Khi Nghị định 67 đi vào cuộc sống, gần 400 phương tiện tàu cá của ngư dân cả nước được đóng mới, nâng công suất.
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn chuẩn bị vươn khơi
Hoàng Sa. (Ảnh: Anh Thư/Báo Tiền Phong)
Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ có hiệu lực và đi vào cuộc sống hơn 1 năm qua. Từ nguồn vốn của Nghị định này, gần 400 phương tiện tàu cá của ngư dân cả nước được đóng mới, nâng công suất. Có thể nói, chính này phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, tạo động lực phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống ngư dân và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Quảng Ngãi là một trong những địa phương chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đến nay, UBND tỉnh này đã phê duyệt danh sách 56 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá. Trong đó có 27 tàu vỏ thép, 25 tàu vỏ gỗ, 4 tàu vỏ composite. Qua đó đã triển khai đóng mới 20 tàu; các ngân hàng thương mại trên địa bàn ký kết hợp đồng tín dụng với 18 chủ tàu cam kết cho vay hơn 166 tỷ đồng, đã có 4 tàu vỏ thép và 10 tàu vỏ gỗ hoàn thành đi vào hoạt động.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, Nghị định 67 của Chính Phủ đã thổi một luồng gió mới vào lĩnh vực khai thác thủy sản. Từ chính sách hỗ trợ này, ngư dân Quảng Ngãi nói chung và cả nước nói riêng đã có điều kiện để thay thế dần các phương tiện đánh bắt cũ kỹ, lạc hậu bằng các phương tiện đánh bắt hiện đại. Nhờ đó, ngư dân có thể bám biển dài ngày, nâng cao thu nhập sau mỗi phiên biển và bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Ngư dân đón nhận rất hào hứng, nhiệt tình. Kết quả đó đã giúp cho ngư dân có tàu to, máy lớn để mà đánh bắt xa bờ, đảm bảo khai thác hải sản có hiệu quả hơn, cũng như vấn đề phòng chống thiên tai và các vấn đề nguy hiểm khác trên biển”.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương có kế hoạch đóng mới 305 chiếc tàu đánh cá theo Nghị định 67 và đến nay đã phê duyệt danh sách được 170 chiếc. Hiện, ngân hàng ký kết hợp đồng tín dụng để cho vay đóng mới 30 chiếc và đã hạ thủy 6 chiếc. Bên cạnh việc khuyến khích ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá, tỉnh Bình Định cũng quan tâm đầu tư hạ tầng nghề cá để bảo đảm cho các phương tiện neo đậu, buôn bán sản phẩm.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại trong cả nước đã ký hợp đồng để đóng mới, nâng cấp 399 tàu, với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Đến nay, có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động. Về chính sách hỗ trợ bảo hiểm, cả nước đã thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số tàu trên 90CV được bảo hiểm là hơn 10.000 chiếc, số lao động được bảo hiểm hơn 100 ngàn người, tổng giá trị được bảo hiểm là gần 25.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, việc triển khai Nghị định 67 đã đạt mục tiêu đề ra. “Mục tiêu của chúng ta là hiện đại hóa tàu cá, hỗ trợ ngư dân để ngư dân yên tâm bám biển, đặc biệt là các vùng biển xa bờ. Chúng ta cũng đã đạt được mục tiêu hiện đại hóa ngành thủy sản. Trong số những tàu cá được vay vốn đóng mới đến thời điểm này có đến 51% là tàu vỏ thép và vật liệu mới, và 75% tàu đóng mới có công suất trên 800CV,” ông Tám nói.
Dù vẫn còn những “nút thắt” cần được tháo gỡ nhưng nhìn chung Nghị định 67 của Chính phủ đã và đang giúp ngư dân phát triển kinh tế biển mang tính bền vững, tạo động lực cho các ngư dân bám giữ ngư trường truyền thống góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Theo CTV Tiến Công/VOV.VN - Miền Trung