Bò biển, một loài trong truyền thuyết được biết đến như nàng tiên cá. Do nó có hình dạng và tập tính khá độc đáo nên bộ phận cư dân thời xa xưa đã ví loài vật này như những con người sống trong biển.
Bò biển có tên khoa học là Dugong (Nguồn: NG)
Truyền thuyết này đã tồn tại từ bao đời nay nhằm tôn vinh giá trị tín ngưỡng và hình ảnh của loài thú này đối với đời sống tinh thần của con người.
Chuyến công tác đến Vùng 5 hải quân dẫn chúng tôi tới huyện đảo Phú Quốc, nơi được mệnh danh là đảo ngọc, thiên đường của các loài sinh vật biển và cũng là nơi sinh sống của bò biển. Từ đây, chúng tôi đã đi tìm truyền thuyết về nàng tiên cá giữa đại dương.
Nghề bắt nàng tiên cá
Đảo ngọc Phú Quốc là nơi có đa dạng sinh học vô cùng phong phú với nhiều loài sinh vật biển cùng hơn 100 loài san hô thuộc cả hai nhóm san hô cứng và san hô mềm. Nơi đây cũng có diện tích thảm cỏ biển lớn nhất cả nước, gần 12 nghìn ha. Loại thực vật này là nơi ẩn náu, cư trú thuận lợi của nhiều loài thủy sản có giá trị sinh học và kinh tế như: cá ngựa, ghẹ...
Đặc biệt, ở Phú Quốc còn có sự hiện diện của loài động vật quý hiếm Dugong, hay còn có tên gọi: Nàng tiên cá, bò biển. Đây là loài đã được các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam đưa vào Sách đỏ và bảo vệ nghiêm ngặt.
Về làng chài Hàm Ninh, một làng chài cổ thuộc thị xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, với nghề chính là giăng lưới, bắt ngọc trai, hải sâm... chúng tôi tìm đến những người dân chài lưới quanh năm lênh đênh sóng nước.
Anh Mực, ngư dân trong làng cho biết: "Trước đây, bò biển về Hàm Ninh nhiều lắm. Trong làng này cũng có nhiều người chuyên bắt bò biển. Việc mua bán, xẻ thịt loài này diễn ra thường xuyên. Nghề bắt bò biển từng là nghề truyền thống của làng này, nhưng giờ bò biển không về nữa, nghề này cũng biến mất theo. Giờ chỉ còn những ngư dân già trong làng là còn biết đến nghề này."
Hỏi chuyện đám trẻ ở cầu cảng bến Hàm Ninh về con cá cúi, hay bò biển, chúng đều ngơ ngác và tưởng chúng tôi đang hỏi đến loài cá heo (tên địa phương là cá nược). Vương, cậu bé 14 tuổi gầy gò, đen nhẻm có ba mẹ đều làm nghề giăng lưới liến thoắng: “Cá cúi là con gì hả cô? Con chỉ biết con cá nược thôi à!”
Theo ông Nguyễn Hồng Cường, giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc, hàng năm, loài Dugong vẫn về đảo Phú Quốc do biển Phú Quốc nối liền với biển Campuchia hiện còn rất phong phú thảm cỏ biển.
Kinh nghiệm của những ngư dân trên đảo cho thấy, khoảng từ tháng 9-11 hàng năm, Dugong thường di cư về vùng biển Phú Quốc này để ăn cỏ biển. Số lượng Dugong về Phú Quốc thường xuyên khoảng 80 con.
Ông Cường cũng cho biết, những năm 70, 80 của thế kỷ XX, ngư dân Phú Quốc và vùng viển Tây Nam bộ có nghề lưới quàng chuyên đánh bắt những loài sinh vật biển lớn như cá đuối, cá mập. Trong quá trình giăng lưới, loài Dugong bị mắc vào. Với đặc điểm là loài động vật có vú, loài Dugong lặn xuống biển 15 phút để ăn cỏ rồi phải ngoi lên thở, nên khi bị vướng lưới thì Dugong bị chết ngạt. Sau đó, ngư dân đem Dugong đi xẻ thịt bán.
