Hải Lựu là xã miền núi thuộc huyện Sông Lô - Vĩnh Phúc. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người dân Hải Lựu đã hình thành nên truyền thống thượng võ, giàu lòng yêu quê hương đất nước. Là vùng đất cổ, có tiềm năng lâu dài về phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và dịch vụ. Hải Lựu còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử-văn hoá lâu đời như: Chọi trâu, Bắt lợn cầu, Chọi gà và nhiều trò chơi dan gian khác. Đặc sắc và quy mô lớn nhất vẫn là lễ hội chọi trâu có từ xa xưa, được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến năm 1947 thì tạm thời dừng lại.
Thuở xưa, xã Hải Lựu có tên gọi là Bạch Lưu, nằm sát bờ trái sông Lô, núi non hiểm trở. Theo truyền thuyết dân gian, vào một buổi sáng sớm trời mờ sương, trên bến sông Lô người dân thấy xuất hiện hai con trâu trắng đánh nhau rất dữ dội không phân thắng bại, làm vang động cả một vùng. Dân làng gọi nhau ra xem rất đông, hai con trâu trắng đánh nhau quyết liệt rồi cùng nhảy xuống sông biến mất. Nơi diễn ra cuộc đánh nhau giữa hai con trâu sau đó gọi là Bến ảnh, làng được gọi là Bạch Ngưu (trâu trắng), nhưng sau để kiêng tên Thành hoàng làng người ta gọi chệch đi là Bạch Lưu. Bạch Lưu theo nghĩa hán thì chữ “lưu” biểu thị sự tốt đẹp, lâu bền, còn có nghĩa là “ngọc”. Bạch Lưu có nghĩa là “Ngọc trắng”. Có lẽ truyền thuyết này cũng là một yếu tố minh chứng cho làng Bạch Lưu hạ là nơi có nguồn gốc lịch sử của lễ hội chọi trâu .
Theo lịch sử kể lại, lễ hội có từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, lúc này nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, Thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu-Sông Lô để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu động viên quân sĩ và để mua vui cho dân làng, trâu sau khi chọi được giết thịt để khao quân. Khi mất, ông được dân làng tôn thờ làm Thành hoàng làng tại đình Bạch Lưu hạ và trò “đấu ngưu” được lưu truyền thành hội chọi trâu để tưởng nhớ ông, lễ hội chọi trâu (đấu ngưu) cũng bắt đầu từ đó cách đây khoảng trên 2.000 năm.
Lễ hội chọi trâu ở làng Bạch Lưu nay là xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc được xem là một cổ tục độc đáo, đặc sắc và hầu như không có tính tiếp biến phổ quát, chỉ riêng ở một làng xã. Thậm chí các tiểu vùng văn hóa trong khu vực cũng không có cổ tục này. Độc đáo, nguyên gốc và tối cổ có thể xem là nét đặc trưng của trò chọi trâu Hải Lựu ngày nay.
Hàng năm, cứ sau ngày rằm tháng giêng, người dân lại mở hội chọi trâu (đấu ngưu) theo truyền thống. Trước đây, hội chỉ diễn ra trong ngày 17 tháng giêng âm lịch, nhân dân trong vùng vẫn còn lưu truyền câu ca: “Dù ai đi đâu, ở đâu; Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về; Dù ai buôn bán trăm nghề; Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”. Về sau, càng ngày hội càng thu hút đông người tham gia nên Ban tổ chức đã kéo dài ngày hội làm 2 ngày: 16 và 17 tháng giêng. Đây là một trong những lễ hội văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, bởi nó biểu trưng cho tính cộng đồng và đặc biệt hơn gợi nhớ về cội nguồi cũng như giáo dục tình yêu quê hương sâu sắc.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đi đôi với việc phát triển kinh tế là phát triển văn hoá. Sau một thời gian dài gián đoạn vì chiến tranh tới năm 2001, do có chủ trương của Đảng và Nhà nước cho phép tu tạo lại các đền chùa, khôi phục các lễ hội truyền thống, lễ hội chọi trâu truyền thống được khôi phục lại vào năm 2002 sau hơn 50 năm bị gián đoạn để góp phần vào việc bảo tồn và phát triển một di sản văn hoá phi vật thể của ông cha ta để lại.
Nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện và các ngành chức năng, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong xã, lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu được khôi phục sau 55 năm gián đoạn. Đến nay qua 10 năm tổ chức,nhờ sự quan tâm về cơ sở vật chất và tinh thần của tỉnh, huyện, các ngành chức năng cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong toàn xã và quý khách thập phương, lễ hội chọi trâu ngày càng được mở rộng về quy mô tổ chức, cơ sở vật chất ngày càng to lớn hơn. Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu là nét đẹp văn hoá thể hiện nền văn minh lúa nước của người dân Việt Nam. Vì chọi trâu Hải Lựu cũng như các cổ tục sát sinh hiến tế trong vùng, về bản chất đây là lễ hiến sinh của tục cầu mưa- nghi lễ phổ biến của cư dân vùng lúa nước. Người nông dân đêm hôm, sớm tối luôn gắn bó với con trâu “con trâu là đầu cơ nghiệp” của người nông dân. Song những “Ông cầu” ngày nay sung trận là đại diện tiêu biểu, tinh tú cho những con trâu hàng ngày gắn bó với người nông dân trên đồng ruộng để tế Thành Hoàng làng. Cầu cho mưa thuận, gió hoà, toàn dân trên dưới một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển thịnh vượng an khang và ban phát lộc cho nhân dân, phục vụ cho quý khách thập phương nhân dịp mừng hội vui xuân. Chúng ta luôn biết ơn các bậc tiền nhân đã để lại cho các thế hệ con cháu người dân xã Hải Lựu - Sông Lô -Vĩnh Phúc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung một lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện nét đẹp nhân văn và ý trí kiên cường bất hủ của dân tộc Việt Nam.
Địa điểm chọi trâu đặt tại gò Mả Đàm, trên diện tích đất khoảng 5 đến 7 sào Bắc Bộ. Bao quanh sân được rào cọc bằng gỗ bạch đàn, hoặc tre dài 2,5m đường kính 6-8cm, chôn sâu 40-50cm khoảng cách vừa phải, liên kết giữa các cọc với nhau được buộc hai hàng sáo trên và sáo dưới bằng dây tre, nín néo bằng lốp xe đạp cũ rất bền chắc, phía ngoài có buộc cây chống cho hàng rào chắc chắn. Sới chọi trâu được rào theo hình bầu dục khoảng 300m2 , chu vi sới chọi có 2 cửa ra, vào ở phía Đông và phía Tây để đưa trâu vào và thoát ra. Khi trâu vào sới chọi, ở cửa Tây đóng lại còn ngỏ cửa Đông để trâu thoát gọi là cửa Ngâu. ở cửa thoát phía Đông có đào một ao sâu để trâu thoát hiểm. Người xem đứng vòng quanh sân. ở phía Bắc của sân có đắp đất thành sân khấu gọi là khán đài, ở phí Tây của sân xây một vọng đài tâm linh thờ Thành hoàng làng và để tế lễ trước khi vào hội.
Nét văn hóa độc đáo của chọi trâu Hải Lựu khác với lễ hội chọi trâu ở nơi khác. Thông thường các trâu thường do các cá nhân hoặc các xã trong một huyện mua về chăm sóc nuôi dưỡng, nhưng ở Hải Lựu các “Ông cầu” được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện (mỗi tập thể thường là các xóm, làng, phường, hội hoặc họ tộc...) đã gắn bó lâu đời với nhau. Tiêu chuẩn của trâu quy định: Trâu không kể tuổi nhưng phải là trâu cà, lông đen tuyền, không trắng lưỡi, sừng hướng tiền, mắt nhô nom tựa ốc loa, móng kép, chân to, có vòng ngực 2,05m trở lên, ngoại hình đẹp, đuôi dài chấm khoeo.
Hàng năm, vào khoảng tháng 7 - 8 các cộng đồng này góp tiền cử người lặn lội lên tận Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu... để tìm những trâu khoẻ đẹp mua về. Trâu mua về được cả cộng đồng bình xét giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng, gia đình này phải là gia đình có đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống hoà thuận, hiếu thảo, trên kính dưới nhường, kinh tế khá giả, nghĩa là một gia đình văn hóa, các gia đình khác có nghĩa vụ đóng góp thức ăn cho trâu (thường là bột ngô bột sắn, cám gạo ...). Trâu được cả cộng đồng yêu quí, vuốt ve, trân trọng như một thành viên. Từ việc chăm sóc những “Ông Cầu” mà cộng đồng càng thêm đoàn kết, gắn bó với nhau hơn, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất và xây dựng thôn xóm.
Người được phân công nuôi trâu đều phải tuân thủ theo quy định: Trâu phải nuôi hãm trong chuồng, dùng dây thừng bện bằng tre cật vòng qua hai sừng trâu, hai đầu sừng được cố định vào văng chuồng, chạc sẹo cũng được go chặt vào văng để mõm trâu hếch lên tiện cho việc bón thức ăn. chuồng phải được vệ sinh sạch sẽ, mỗi ngày 2 lần đưa trâu ra sông tắm rửa.
Sau gần nửa năm được chăm sóc, trâu nào cũng béo tốt, tràn đầy sinh lực trước khi vào trận. Nét đẹp văn hóa nữa là trâu chọi bao giờ cũng đấu nhau bằng lối đối mặt dùng sừng và sức khoẻ để chọn thế võ tấn công đối phương, dù thắng hay thua không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn.
Đây là lễ hội chọi trâu giữ được nhiều nét tối cổ, nguyên sơ nhưng vẫn gồm hai phần chính; Phần lễ và phần hội. Phần lễ và phần hội thường được tiến hành đan xen với nhau và trải dài từ tháng 8 âm lịch năm trước đến tháng giêng âm lịch năm sau.
Phần lễ trong lễ hội chọi trâu thể hiện tâm linh của con người đối với thần thánh, và phần lễ ngày xưa thì được tiến hành ở đình làng còn ngày nay thì tiến hành ở vọng đài tưởng niệm tâm linh, nơi thờ Thành hoàng làng gồm có: lễ trình trâu, lễ rước và lễ dâng hương.
Phần lễ trình trâu được bắt đầu từ tháng 9 âm lịch năm trước, khi chủ trâu mua trâu về có lễ tấu trình ở vọng đài tưởng niệm tâm linh để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào hội. Đến mùa xuân năm sau trước khi khai mạc lễ hội lại tổ chức lễ trình trâu lần cuối. Lễ này được tiến hành trong ngày 15 tháng giêng âm lịch, theo sự hướng dẫn của Ban tổ chức lễ hội để các trâu không được trạm trán nhau. Theo quy định tất cả các “Ông cầu” đều phải đến làm lễ tại vọng đài tâm linh, chỉ duy có “Ông cầu” tham gia vào đoàn rước và dâng hương của xã thì không phải làm lễ. Các thôn hoặc tập thể có trâu tham gia lễ hội phải thành lập một đoàn dẫn trâu từ thôn mình đến vọng đài và kèm theo lễ vật gồm hương, hoa quả, bánh kẹo. Văn khấn thành hoàng có thể chủ trâu tự viết và đọc hoặc có thể nhờ người làm lễ. Sau khi đọc văn khấn song, “Ông cầu” phải lễ 4 lễ. Chủ trâu một tay nắm thừng sát mũi trâu, một tay đặt ở vị trí giữa hai gốc sừng, nâng đầu trâu lên, hạ đầu trâu xuống 4 lần.
Cũng trong ngày 15 tháng giêng xã cử một đoàn cán bộ lên dâng hương tại Đền Hùng và đền Mẫu Âu Cơ để kính cáo nhớ về cội nguồn nhân có lễ hội chọi trâu và cử một đoàn cán bộ địa phương đại diện nhân dân dâng lễ tại Am Khánh tự, xã Hải Lựu. Lễ vật gồm có hương, hoa quả, kim ngân vàng mã.
