Cập nhật: 06/04/2016 08:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cứ mỗi độ xuân về những ngôi đền thờ Đức Thánh Tản đều tổ chức lễ hội phản ánh những nét độc đáo với các giá trị văn hoá quý báu của lễ hội cổ truyền, góp phần làm cho bức tranh tổng thể làng quê của người Việt thêm phong phú, sinh động. Trong đó phải kể đến lễ hội đền Bắc Cung xã Tam Hồng huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc (nhân dân quen gọi là hội đền Thính). Lễ hội được tổ chức như ngày nay là cả một quá trình bảo tồn, phục dựng lâu dài, có sự kế tiếp và bổ sung nét mới văn minh hơn. 

Căn cứ vào tài liệu còn lưu giữ tại đền và theo lời kể của các cụ cao niên trong làng đã từng được nghe, chứng kiến lễ hội, theo lệ làng cứ đến tháng chạp, chức dịch, sắc mục và các quan viên của các giáp họp bàn để tổ chức lễ hội (nay là Ban quản lý Khu Di tích đền chùa xã Tam Hồng, xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội hàng năm trên cơ sở của lễ hội cổ truyền. Những người được chuẩn bị cai đám phải thực hiện “trai giới” nhằm đảm bảo mua sắm lễ vật được trong sạch, tinh khiết hơn.Việc chuẩn bị cho lễ tế khá công phu. Trước tiên là chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia tế lễ và đóng các vai chính trong đám rước. Thông thường có từ 8 đến 14 cụ ông được chọn làm thành viên trong đội tế khai xuân, tế dâng lễ, tế ngày sinh, hóa của đức Thánh Tản. Một cụ hội đủ các điều kiện tốt nhất sẽ được chọn làm chủ tế, 2 cụ làm Đông xướng và Tây xướng; 2 cụ bồi tế, 4 cụ tiến nước đèn, nhang, hoa, một cụ đọc chúc văn; 6 cụ chấp kích hai bên canh gác và xua đuổi tà ma cho cuộc tế. Những công việc này đều do người dân Tam Hồng bầu chọn, cắt cử dưới sự điều hành của Ban tổ chức lễ hội.

Ban tế gồm 2 đội, một đội nam và một đội nữ, mỗi đội thường gồm 21 người, trong đó có một người chủ tế. Người chủ tế phải là người có thẻ vinh tử vượng, phu phụ song toàn, tử tôn hưng thịnh và khoẻ mạnh. Song song với việc chuẩn bị trên thì việc chuẩn bị đồ lễ vật cũng được tiến hành.

Công việc chuẩn bị xong cũng là lúc lễ hội đền Thính được diễn ra. Sau lễ khai mạc của Ban tổ chức lễ hội, lần lượt từng thôn trong và ngoài xã, theo lịch đã đăng ký tiến hành lễ rước từ đình thờ của làng mình lên đền Thính. Để chuẩn bị cho lễ rước kiệu của làng mình, người lớn thì chu đáo chuẩn bị lễ vật, thanh niên, các em nhỏ thì  háo hức tham gia lễ rước. Lễ vật là tất cả những gì đặc trưng nhất, thể hiện thành quả lao động của làng năm vừa qua dâng lên Thánh để tỏ lòng thành kính, biết ơn thành đã phủ hộ và cầu mong một năm sung túc, an lành cho dân làng. Khi đám rước của một thôn đến đền, cuộc tế lễ bắt đầu. Nội dung văn tế kể về công lao của Thánh đối với dân làng; mời Thánh về dự hội với dân làng, báo cáo thành tích của làng mình trong năm qua và cầu xin thánh phù hộ cho dân một năm mới làm ăn thịnh vượng, nhà nhà yên bình, làng xóm yên vui, người người mạnh giỏi.

Mùa xuân này ngày 6 tháng giêng nhân dân Tam Hồng lại tấp nập đón khách thập phương về trẩy hội, làm lễ. Những hoạt động nhộn nhịp diễn ra tại lễ hội từ phần lễ có tính chất quy phạm nghiêm ngặt được cử hành chủ yếu trong không gian bên trong của đền (tế Quan Viên, rước kiệu, lễ dâng hương…) đến phần hội là phần sinh hoạt văn hoá dân gian mang tính chất mở phóng khoáng diễn ra khu vực ngoài  Tam Quan không giới hạn không gian, thời gian để dân làng cùng vui chơi hết mình và tình cảm cũng dịu dàng đằm thắm hơn (Chọi gà, đấu vật, ném còn, kéo co, …); các hoạt động văn hoá văn nghệ khác thu hút sự quan tâm của tất thảy mọi người đang có mặt và cả những người từng mong có một lần được mục sở thị. Truyền nối nét cổ xưa cha ông để lại, ngày nay chính quyền và nhân dân Tam Hồng đồng sức đồng lòng lo tổ chức lễ hội được chu toàn để làm vừa lòng khách đến, đẹp lòng khách đi. Quan trọng hơn là góp phần gìn giữ những nét văn hoá truyền thống của địa phương, dân tộc.

Được sự quan tâm của chính quyền và sự toàn tâm của nhân dân địa phương trong việc tổ chức lễ hội, mùa lễ hội hàng năm Đền Thính thu hút hàng vạn lượt khách gần xa công đức để tu bổ đền chùa, sắm sửa nội thất trong chùa và tổ chức lễ hội đầu năm.

Về Yên Lạc hôm nay, du khách dừng chân bên ngôi đền cổ để tận hưởng sự giao hòa sắc xuân của đất trời, tấm lòng hướng về đức Thánh và cảm thấy tình yêu quê hương, đất nước càng nhân lên./.

Nguyễn Hảo – XTDL

Tệp đính kèm