Đền ở thôn Long Trì, thị trấn Hợp Hoà, huyện Tam Dương, nằm cách quốc lộ 2B (đi Sơn Dương - Tuyên Quang) 1km, cách ngã ba Tam Dương 7km.
Đền Bạch Trì có kiến trúc 3 gian thờ dọc, 2 gian ngoài là tiền tế, gian trong cùng bố trí thượng cung bởi sàn ván gỗ nâng cao cách nền 1,60m. Thượng cung bưng ván xung quanh, phía mặt tiền có cửa võng, tạo thành nơi kín đáo, thâm nghiêm - nơi thần ngự. Diện tích mặt bằng kiến trúc đền là 76m2. Kết cấu vì kèo theo dạng thức “chồng rường giá chiêng”, gồm 5 bộ vì, 4 hàng chân (20 cột gỗ lim) kê trên đá tảng tạo thế vững chãi cho ngôi đền. Đây là loại hình di tích ở vùng đất rộng, người thưa, nơi thờ tự thường được dựng trên một quả đồi - gò nhưng kiến trúc nhỏ, đáp ứng nhu cầu sử dụng phù hợp với địa bàn dân cư thưa thớt.
Tuy vậy, đền Bạch Trì cũng còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc gỗ truyền thống với trình độ kỹ thuật tinh xảo, khả năng tư duy sáng tạo, nghệ thuật sâu sắc và tâm nghề chí thành. Các bức chạm gỗ dân gian về các đề tài “tứ linh” (Long - Ly - Quy - Phượng) với các mô típ: Rồng ổ, phượng càm thư, lân cõng chữ thọ,…được thể hiện rất sắc nét, duyên dáng, uyển chuyển, sống động qua kỹ thuật đục bong, chạm lộng trên các bức cốn nách, xà rồng, bức vỉ ruồi đầu hồi, cửa võng,…đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ truyền của cha ông ta ở thế kỷ XIX, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá truyền thống được lưu giữ tại đền Bạch Trì, làm khuôn mẫu cho lối trang trí kiến trúc thờ tự cộng đồng của vùng quê trung du Bắc Bộ.
Đền thờ tam vị: Đệ nhất Sơn Lạc Đại Vương, đệ nhị Sơn Lạc Đại Vương, đệ tam Sơn Lạc Đại Vương, thường gọi là 3 anh em Lã Lạc, đã giúp Lã Gia (Thừa tướng nhà Triệu mà Triệu Đà là người khởi nghiệp) cùng nhân dân trong vùng và nước âu Lạc chống sự xâm chiếm của triều Tây Hán ở phía Bắc thời kỳ khoảng thế kỷ I trước công nguyên.
Toạ lạc trọn vẹn trên một quả đồi có tên đồi Rừng đền, diện tích khoảng 3ha, cao hơn mặt ruộng xung quanh 30 - 40m. Phía trước đền (hướng Nam) là dòng Sơn Tang (tức sông Phan) lững lờ uốn lượn quanh năm, tạo nên một vùng trũng, rộng, dân địa phương gọi là “Ao Bạch”, cùng rừng cây già có Đại, Sộp, Trám,…, đền Bạch Trì sẽ được quy hoạch, tôn tạo trở thành trọng điểm di tích danh thắng của huyện Tam Dương
ST