Tiếp đến là lễ rước được tiến hành vào ngày 16 tháng giêng, đội hình rước gồm có đội múa lân đi trước rẹp đường; sau đó là đoàn hồng kỳ, gồm có cờ Tổ quốc và cờ hội; tiếp theo là đoàn khiêng kiệu lễ vật; tiếp đó là các “Ông cầu” đại diện cho các “Ông cầu” ở các thôn, tập thể cổ đeo vòng hoa, mình choàng vải đỏ. Đi cuối cùng là đoàn các cụ bô lão, áo mũ chỉnh tề đại diện của các thôn. Đoàn rước khởi hành từ trụ sở UBND xã đến vọng đài tưởng niệm tâm linh.
Cuối cùng là lễ dâng hương, đội hình đoàn rước đứng trang nghiêm, người dẫn xướng tuyên bố “Lễ dâng hương bắt đầu” hai ông đồng chủ lễ vào lễ và thắp hương. Người dẫn xướng hô; Bái: tất cả mọi người chắp tay cúi đầu vái; Hưng: tất cả mọi người ngẩng đầu lên. Cứ làm như thế 4 lần, sau đó thì đọc chúc văn và tiếp sau đó các cụ bô lão lần lượt lên dâng hương ở vọng đài. Cuối cùng là “Ông cầu” vào làm lễ.
ở phần hội, các “Ông cầu” đại diện cho các thôn, các phường, các hội và các đoàn thể trong xã tham gia vào vòng đấu loại trực tiếp. Ba “Ông cầu” xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung kết để tranh giải nhất, nhì, ba sau đó trao phần thưởng và bế mạc lễ hội.
Có lẽ lễ hội chọi trâu Hải Lựu là một trong những lễ hội văn hoá dân gian cổ xưa còn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ, không có những toan tính thái quá của con người, không có trâu bị tiêm thuốc kích thích, không có cá cược … Tất nhiên có những chuyện mừng vui của cộng đồng có trâu thắng cuộc, nhưng tất cả các trâu dù thắng dù thua đều là những trâu khoẻ mạnh. Kết thúc lễ hội các “Ông Cầu” đều được giết thịt để liên hoan tập thể, ăn để lấy may trong một năm. Ai cũng mong được thưởng thức món thịt trâu quí và mong một năm mới có sức khoẻ “như trâu”. Mọi người vừa vui bên mâm cỗ vừa bàn đến những miếng võ đẹp của trâu.
Mỗi chúng ta đều có quyền tự hào về truyền thống và sự thông minh sáng tạo của ông cha. Chúng ta luôn luôn trân trọng những giá trị văn hoá tinh tú đó, xây dựng lễ hội ngày càng hoành tráng hơn, trường tồn với thời gian, lịch sử của dân tộc, đáp ứng được nhu cầu tâm linh cho nhân dân địa phương và quý khách thập phương. Giờ đây lễ hội chọi trâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Từ khi khôi phục lại lễ hội chọi trâu đến nay mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách đến với lễ hội, số du khách đến với lễ hội chọi trâu ngày một đông hơn.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là một di sản văn hóa phi vật thể, tài nguyên du lịch mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa để lại. Nhân dân Hải Lựu tự hào và biết ơn ông cha ta đã để lại di sản văn hoá quý báu này. Chúng ta ngày nay phải có trách nhiệm kế thừa và phát triển lễ hội chọi trâu để di sản này sẽ được bảo tồn mãi mãi. Đây là một điểm tham quan giải trí hấp dẫn, hàng năm đã đem lại nguồn thu đáng kể cho xã Hải Lựu và cho ngành du lịch của Vĩnh Phúc. Tin rằng khi Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, và tầm nhìn đến năm 3030 được triển khai chi tiết, xây dựng các cụm, khu, tuyến, điểm du lịch chất lượng cao thì sẽ tạo được bước phát triển mạnh mẽ cho cụm du lịch Sông Lô - Lập Thạch. Nhằm đáp ứng được nhu cầu tham quan nghỉ dường của du khách thập phương và nâng cao đời sống kinh tế xã hội của người dân. Đây là cơ sở, niềm tin để người dân Hải Lựu vững chắc tiến lên, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh và giàu đẹp./.
Đàm Hằng – XTDL