Cập nhật: 21/03/2016 09:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các trường được tự chủ đại học đề xuất thu học phí dựa trên việc xếp hạng, thay đổi cách thức để thực hiện tuyển sinh riêng, mở ngành…

Sinh viên trường ĐH Ngoại thương trong giờ học ở thư viện

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, đến nay đã có 13 trường đại học (ĐH) công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Theo đó, trong thời gian qua, các trường đã thực hiện tự chủ về mở ngành, chuyên ngành đào tạo; tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, thu học phí…

Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP, các trường còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai. Một số quy định tại Nghị quyết 77 chưa rõ, đồng thời chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc các trường triển khai còn nhiều lúng túng, đặc biệt là chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của các trường, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau giữa trường và các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, quy định Ban giám hiệu các trường ĐH công lập là công chức do cơ quan chủ quản quản lý, bổ nhiệm và quy định tuổi về hưu như hiện nay làm mất đi khả năng đóng góp của những người có năng lực và có khả năng cống hiến hiệu quả cho nhà trường. Ngoài ra, hiện nay chưa có cơ chế bổ nhiệm các chức vụ chuyên môn như: giáo sư, phó giáo sư theo thông lệ quốc tế phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn cho rằng, thủ tục hành chính trong việc xin giấy phép lao động khi ký kết hợp đồng làm việc dài hạn với chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài còn khó khăn, phức tạp.

Về thực hiện nghiên cứu khoa học, Việt Nam còn chưa có các tạp chí khoa học hoạt động theo thông lệ quốc tế nằm trong danh mục ISI và Scopus để tạo điều kiện thuận lợi cho công bố quốc tế.

Còn trường ĐH Hà Nội cho rằng, Nghị quyết số 77/NQ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể quyền tự chủ trong việc quyết định các định mức chi như: định mức chi thuộc nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở; chi xây dựng chương trình khung, biên soạn chương trình, giáo trình bậc đại học; chi về bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh toán dạy vượt giờ cho cho giáo viên, chi tiếp khách nước ngoài, chế độ công tác phí nước ngoài…

Nghị quyết số 77/NQ-CP chưa quy định tự chủ về chế độ làm việc của giảng viên, về giờ chuẩn và nghĩa vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Ngoài ra là việc thiếu hướng dẫn về sử dụng nguồn lực tham gia liên doanh, liên kết để tăng nguồn thu cho các trường. 

Về mức thu học phí theo như Nghị quyết số 77/NQ-CP, đại diện trường ĐH Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến: Mặc dù được quyết định mức thu học phí theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cao hơn mức học phí quy định chung đối với các trường ĐH khác nhưng để thu hút sinh viên, một số trường vẫn duy trì mức thu học phí bằng mức quy định chung của Nhà nước áp dụng cho các trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ.

Vì vậy, các trường được tự chủ về mức thu học phí chưa có tích lũy để đầu tư xây dựng các công trình, dự án lớn phục vụ công tác đào tạo. Do đó, ĐH Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị được tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư lớn để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn.

Yêu cầu thu học phí dựa trên việc xếp hạng các trường ĐH

Trước những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, một số trường đã có những đề xuất khi thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo, tuyển sinh, thu học phí…

Trường ĐH Mở TP HCM nêu đề xuất, Chính phủ cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu lãi từ tiền gửi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên. Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, từ lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn nhằm tạo điều kiện cho các trường bổ sung nguồn thu đảm bảo nhu cầu chi tiêu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Mặt khác, ĐH Mở TP HCM còn yêu cầu có chính sách hỗ trợ lãi suất vay đối với các khoản vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

ĐH Kinh tế TP HCM mong muốn được Nhà nước đầu tư cho phát triển hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo chuyên gia, được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển.

Về mức thu học phí, ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm hoàn thành và công bố việc xếp hạng các trường ĐH để người học và xã hội thấy sự khác biệt giữa các trường để từ đó đồng thuận với mức thu học phí của ĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Ngoài ra, ĐH Kinh tế Quốc dân còn yêu cầu Bộ GD-ĐT xem xét, cân nhắc điều chỉnh yêu cầu về trình độ tiến sĩ khi mở ngành mới trong quy định mở ngành. Vì hiện nay, các trường ĐH tự chủ được tự quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các trường hiện nay còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên (tiến sĩ đúng chuyên ngành) đối với các ngành, chuyên ngành mới.

Về vấn đề tuyển sinh, xét tuyển riêng, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, công tác tuyển sinh dựa vào kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển vào ĐH chính quy như hiện nay khiến các trường ĐH thí điểm tự chủ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Điều này đòi hỏi các trường cần cân nhắc có phương án tuyển sinh riêng phù hợp với đặc điểm của ngành nghề đào tạo. Vì vậy, ĐH Kinh tế Quốc dân đề nghị Bộ GD-ĐT có đơn vị chuyên môn đảm nhận cung cấp dịch vụ đề thi, tổ chức thi lấy kết quả nhiều đợt trong năm.

Đề nghị bổ sung quy định về quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện giống như doanh nghiệp Nhà nước. Đó là đề xuất của ĐH Tài chính-Marketing.

Theo đó, nhà trường yêu cầu Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp được quản lý như nguồn vốn Nhà nước ngoài ngân sách./.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho 13 trường ĐH công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, gồm: ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Tài chính-Marketing, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, ĐH Mở TP HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, ĐH Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm