Sỏi tiết niệu là hiện tượng kết sỏi ở hệ tiết niệu, bao gồm sỏi thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo... Đây là bệnh lý thường gặp, nếu để lâu ngày không điều trị tốt dễ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu do nhiều nguyên nhân gây nên. Quá trình hình thành sỏi thường bắt nguồn từ các muối khoáng hòa tan trong nước tiểu. Khi có những rối loạn về mặt sinh lý bệnh học và có những yếu tố thuận lợi như giảm lưu lượng nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu, dị dạng đường tiết niệu hoặc có yếu tố di truyền thì các muối khoáng hòa tan sẽ kết tinh từ một nhân nhỏ rồi lớn dần thành sỏi.
Những biến chứng thường gặp
Sỏi thường xuất hiện ở nơi có dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp hay tắc nghẽn. Do đó những vị trí có sỏi thường là bể thận, niệu quản dưới hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo. Khi sỏi cọ xát vào đường niệu thì niêm mạc dễ bị phù nề, viêm là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ thấy đau lưng, tiểu buốt, tiểu giắt, tiểu đục. 70% sỏi thường tập trung một nơi, chỉ có 30% nằm ở những vị trí khác nhau. Sự di chuyển của sỏi ở thận, niệu quản, bàng quang, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát, va chạm vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng và tiểu ra máu.
Khi các đài thận bị căng trướng nước tiểu, sẽ tạo ra áp lực cao, tác động vào thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận thường do sỏi niệu quản. Khi sỏi kẹt trong niệu đạo hoặc ở bàng quang sẽ gây bí tiểu cấp tính hay mạn tính.
Nếu nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Ngoài ra, viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn gây hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản. Sự hiện diện lâu ngày của sỏi dẫn đến hiện tượng vô niệu (không có nước tiểu). Chức năng thận sẽ bị giảm nếu có sỏi ở hai bên thận, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm gây ra suy thận cấp hoặc mạn tính.
Thăm khám cho người mắc bệnh sỏi thận tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Điều trị thế nào?
Sỏi tiết niệu là một bệnh lý phức tạp, thường gây ra nhiều biến chứng. Vì vậy khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thận tiết niệu để được tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp. Tuỳ tình trạng bệnh, có những trường hợp cần can thiệp cấp cứu để lấy sỏi ngay, có trường hợp có thể trì hoãn lấy sỏi nghĩa là can thiệp lấy sỏi chủ động theo lịch như mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi. Có trường hợp không cần can thiệp gì đối với sỏi nhỏ không gây các biến chứng đau nhiều, tiểu ra máu hoặc gây biến chứng viêm nhiễm ở thận.
BS. Vũ Minh
Theo suckhoedoisong.vn