Việc xét tuyển đại học theo nhóm trường chỉ giảm được thí sinh "ảo" trong từng nhóm trường chứ không thể giảm tình trạng xét tuyển "ảo".
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, thí sinh
được xét tuyển đại học theo nhóm trường
Dự thảo Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, trong đợt xét tuyển đầu tiên mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Điều này có lợi cho thí sinh nhưng đối với các trường đại học thì rất khó để biết được lượng thí sinh "ảo" xét vào trường.
Vì vậy, một số trường đại học đang tạo nhóm xét tuyển chung nhằm chống thí sinh “ảo”. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể giảm được thí sinh "ảo" trong từng nhóm trường chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng thí sinh xét tuyển "ảo".
Với cách tạo nhóm xét tuyển chung của các trường, tất cả các trường là thành viên của nhóm xét tuyển sẽ tạo một kho dữ liệu xét tuyển chung và dùng chung phần mềm xét tuyển. Từ kho dữ liệu chung và căn cứ vào tiêu chí xét tuyển của từng trường, mỗi trường sẽ tự tính để xác định điểm chuẩn trúng tuyển riêng. Với phương thức xét tuyển theo nhóm, cơ hội chọn trường, chọn ngành của thí sinh sẽ tăng lên, còn các trường trong nhóm sẽ giảm bớt được thí sinh xét tuyển ảo.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo đại học và sau đại học, Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Khi đăng ký vào nhóm trường như vậy, các em sẽ có các nguyện vọng, ít nhất là 1 nguyện vọng trong nhóm và nhiều nhất là 4 nguyện vọng ở 4 trường khác nhau cho 4 ngành khác nhau ở trong nhóm. Ví dụ như em yêu thích Công trình thủy lợi mà trong nhóm trường ấy có 4 trường đào tạo. Như vậy, em có thể đăng ký vào 4 ngành khác nhau trong khối trường ấy. Các em sẽ có thứ tự ưu tiên, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, nguyện vọng 4. Em đã trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi thì sẽ không xét tuyển nguyện vọng 2 nữa.
Tuy vậy, theo một số trường đại học, phương án xét tuyển theo nhóm trường chỉ có thể giảm thí sinh xét tuyển ảo trong các trường thuộc một nhóm chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng này. Bởi lẽ, nếu thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng xét tuyển vào 1 hoặc 2 trường thuộc một nhóm và 2 nguyện vọng ở một trường khác ngoài nhóm hoặc một nhóm khác thì vẫn sẽ gây ra tình trạng thí sinh "ảo".
Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng phân tích: Khi thí sinh đăng ký vào khối thuộc nhóm trường đó thì khi xét tuyển phần mềm lọc ảo rất đơn giản. Tuy nhiên, thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng trong nhóm trường cùng dữ liệu xét tuyển, còn 1 nguyện vọng thì thí sinh lại đăng ký vào trường ngoài, thậm chí đăng ký vào 1 trường trong khu vực phía Nam, hoàn toàn thí sinh có quyền như vậy. Tôi nghĩ rằng chỉ khắc phục được một phần nhất định thôi chứ không thể triệt để được.
Một số trường cũng cho rằng, với những trường top đầu, trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, hoặc có các ngành đào tạo hấp dẫn thì việc tham gia nhóm có thể mang lại nhiều lợi ích. Nhưng những trường thuộc top giữa, top dưới, nếu không tìm hiểu kỹ về quy chế tuyển sinh riêng của nhóm thì rất dễ xảy ra tình trạng phải chạy đua để tuyển sinh ngay trong nhóm.
Ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Việc hình thành các nhóm cũng có lợi ích nhất định, đối với cả các trường, đối với thí sinh và đối với xã hội, tôi cho là tốt. Thí sinh cũng có thêm cơ hội, đồng thời cũng giảm được mức độ ảo trong tuyển sinh. Tuy nhiên, có một vài vấn đề kỹ thuật cũng phải tiếp tục nghiên cứu kỹ để xem. Bởi vì không phải trường đại học nào tham gia vào các nhóm đó cũng đều có nhưng lợi ích như nhau, cho nên các trường cũng có những tính toán nhất định dựa trên đặc điểm và đặc tính của trường.
Một số vướng mắc hiện nay khiến nhiều trường e ngại tham gia nhóm xét tuyển đó là điểm chuẩn xét tuyển của nhóm sẽ như thế nào, giới hạn số nguyện vọng vào 1 trường trong nhóm, việc áp dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển… Dù vậy, các trường đều cho biết, sẽ chấp nhận tình trạng thí sinh đăng ký xét tuyển ảo dù có tham gia nhóm xét tuyển hay không. Điều quan trọng là tạo điều kiện để thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao nhất khi xét tuyển./.
Theo Minh Hường/VOV.VN - Trung tâm Tin