Văn hóa lễ hội là phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, đó là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có nguồn gốc, lịch sử tồn tại, phong tục tập quán, văn hoá độc đáo tạo nên những nét riêng đặc sắc riêng có. Và mỗi độ Tết đến Xuân về, nét văn hóa đặc sắc riêng có đó lại như mới hơn, vui hơn. Với bà con người dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên (Sông Lô) thì lễ hội Xuống đồng (theo tiếng dân tộc gọi là lễ hội Lồng Tồng) từ bao đời nay đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc. Hàng năm, lễ hội Xuống đồng được bà con người Cao Lan sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dạ, Đồng Găng, Đồng Dong và Xóm Mới tổ chức từ ngày 10-16 tháng Giêng (âm lịch).
Thi cấy trong lễ hội Xuống đồng của người Cao Lan
Ông Trần Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Yên cho biết: Lễ hội Xuống đồng của bà con người dân tộc Cao Lan- Quang Yên đã có từ hàng trăm năm nay, tuy nhiên, do nhiều lý do mà lễ hội ngày càng bị mai một, một thời gian dài lễ hội đã không được tổ chức. Đến năm 2007, Bộ Văn hóa-thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) đã quyết định phục dựng lễ hội; giao cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các nghi thức phục dựng lễ hội.
Từ đó đến nay, hàng năm, lễ hội đã được người dân trong xã tổ chức đều đặn. Theo phong tục: Từ vài ngày trước hội, các bậc cao niên trong làng, trong xã đã tổ chức họp bàn, phân công công việc chuẩn bị cho ngày hội. Thanh niên, trai tráng thì chuẩn bị trang phục, dụng cụ phục vụ lễ hội. Ngay từ tối hôm trước lễ hội, các thôn đã tổ chức giao lưu văn nghệ, trình diễn các bài hát, điệu múa mang đậm nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Cao Lan. Đến buổi sáng sớm ngày hội chính, các gia đình đều chuẩn bị lễ vật để mang ra đình góp lễ. Lễ vật thường là thủ lợn, xôi gà, bánh mứt, hoa quả...Từ sáng sớm, trên khắp các nẻo đường hướng ra đình làng, bà con trong xã đã tấp nập đi trảy hội, địa điểm tổ chức hội thường ở giữa cánh đồng hay trên một bãi đất rộng. Phần lễ được diễn ra tại các đình làng, trong không khí tưng bừng, phấn khởi của những ngày đầu Xuân, bà con trong xã cùng vào Đình để làm lễ cầu mong Trời Đất, Tổ Tiên cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, no ấm đến mọi nhà.
Thông thường, Lễ hội mở đầu bằng những âm thanh vang rền của dàn trống như thúc giục người xem nhanh chân về vui hội. Trong lễ hội, bà con và du khách đến tham quan cũng được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét truyền thống của người Cao Lan như hát ví sịnh ca, hát đối giao duyên với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới hoặc những ca khúc về tình yêu đôi lứa; những điệu múa tái hiện lại cảnh lao động, sinh hoạt thường ngày của bà con như: múa lên nương, múa phát rẫy, múa xúc tép...
Một phần không thể thiếu trong lễ hội Xuống đồng là việc bà con cầm nắm thóc vãi xuống đất và vẩy ít nước lên Trời với lời khấn cầu mong cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho nhân dân. Đây cũng là một trong những nghi lễ chính của lễ hội, phản ánh rõ nét nhất lễ tiết nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước.
Phần hội được diễn ra với các trò chơi dân gian đặc sắc như: ném còn, đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ và một số môn thể thao khác; nét đặc sắc riêng có trong lễ hội Xuống đồng ở xã Quang Yên là trong trò chơi ném còn. Theo tục truyền khi lễ hội diễn ra, bà con dân làng sẽ dựng một cây còn trước đình làng, khi bắt đầu thi ném còn Ông Thủ từ sẽ làm lễ cúng cây còn, dưới chân cây còn sẽ bày 1 mâm lễ vật gồm có 1 con gà và một mâm xôi; các thanh niên trai tráng thi ném còn, nếu ai ném thắng thì sẽ được thưởng mâm lễ vật đó (không thưởng bằng tiền). Ai được thưởng mâm lễ sẽ gặp may mắn cả năm...
Trong lễ hội, bà con trong xã cùng nhau xuống đồng để cày bừa và gieo cấy lúa xuân. Thông qua những hoạt động trong lễ hội Xuống đồng, bà con trong xã sẽ có được những giây phút thư giãn, thoải mái, tạo sự hứng khởi trước khi bước vào vụ sản xuất mới. Đồng thời, cùng nhau tích cực đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
ST