Những giải pháp tưới phun, tưới nhỏ giọt thì chúng ta có thể tiết kiệm nước vào khoảng 30% so với cách tưới thông thường.
Ruộng lúa ĐBSCL đang trong tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng.
Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL và Tổ chức Hanns Seidef Foundation (CHLB Đức) vừa phối hợp giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về tình hình khô hạn ở ĐBSCL; đồng thời đưa ra các giải pháp, kỹ thuật về tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp; thay đổi nguồn nước vùng ven biển và chiến lược ứng phó. Thực tế cho thấy tại khu vực ven biển, tiết kiệm nước thực sự là cuộc vận động lớn, là chương trình hành động cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Về vấn đề này, Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL.
PV: Thưa ông, trong tình hình hạn, mặn khốc liệt như hiện nay ở ĐBSCL thì việc sử dụng nguồn nước ngọt cho sản xuất, nhất là ở khu vực ven biển đang có sự bất cập ra sao?
P.GS - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Hiện nay, các vùng ven biển đều trong tình trạng thiếu nước. Có một số bà con nông dân vẫn quen cách tưới nước truyền thống. Tưới nước truyền thống chỉ phù hợp trong điều kiện tài nguyên nước gần như vô hạn. Tức là mình cần bao nhiêu nước thì cứ lấy trên sông, ao hồ rồi tưới. Nhưng cách tưới đó thì không có hiệu quả về mặt sử dụng nước, đặc biệt trong tình trạng mặn càng ngày càng nhiều. Chúng ta không thể nào đem nước mặn tưới cho cây trồng bởi sẽ làm giảm năng suất cây trồng. Còn cách tưới của người dân hiện nay là tưới ngập. Hoặc cứ bơm nước tưới tới khi nào ướt, tràn thì ngưng. Những cách đó làm cho nước thất thoát rất nhiều.
Chính vì thế những giải pháp tưới phun, tưới nhỏ giọt thì chúng ta có thể tiết kiệm nước vào khoảng 30% so với cách tưới thông thường. Cách tưới khoa học, tiết kiệm sẽ giảm bớt một phần lao động. Nếu thiết kế hệ thống tưới chỉ cần rất ít người. Trong một điều kiện nhất định chúng ta có thể kiểm soát được sự phát triển của cỏ dại, dinh dưỡng trong đất bằng cách pha thêm hóa chất hoặc phân bón trong nước tưới đi qua hệ thống tưới bằng đường ống hay tự phun. Ngoài ra chúng ta còn kết hợp những biện pháp như phủ màng bạc, tấm nilon, phủ rơm rạ hay cỏ để chống thất thoát nước.
PV: Những kết quả nghiên cứu đối với các mô hình tưới tiết kiệm nước mang lại hiệu quả thực tế thế nào thưa ông?
P.GS - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Hiện nay các vùng ven biển đều trong tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Các mô hình tưới tiết kiệm đều chứng tỏ rằng là lượng nước tưới ít hơn. Hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong đồng ruộng cũng ít hơn so với thông thường. Công lao động chỉ tốn ban đầu, về sau giảm đi rất nhiều; đồng thời chúng tôi cũng so sánh là những chỗ tưới truyền thống và những nơi tưới tiết kiệm nước cải tiến thì năng suất 2 bên gần như ngang nhau.
PV: Vậy theo ông, để thực hiện mô hình tưới tiết kiệm, nhất là ở khu vực ven biển chi phí có phải bỏ ra nhiều không?
P.GS - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Chính sách nhà nước có thể hỗ trợ cho người dân lúc đầu. Hoặc phối hợp với các tổ chức phi chính phủ có thể tài trợ hệ thống tưới cho những vùng ven biển. Chúng ta có thể cho vay ưu đãi hay cùng hợp tác với bà con nông dân hỗ trợ ban đầu để làm. Bên cạnh đó, các nhà khoa học có thể tổ chức những lớp tập huấn cho bà con biết cách sử dụng những hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và hiệu quả sử dụng trên cây trồng nhiều hơn.
PV: Khuyến cáo hiện nay đối với người dân trong việc sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, thưa ông?
P.GS - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Ngay bây giờ chúng ta phải suy nghĩ thay đổi cách tưới nước cho cây trồng. Có thể phối hợp với các nhà khoa học hay các trung tâm khuyến nông hay ngành nông nghiệp để có sự đánh giá lại cách tưới. Qua đó có sự cải thiện bằng cách nào thì là hợp lý trong thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ rằng các sở nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông cần in ra nhiều tài liệu bướm hay tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn giúp bà con nông dân tiếp cận các mô hình tưới tiết kiệm; đồng thời giới thiệu các loại cây trồng có thể sử dụng nước ít.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Thanh Tùng/VOV.VN - ĐBSCL