Loài Dugong được cho là thần dược có thể trị rất nhiều bệnh nên tất cả bộ phận của Dugong từ xương, răng, da, thịt... đều có giá cao và được người dân lùng mua. Khoảng thời gian này, rất nhiều Dugong bị bắt. Có những chuyến đi biển, một tàu bắt được cả mấy chục con lớn, bé. Sau này, khi được tuyên truyền vận động về việc Nhà nước cấm đánh bắt loài sinh vật biển quý hiếm, người dân không tìm bắt Dugong và những loài cá lớn nữa. Nghề lưới quàng từ đó cũng mai một dần.
Tìm mua nàng tiên cá ở chợ đen
Khi chúng tôi hỏi anh Mực việc muốn tìm mua sản phẩm từ loài Dugong, anh thẳng thừng đáp: “Không có đâu cô ơi. Cô tìm mua ở đâu chứ ở Hàm Ninh không có. Bây giờ bắt Dugong là phạm pháp đó, phạt tù như chơi.”
Tuy vậy, anh Mực cũng cho biết chưa có trường hợp nào ngư dân bị đi tù vì đánh bắt Dugong. Anh Mực cũng nói nhỏ: “Giá Dugong bây giờ cũng mắc lắm, 700-800 nghìn đồng/kg thịt; một cặp răng nanh có giá từ 62-65 triệu đồng.” Nhờ anh chỉ chỗ mua hoặc đưa địa chỉ, số điện thoại người bán, anh Mực nhất quyết không đồng ý.
Trong vai một người vợ có chồng làm kinh doanh đang gặp chuyện kém may mắn muốn tìm một cặp răng nanh bò biển lấy hên, tôi tìm đến dãy bán thủy sản trong chợ. Chọn một cửa hàng lớn nhất, tôi cất tiếng hỏi mua sản phẩm từ bò biển nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu lạnh lùng của người bán hàng.
Đang loay hoay tìm hàng, một người đàn ông trung niên sán đến hỏi chúng tôi: “Các em tìm bò biển hả? Mua được bao nhiêu, có nguyên con được không?” Khi biết chúng tôi tìm cặp răng nanh, anh ta ra giá: “Cặp răng nanh 80 triệu đồng; thịt 900.000 đồng/kg. Nếu mua nguyên con anh chuyển hàng đến tận nơi.”
Khi chúng tôi viện cớ phải về hỏi lại người nhà rồi xin số điện thoại liên hệ sau, người đàn ông này nhất định không cho số điện thoại.
Tiếp tục vào một nhà hàng lớn của Phú Quốc, ngay trước mắt chúng tôi là hai tấm áp phích lớn của ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc với hình ảnh các loài thủy sản quý hiếm như Dugong, rùa biển, san hô bị khai thác, giết hại, mua bán, làm đồ trang trí, làm quà lưu niệm... và khẩu hiệu “Hãy bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm.”
Một tấm áp phích nêu rõ: Theo Điều 11, Mục 1, Chương 2 - Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, những hành vi khai thác, mua bán, thu gom, sơ chế, chế biến rùa biển, Dugong sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng. Tuy vậy, khi chúng tôi ngỏ ý muốn ăn đặc sản biển ở Phú Quốc, người quản lý nhà hàng cho biết, nếu khách hàng muốn ăn đặc sản quý hiếm thì phải đặt trước, nhà hàng sẽ tìm mua để phục vụ.
Ông Cường cũng chia sẻ, hàng năm, Dugong ở Phú Quốc vẫn bị bắt do chúng vô tình mắc vào lưới ngư dân. Họ đem xẻ thịt và tích trữ đông lạnh rồi tìm cách tẩu tán dần qua nhiều nguồn, nhưng phần lớn là vào nhà hàng hoặc chuyển ra khỏi Phú Quốc, đến các đô thị lớn. Như vậy, có cầu ắt có cung. Khi có khách hàng tìm đến thì chắc chắn đường dây buôn bán các sản phẩm từ bò biển sẽ tiếp cận.
THU PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/truyen-thuyet-cua-dai-duong-o-phu-quoc-nhung-nang-tien-ca-nay-dau/371001.vnp