Cập nhật: 07/04/2016 09:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) nay đổi tên thành Luật Trẻ em. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng, đoàn Vĩnh Long cho rằng, để trẻ em phát huy được khả năng của mình, ở đây cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cả những chế định mới như cơ quan đại diện cho tiếng nói của quyền trẻ em. Từ đó tạo điều kiện cho cái tôi cá nhân của mỗi em, để các em có thể trình bày chính kiến, nguyện vọng của mình.

- Luật Trẻ em vừa được thông qua, vậy ông quan tâm nhất đến nội dung nào trong Luật này?

Ông Phạm Tất Thắng: Luật Trẻ em lần này có nhiều điểm mới so với luật hiện hành, có hai nội dung tôi rất quan tâm.

Thứ nhất là độ tuổi trẻ em. Dự thảo luật do cơ quan soạn thảo trình đề xuất nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Nhưng qua thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu đề nghị giữ nguyên theo Luật hiện hành là dưới 16 tuổi. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại Luật hiện hành để phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Nội dung thứ hai là cơ quan đại diện cho quyền trẻ em. Đây là một chế định mới trong luật. Trước đây, chúng ta quy định các cơ quan có trách nhiệm, nhưng chưa có một cơ quan đại diện cho tiếng nói và quyền trẻ em. Theo kinh nghiệm của một số nước phát triển, hiện nay, dự thảo Luật đã đề cập vấn đề này. Nhiệm vụ được giao cho Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, thành viên trong hệ thống chính trị, đại diện Hội đồng Đội Trung ương - cơ quan, đại diện cho tiếng nói của trẻ em. Đó là hai nội dung khá mới trong dự thảo Luật của chúng ta.

- Luật Trẻ em lần này có nhấn mạnh tới nội dung quyền tham gia của trẻ em và chính sách bảo vệ trẻ em. Theo ông, làm thế nào để hai nội dung này đi vào hoạt động phù hợp thực tế Việt Nam?

Ông Phạm Tất Thắng: Đúng là tư tưởng xuyên suốt trong dự thảo Luật lần này là nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền trẻ em theo tinh thần của Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Quyền tham gia của trẻ em đã được quy định trong Công ước và cũng quy định trong dự thảo Luật trình mới lần này.

Vấn đề quan trọng là, làm thế nào để trẻ em phát huy được quyền của mình. Trẻ em chưa phải là người lớn, chưa tự chủ động trong nhiều công việc. Nhất là, với truyền thống văn hóa của người Á Đông, chúng ta rất quan tâm, chăm sóc, thậm chí là bao bọc cho trẻ em. Chính vì thế, ở đây cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cả những chế định mới như cơ quan đại diện cho tiếng nói của quyền trẻ em. Từ đó tạo điều kiện cho cái tôi cá nhân của mỗi em, để các em có thể trình bày chính kiến, nguyện vọng của mình.

- Thưa ông, trên thực tế nhiều khi tiếng nói của trẻ em chưa được lắng nghe, tôn trọng?

Ông Phạm Tất Thắng: Quả đúng là như vậy vì ngay cả trong gia đình, theo truyền thống, chúng ta chưa chắc đã lắng nghe, tôn trọng tiếng nói của các em. Trong nhà trường chẳng hạn, nếu chúng ta không thay đổi cách dạy truyền đạt kiến thức, các em cũng ít có điều kiện có thể bộc lộ, trao đổi với bạn bè, thầy cô chung quanh việc học của mình.

Ngay cả việc trẻ em tham gia tổ chức Đoàn, Đội, môi trường xung quanh, kể cả nơi các em sinh sống, để làm sao có những hoạt động, tạo cơ hội cho các em có thể trình bày những đề xuất, ý kiến của mình.

Tôi cho rằng, đó là một sự phối hợp giữa ba yếu tố chủ thể trong quá trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay: gia đình, nhà trường và xã hội. Mặc dù, nghe có vẻ công thức nhưng điều đó hết sức thực tế.

- Theo ông, khi Luật này đi vào cuộc sống sẽ chăm sóc tốt hơn cho thế hệ trẻ hay không?

Ông Phạm Tất Thắng: Không chỉ Luật Trẻ em, mà tất cả những đạo luật của chúng ta khi sửa đổi đều mong muốn tiếp cận, gần hơn với cuộc sống, với yêu cầu thực tiễn thay đổi. Luật Trẻ em lần này có nhiều điểm tiếp cận Công ước quốc tế về quyền trẻ em, phát huy vai trò của các em hơn, phát huy vai trò chăm sóc, bảo vệ các em tốt hơn. Chúng ta có cơ quan đại diện cho tiếng nói nguyện vọng của các em. Rất nhiều biện pháp được bổ sung hoặc thay đổi trong dự thảo Luật lần này. Tôi tin, khi Luật này đi vào cuộc sống có thể chăm lo tốt hơn cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước ta.

Quan trọng hơn, bên cạnh sửa đổi luật với nhiều điểm mới, tiến bộ, chúng ta phải quan tâm dành nguồn lực cho công tác trẻ em. Thí dụ, về con người, có thể hình thành nhân sự được phân công trách nhiệm cụ thể từ cấp cơ sở xã, phường trở lên làm công tác trẻ em. Chúng ta cũng phải dành những nguồn lực cần thiết để đưa Luật vào cuộc sống.

- Xin cảm ơn ông!

Theo NHÓM PV (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/can-de-tre-em-phat-huy-duoc-chinh-kien-nguyen-vong-cua-minh/379774.vnp

Tệp đính kèm