Cập nhật: 04/04/2016 09:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp để nghe các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế và trong nước báo cáo kết quả khảo sát về việc lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận.

Đảo Lý Sơn nhìn từ đỉnh Thới Lới. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Đoàn chuyên gia, nhà khoa học gồm năm chuyên gia nước ngoài, cũng là thành viên của Hội đồng di sản thế giới thuộc UNESCO, cùng với 13 chuyên gia trong nước về văn hóa, địa chất đã có cuộc khảo sát ba ngày đêm tại đảo Lý Sơn và Bình Châu (Quảng Ngãi) từ 31/3 đến 3/4.

Sau khảo sát cụ thể, các chuyên gia đều cho rằng vùng địa chất tại các địa phương này rất có giá trị, cần phải chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, Lý Sơn, Bình Châu và các cùng phụ cận có khả năng trở thành công viên địa chất toàn cầu.

Tuy vậy, điều kiện địa chất chỉ là điều kiện cần, bên cạnh đó còn phải xét đến nhiều điều kiện khác như công tác bảo tồn, giáo dục cộng đồng, phát triển du lịch để các vùng này được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Ngoài khu vực đảo Lý Sơn, Bình Châu, vùng đất liền của Quảng Ngãi cũng được các chuyên gia đánh giá là vùng địa chất có sự đa dạng, phong phú hiếm có. Các vùng này nên được xem là vùng phụ cận của công viên địa chất toàn cầu khi đã hoàn thành.

Theo các chuyên gia, Quảng Ngãi đang chỉ ở bước khởi đầu trong tiến trình hình thành nên công viên địa chất toàn cầu, nhưng đã có sức ảnh hưởng khá lớn đến việc phát triển du lịch tại địa phương. Ngay từ bây giờ, địa phương cần quản lý môi trường sinh thái một cách hiệu quả, để làm bước khởi đầu để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu thực sự trong tương lai.

Do đó, tỉnh Quảng Ngãi cần xác định khuôn viên, diện tích để lập hồ sơ công viên địa chất toàn cầu trình Ủy ban di sản Quốc gia, sau đó là tổ chức UNESCO. Đồng thời, phải có bộ máy vận hành chuyên trách tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết trong việc lập hồ sơ công viên địa chất toàn cầu.

Tại đây, các chuyên gia đã tham gia góp ý để sớm hình thành được Công viên địa chất tại Lý Sơn, Bình Châu. Giáo sư-tiến sỹ Ibrahim Komoo, Phó Chủ tịch Hiệp hội mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, cho biết: "Chúng tôi đã tham quan bảy điểm địa chất ở đảo Lý Sơn và bãi biển Bình Châu, có nhiều điểm rất giá trị, nhưng cần phải chăm sóc đặc biệt và phát triển hơn nữa. Những điểm này rất có tiềm năng phát triển du lịch và có thể phát triển du lịch ngay từ hôm nay."

Theo tiến sỹ Mahico Watanabe, thành viên Hội đồng tư vấn hệ thống công viên địa chất toàn cầu châu Á-Thái Bình Dương, trước khi trình hồ sơ lên Hội đồng di sản thế giới của UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu, cần phải có sự xét duyệt và thừa nhận của Ủy di sản Quốc gia. Dựa trên con dấu của Ủy ban di sản Quốc gia, Hội đồng di sản thế giới sẽ làm việc, đánh giá và kết luận.

Còn tiến sỹ Nancy Rhoenar Aguda, Đại học Tổng hợp Philippines, nêu ý kiến nhà nước, tư nhân hay cộng đồng, nhân tố nào quyết định hình thành nên công viên địa chất toàn cầu? Đó chính là người dân địa phương. Vì vậy cần phải kêu gọi sự tham gia của người dân địa phương trong bảo tồn và phát triển công viên địa chất. Thay đổi nhận thức của một người dân rất khó khăn và nhiều thách thức để phát triển du lịch địa chất. Do đó, chính quyền cần phải hết sức kiên nhẫn, tích cực triển khai các hoạt động giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức. Làm được điều này, có nghĩa là đã thành công bước đầu.

Sau khi nghe các chuyên gia, nhà khoa học góp ý, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Quang Thích thay mặt lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã giúp cho tỉnh Quảng Ngãi có thêm thông tin, tư liệu về sự hình thành địa chất ở một số địa phương với sự đa dạng và phong phú hiếm có. Qua đó, tỉnh có thêm sự quyết tâm và củng cố niềm tin về sự hình thành công viên địa chất toàn cầu tại Quảng Ngãi.

Tuy chưa xác định được khuôn viên cụ thể của công viên địa chất toàn cầu, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Quang Thích khẳng định sẽ đặt Lý Sơn nằm trong vùng được bảo tồn của công viên địa chất toàn cầu và một số vùng khác để lập hồ sơ trình UNESCO. Quảng Ngãi sẽ nhanh chóng thực hiện việc tuyên truyền cho nhân dân địa phương nằm trong vùng công viên địa chất, để nâng cao nhận thức của họ trong việc bảo tồn môi trường sinh thái.

Sau buổi làm việc này, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ trình hồ sơ lên Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt công nhận công viên địa chất cấp tỉnh. Tiếp theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đề ra tiến độ cụ thể để được công nhận là công nhân địa chất cấp quốc gia và toàn cầu./.

ĐINH THỊ HƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/dao-ly-son-nam-trong-vung-duoc-bao-ton-cong-vien-dia-chat-toan-cau/379475.vnp

Tệp đính kèm