núi”.
Cũng theo ông Trương Đình Bắc, thời gian gần đây gia tăng bạo lực học đường ở nhiều nơi, số học sinh có ý định tử tăng cao và nhiều em phải đến bác sỹ điều trị. Tỷ lệ học sinh hút thuốc, uống rượu bia, lười vận động... cũng ngày càng tăng, chỉ có 18,3% học sinh thường xuyên ăn rau trong ngày.
Đây là các yếu tố nguy cơ chính gây nên các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tâm thần... khi trưởng thành./.
Theo Minh Hường/VOV.VN - Trung tâm Tin