Hàng năm cứ vào 15 tháng 2 Âm lịch (tương truyền ngày quốc mẫu hóa về trời), nơi đây lại diễn ra lễ hội quy mô, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch.
Lễ Tây Thiên trong quá khứ Chuẩn bị: công việc chuẩn bị cho dịp lễ Tây Thiên được tiến hành từ tháng 11 Âm lịch của năm trước đến khoảng tháng 2 Âm lịch năm sau. Theo phong tục, mỗi năm dân trong xã bầu ra một đoàn tế gồm 30 người. Đoàn tế này sẽ bầu chọn một vị chủ tế, ba vị bồi tế, hai xướng tế, một người đánh chuông, một người đánh trống và phường bát âm, đồng thời tiến hành phân bổ việc đóng góp vật chất và sắp xếp các công việc trong dịp lễ. Chủ tế thường là bậc cao niên, khỏe mạnh, gia đình song toàn, đông đúc.
Nghi lễ: theo tư liệu các cụ già địa phương cung cấp, sau khi công việc chuẩn bị cho lễ tế đã hoàn tất, sáng 15 tháng 2 Âm lịch, 14 xóm thuộc xã Đại Đình tham gia rước Thánh Mẫu từ đền Mẫu Sinh ra chùa Ngò rồi về đền Thõng.
Lễ vật dâng cúng thần linh gồm xôi, lợn quay, gà, hoa quả, ngoài ra còn có bánh giầy, chè lam, xôi đen và thịt chua của người Sán Dìu. Một trong những điểm đặc biệt làm nên nét đặc trưng của lễ Tây Thiên xưa là thức ăn trong mâm lễ được đựng bằng lá cây.Mâm cơm này nhằm hồi tưởng lại ngày chiến thắng trở về của Thánh Mẫu Lăng Thị Tiêu và nghĩa quân, vì thiếu đĩa để đựng thức ăn nên Thánh Mẫu đã truyền lấy lá rừng làm bát đĩa.
Để có được mâm cỗ mang đầy đủ ý nghĩa về mặt tâm linh, người ta phải chuẩn bị hết sức công phu ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu làm cỗ gồm có:
- Một con lợn khoảng 25 - 30 kg
- Gạo nếp nương
- Hoa quả các loại
Sản vật cúng tế phải tuân theo những nghi thức sau: lợn tế xưa kia do một tốp trai đinh khỏe mạnh trong làng vào rừng đặt bẫy hoặc săn bắt mang về, sau này không được săn bắt nữa thì phải nuôi hặc mua, nhưng lựa chọn rất kỹ càng. Lợn tế phải khỏe mạnh, có tướng đẹp, đạt mọi tiêu chuẩn mà làng yêu cầu. Gạo nếp nương phải chọn loại hạt chắc, mẩy, đều.
Hình thức trình bày mâm cỗ cổ khá phức tạp. Mâm cỗ được bày theo hình bát quái, theo các cung (Càn, Khảm, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài), mỗi vị trí ứng với một ước nguyện của dân làng cầu xin trời đất, thánh thần phù hộ và giúp đỡ:
- Đầu lợn khắc chữ “Càn” để tế trời hay còn gọi là “Cha Thiên”.
- Các bánh xôi nếp trắng xếp hình chữ “Khôn” để tế đất hay còn gọi là “Mẫu Địa”.
- Hai bánh xôi đen của người Sán Dìu tượng trưng cho “Ngũ hành” (Kim, Mộc,
Thủy, Hỏa, Thổ) để tế Thánh và Chúa Ngàn.
- Một bát tiết canh theo tục tế mao huyết trong xướng tế vì có sát sinh.
- Hai chiếc bánh gù.
- Hoa quả tượng trưng cho bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông).
- Hai bát nước canh là biểu tượng của “Thủy phủ”, tạo cho mâm cỗ có đầy đủ cả Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ và Thủy phủ (thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu cổ truyền của người Việt).
- Miệng của con lợn tế há to tượng trưng cho sự “Ngưỡng Thiên”; lục phủ ngũ tạng của con lợn tế phải còn nguyên vẹn và các món được sắp xếp theo trục bát quái.
- Bánh chưng: là vật phẩm đặc trưng của lễ Tây Thiên xưa vì theo truyền thuyết và huyền phả Hùng Vương, Thánh Mẫu Lăng Thị Tiêu chính là vợ của Hoàng tử Lang Liêu
- người sau này lên ngôi Vua Hùng thứ 7, hiệu là Hùng Chiêu Vương. Vợ chồng Lang Liêu dâng lên vua cha lễ vật quý báu nhất (bánh chưng, bánh giầy) tượng trưng cho trời và đất nên đã được vua cha truyền cho ngôi báu. Tương truyền sau khi lên ngôi, vua và Thánh Mẫu đã dạy dân làm bánh chưng và bánh giầy để hằng năm cúng tế tạ ơn tổ tiên, trời đất. Bánh chưng được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng, nhân gồm đậu xanh và thịt lợn. Sau này, bánh chưng trở thành loại bánh cổ truyền của dân tộc trong dịp Tết Nguyên đán.
