Thí sinh nên chọn trường, ngành học phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu xã hội. Như vậy, các em mới tìm được việc làm khi tốt nghiệp đại học.
Thí sinh nên chọn trường, ngành học dễ tìm kiếm việc làm khi tốt nghiệp đại học
Trong đợt I của đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành. Ở các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.
Mặc dù năm nay, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển nhưng dự đoán số lượng thí sinh “ảo” sẽ rất nhiều. Điều này sẽ khiến cho thí sinh gặp khó khăn khi chọn lựa trường học, ngành nghề phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cho rằng, năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia nên thí sinh không có căn cứ, số liệu để biết được ngành học của một trường ĐH, CĐ nào đó lấy bao nhiêu điểm.
Tuy nhiên, năm nay, thí sinh có căn cứ biết được nên đăng ký xét tuyển vào trường, ngành dễ trúng tuyển là có thể tham khảo số liệu, điểm thi vào các ngành, trường ĐH, CĐ năm 2015 để chọn lựa ngành học phù hợp với kết quả thi của mình.
Tuy nhiên, với phương án tham khảo điểm chuẩn đầu vào trường và ngành học qua năm trước, một số cán bộ lãnh đạo trường THPT cho rằng, học sinh cũng không thể biết rõ được số lượng thí sinh “ảo” như thế nào để chọn trường, ngành học ưng ý, phù hợp với bản thân.
Theo ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nếu thời gian xét tuyển kéo dài và thí sinh được xét vào nhiều ngành học thì sẽ khiến các em dồn đến ngày cuối cùng của đợt xét tuyển mới nộp hồ sơ nên có thể dẫn đến tình trạng “vỡ trận” trong đợt tuyển sinh. Điều này cũng khiến thí sinh chọn “bừa” một ngành học nào đó sao cho đỗ đại học chứ không dựa trên năng lực, sở thích của các em.
Ông Nguyễn Tu Tập nêu ý kiến, thay vì được chọn nhiều nguyện vọng thì trong các đợt xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT nên cho thí sinh được chọn 1 nguyện vọng xét tuyển. Như vậy sẽ khắc phục được tình trạng thí sinh “ảo” và thí sinh không lựa chọn trường, ngành học không phù hợp với bản thân.
Để giúp học sinh lựa chọn trường, ngành nghề phù hợp với khả năng của các em, hiện nay, nhiều trường THPT đều tổ chức tư vấn hướng nghiệp. Việc tư vấn dựa trên học lực, nguyện vọng của học sinh và gia đình.
Tuy nhiên, việc tư vấn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi vì đa phần hiện nay, học sinh vẫn chạy theo tâm lý “đám đông” theo kiểu nghe theo bạn bè chọn trường, ngành nghề nào thì đăng ký theo, chứ không dựa vào năng lực thực sự của mình. Nhiều học sinh có học lực ở mức trung bình khá nhưng lại thử sức đăng ký dự thi vào trường tốp đầu hay những ngành nghề đang được ưa chuộng.
Nếu các trường ĐH cứ chỉ tập trung đào tạo theo kiểu thu hút càng nhiều sinh viên, trong khi đó thí sinh lại chọn trường, ngành học theo tâm lý “đám đông” thì hậu quả rất lớn sẽ diễn ra tình trạng hàng vạn, hàng nghìn cử nhân thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề…
NGƯT Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring Hà Nội lưu ý thí sinh không nên chạy theo tâm lý “đám đông” mà trước khi đăng ký dự thi vào trường ĐH nào thì phải xem năm trước, điểm chuẩn và vào các ngành vào trường dự định đăng ký lấy bao nhiêu điểm. Kèm theo việc thí sinh biết được sức học thông qua mỗi đợt thi học kỳ, kiểm tra, đánh giá và cả sở thích của mình phù hợp với ngành nghề nào để đăng ký xét tuyển.
Thí sinh không nên để đến ngày cuối cùng của đợt xét tuyển mới đăng ký vào trường nào, ngành gì vì như vậy sẽ khiến cho các trường có thể sẽ không cập nhật liên tục và thông suốt số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký vào trường. Điều này cũng sẽ khiến cho tỷ lệ hồ sơ đăng ký vào một trường, một ngành nào đó tăng cao dẫn đến tỷ lệ thí sinh trúng tuyển thấp. Trong khi đó, có những trường học, ngành nghề có thể thí sinh trúng tuyển sẽ cao hơn mà thí sinh lại không nộp hồ sơ.
Theo NGƯT Đặng Đình Đại, quyết định chọn trường học, ngành nghề rất quan trọng vì đều này sẽ tác động rất lớn tới tương lai của học sinh. Vì vậy, các em cần cân nhắc kỹ chọn trường, ngành học phù hợp với sở thích, năng lực thực sự của bản thân. Ngoài ra, các em cần tìm hiểu kỹ nhu cầu tuyển dụng nhân lực, ngành nghề của xã hội và nhà tuyển dụng.
Nhằm giúp học sinh THPT lựa chọn ngành nghề đúng đắn, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các ban ngành liên quan cần có tầm nhìn về nguồn lao động trong những năm tới cũng như đưa ra định hướng, dự báo tìm nguồn nhân lực trong tương lai gần để học sinh tìm hiểu, cân nhắc khi chọn ngành nghề có thể tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học.
Đóng góp vào việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với học sinh, ông Nguyễn Tu Tập, Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, ngoài các hoạt động ôn luyện, nhà trường cũng tổ chức hướng nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh thông qua hình thức tư vấn, giao lưu trực tuyến.
Không chỉ thông qua các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn chọn trường, ngành học, giáo viên chủ nhiệm là người không chỉ giảng dạy mà còn là người biết được sở trường, năng khiếu của từng học sinh trong lớp nên cần gần gũi để tư vấn, hướng dẫn ngành học phù hợp với các em hơn./.
Theo Bích Lan/VOV.VN