Nhằm mang lại những tiện ích cho người dân tham gia giao thông khi qua các trạm thu phí, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cùng Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) và Tập đoàn thương mại Sojitz (Sojitz) đã nghiên cứu và triển khai tích hợp 3 công nghệ: Công nghệ Passive DSRC (thụ động), công nghệ Active DSRC (chủ động) và RFID trên cùng một hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC).
Trạm thí điểm hệ thống thu phí tự động không dừng tích hợp 3 công nghệ. (Nguồn: VietinBank)
Theo báo cáo, tại Việt Nam đã và đang triển khai nhiều công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC), nhưng chủ yếu dưới ba dạng: Công nghệ Passive DSRC (thụ động), công nghệ Active DSRC (chủ động) và công nghệ RFID. Do đó, việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trạm thu phí đang gặp nhiều khó khăn.
Trước những tiện tích trên, ngày 11/3, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chấp thuận cho VietinBank triển khai mở rộng dịch vụ thu phí cầu đường tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tại các điểm thu phí do VietinBank tài trợ vốn và các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam.
Việc tích hợp này sẽ cho phép VietinBank, các đối tác và nhà đầu tư BOT đẩy mạnh việc triển khai dự án thu phí cầu đường tự động không dừng tại các trạm thu phí trên đường quốc lộ và đường cao tốc trên toàn quốc theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao tiện ích của việc tích hợp hệ thống ETC và yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng đưa ETC vào ứng dụng trong giai đoạn 2.
Với công nghệ mới, khách hàng chỉ cần dùng một bộ thiết bị thu phí không dừng (OBU/ Etag) là đi qua được tất cả các trạm thu phí mà VietinBank đang cung cấp trên toàn quốc. Ngoài việc sử dụng OBU/Etag để trả phí cho hệ thống thu phí không dừng, khách hàng còn có thể sử dụng thẻ OBU/Etag để mua xăng dầu, trả tiền phí đỗ xe…
Hiện nay, VietinBank đã triển khai hình thức thu phí này tại khu vực miền Trung, miền Nam và tập trung chủ yếu trên quốc lộ 1, quốc lộ 51, các trạm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các bãi đỗ xe tại các sân bay. Trong thời gian tới, công nghệ và dịch vụ này sẽ được đẩy mạnh áp dụng tại các trạm thu phí trên đường cao tốc.
Việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng mới sẽ giảm chi phí cho đơn vị quản lý trạm thu phí. Theo ước tính, nếu áp dụng công nghệ thu phí không dừng liên trạm sẽ tiết kiệm được các chi phí do tinh giản nhân lực, chi phí phục vụ công tác kiểm đếm quản lý tiền thu phí hàng ngày, không tốn chi phí in ấn vé, cải tạo sửa chữa đường ít hơn, tiết kiệm chi phí cải tạo môi trường...
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải từ nay đến 30/6, toàn bộ các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) sẽ phải triển khai tối thiểu một nửa số làn ETC và phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier) nhưng đến năm 2020 sẽ bỏ hết barier tại các trạm thu phí./.
THÚY HÀ (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/thu-phi-tu-dong-khong-dung-tich-hop-cong-nghe-3-trong-1/380296.vnp