- Bánh giầy: cũng được làm bằng loại gạo nếp cái hoa vàng đặc biệt, người ta đồ xôi chín rồi cho vào cối giã mịn, sau đó lấy ra chia thành từng chiếc bánh tròn, dẹt, to bằng chiếc bát loa, cuối cùng dán một dấu đỏ bằng giấy điều vào giữa chiếc bánh rồi bày lên mâm lễ.
- Xôi trứng kiến đen và bánh trứng kiến: là hai đặc sản nổi tiếng của đồng bào Sán Dìu dâng lên cúng tế Thánh Mẫu vào mỗi dịp lễ. Hai món lễ vật này được chế biến rất cầu kỳ. Trước tiên, người dân phải lên núi, vào rừng sâu lấy trứng kiến đen về làm nhân bánh và trộn vào xôi cùng với đỗ xanh. Bánh trứng kiến được gói hai lớp lá cây vả (có nơi còn gọi là cây ngõa), lớp ngoài gói lá già, lớp trong gói lá non.
- Thịt chua và xôi đen: quy trình chế biến hai món này không phức tạp nhưng phải thật chính xác để có thành phẩm đẹp. Thịt chua phải có màu hồng và dính một chút màu vàng sẫm của bột thính làm bằng gạo rang thơm. Thịt được bày lên trên một số loại lá rừng có vị chát và thơm hăng hắc có thể ăn được. Xôi đen phải đen bóng, dẻo và nếm có vị ngậy.
Sau khi kết thúc lễ tế ở đền Thõng, các trai đinh trong đám rước cùng ban tế khiêng mâm cơm cúng lên đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn để cúng tế Thánh Mẫu Lăng Thị Tiêu. Lễ tế xong xuôi, các vị chủ tế rước thần vị của Thánh Mẫu hoàn cung, lễ vật đã cúng tế (lộc thánh) được chia đều cho những người tham gia đoàn tế.
Ở Tây Thiên có cả một hệ thống đền, chùa, miếu rất phong phú, nên sau lễ tế chung của 14 xóm, từng xóm sẽ tổ chức lễ tế riêng. Có năm các xóm cùng tổ chức tế vào ngày lễ chung (15 - 2 Âm lịch), song, thông thường, các xóm tổ chức tế trước ngày 15 - 2.Ngoài phần tế lễ, dân làng còn lo nấu nướng, làm cỗ phục vụ cho việc ăn uống tiệc tùng. Trong suốt mấy ngày lễ, nhà nào cũng chuẩn bị cỗ bàn cùng với một phần lộc nhỏ được chia trong lễ đại tế của làng và các loại bánh trái, hoa quả, rượu thịt... Từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 2 Âm lịch (ngày hóa thân) chính lệ có tổ chức tiệc giết trâu, bò, ca hát. Ngày 28 tháng 2 Âm lịch chính lệ mở tiệc khao binh. Ngày 29 tháng 2 Âm lịch có lệ khai sắc, dùng lễ tam sinh bản huyện đồng tế. Ngày 1 tháng 3 Âm lịch, hàng tổng mở tiệc tế lễ. Phần lễ nói trên, một mặt chứng tỏ tính cố kết cộng đồng bền vững của làng xã tại đây, mặt khác cũng phản ánh tàn dư của chế độ phong kiến thể hiện qua việc phân chia đẳng cấp, vai vế, ngôi thứ, tuổi tác, tôn ti, trật tự... trong việc lựa chọn chủ tế, bồi tế, chấp sự, khiêng kiệu...
Trong lễ Tây Thiên ngày xưa thường có hát giao duyên của người Sán Dìu (hay còn gọi là soọng cô).Liên quan đến lễ Tây Thiên còn có một tục lệ đặc trưng của người dân địa phương, đó là tục kết chạ. Thực chất đây là hình thức kết nghĩa giữa 14 xóm thuộc xã Đại Đình, họ cùng nhau chung sức chung lòng trong lao động sản xuất, phòng chống thiên tai và nhất là trong việc tổ chức lễ hội của làng. Hằng năm, vào dịp lễ Tây Thiên, 14 xóm của xã Đại Đình đều cắt cử ra một đoàn gồm các bô lão, nam nữ thanh niên, các đội tế... đến chuẩn bị và tham gia tổ chức lễ hội. Nhờ đó, người dân các xóm càng có dịp để gần gũi, gắn bó với nhau.
Lễ Tây Thiên xưa kia không có hội; kết thúc phần tế lễ, nhân dân và du khách thập phương ra về hoặc lên núi Thượng tham quan vãn cảnh.
Lễ hội Tây Thiên ngày nay
Trước đây, lễ hội Tây Thiên do các cụ già địa phương đứng ra tổ chức, hiện nay có sự tham gia của chính quyền tỉnh, huyện. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khu di tích và danh thắng Tây Thiên trở thành căn cứ địa cách mạng. Nhìn chung, trong suốt thời gian chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ), lễ Tây Thiên gần như bị “lãng quên” do điều kiện khó khăn, hơn nữa do tác động của phong trào bài trừ mê tín dị đoan và sau đó là chính sách “tiêu thổ kháng chiến” nên phần lớn đền chùa bị phá hoại hoặc bỏ hoang. Các cụ già ở địa phương chỉ cúng giỗ đơn giản tại nhà để nhắc nhở con cháu sau này phải nhớ ngày hội mà cúng tế cho phải phép. Đến tận những năm 90 của thế kỷ XX, lễ hội Tây Thiên mới lại được phục hồi. Đặc biệt, năm 1991, khu di tích danh thắng Tây Thiên được Nhà nước xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch khu vực này thành khu du lịch trọng điểm.
Lễ hội Tây Thiên từ thời điểm 1991 đến nay đã có khá nhiều biến đổi so với lễ Tây Thiên truyền thống. Theo người dân địa phương, về cơ bản, khâu chuẩn bị vẫn được duy trì như trước, nhưng phần nghi lễ giản tiện hơn. Chiều ngày 13 tháng 2 Âm lịch, đoàn tế của xã cùng các cơ quan văn hóa trong huyện - xã lên đền Thượng làm lễ tế cáo nhằm báo với Thánh Mẫu rằng ngày 15 sẽ tổ chức lễ. Lễ vật cúng tế lúc này gồm có lợn quay và hoa quả.
Sáng 15 tháng 2 Âm lịch, đoàn tế cũng tổ chức rước kiệu từ đền Mẫu ra chùa Ngò rồi về đền Thõng. Lễ vật gồm: xôi, lợn quay, hoa quả, bánh giầy, bánh gù, oản chay, tất cả được xếp lên mâm, không bài trí cầu kỳ như trước đây.
Lễ hội Tây Thiên ngày nay, ngoài phần lễ còn có thêm phần hội, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Các hoạt động chính trong hội gồm có: tổ chức trò chơi (cờ người, cờ tướng, đấu vật, kéo co, chọi gà, bóng chuyền...); vài năm gần đây còn thi làm bánh gù, bánh giầy. Đặc biệt, từ năm 2010, trong lễ hội Tây Thiên còn có hát văn. Cũng theo người dân địa phương, hình thức hát soọng cô không còn xuất hiện trong lễ hội Tây Thiên tại đền Thõng, mà chỉ có ở các đền Quốc Mẫu của người Sán Dìu.
Chiều tối 16 tháng 2 Âm lịch, kết thúc lễ tạ tại đền Thõng. Thời gian tổ chức và quy mô của lễ hội Tây Thiên hiện nay tuy không lớn bằng các lễ hội Quốc gia như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử..., song, do đặc thù về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên và ý nghĩa văn hóa, tâm linh của địa danh Tây Thiên nên lượng du khách đổ về hành hương không thua kém các lễ hội lớn đã nêu. Nếu so sánh, có thể thấy, Tây Thiên và Yên Tử có nhiều điểm tương đồng về cảnh quan thiên nhiên. Hai địa danh này đều là nơi đất Phật linh thiêng, có chùa và nhiều tháp mộ của các Thiền sư đã tu hành ở đó. Đặc biệt, ở Tây Thiên còn lưu giữ được các chùa thờ Phật có từ thời Lý cùng hệ thống đền, miếu thờ Thánh Mẫu Lăng Thị Tiêu, Cậu Bé, Cô Bé, v.v... trải dài từ chân núi lên đến tận gần đỉnh núi. Nhân dân nơi đây đã phối thờ Phật và Mẫu trong tín ngưỡng của mình, vậy nên lễ hội Tây Thiên vô cùng phong phú. Du khách về Tây Thiên dự lễ thường tin vào sự linh thiêng của Thánh Mẫu; họ đi lễ cầu tự, cầu may, cầu danh, cầu lợi... vào dịp đầu xuân, rồi lại đi trả lễ vào dịp cuối năm, nên quanh năm khu di tích và danh thắng Tây Thiên không khi nào vắng khách.
Lễ hội Tây Thiên phản ánh một thời đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, lễ hội Tây Thiên vẫn được gìn giữ và phát triển trong đời sống văn hóa mới. Lễ hội Tây Thiên ngày nay tuy đã có nhiều thay đổi so với truyền thống và cũng tích hợp thêm nhiều yếu tố hiện đại, song về cơ bản, những giá trị văn hóa và ý nghĩa tâm linh vốn có của nó vẫn được bảo lưu và lan tỏa trong tâm thức cộng đồng.
ST