Dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc có khoảng trên 34.000 người. Cư trú rải rác quanh chân núi Tam Đảo, từ xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên) đến một số xã ở huyện Bình Xuyên, huyện Tam Đảo, Tam Dương tới Lập Thạch.
Cũng như những dân tộc anh em khác, người Sán Dìu có tiếng nói riêng, chữ viết riêng và bản sắc dân tộc riêng. Trong đó phải kể đến hát Soọng Cô, hát Soọng Cô là làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc. Hát Soọng Cô chủ yếu là phần đối đáp giao duyên, sau đó là phần hát trong đám cưới. Soọng Cô được hát theo sách, có bài bản sẵn. Người đi hát phải thuộc sách hát, họ dẫn câu hát trong sách ra để hát đố, người đáp cũng trích ra những câu hợp cảnh hợp tình để hát đáp câu hỏi. Họ hát những câu hát nói về tình yêu lứa đôi, thiên nhiên, ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung vợ chồng, ca ngợi công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu… khi cất lên nghe thật dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm ấm làm say đắm lòng người.
Trước kia vào mỗi dịp xuân về, thời điểm nông nhàn, lễ hội hay các đám cưới, hỏi thanh niên nam, nữ người dân tộc Sán Dìu thường dủ nhau đi hát Soọng Cô. Qua mỗi làng họ dừng lại hát một đêm, hôm sau cùng rủ thanh niên nơi đó nhập vào đám hát đến các làng khác. Có khi đám hát có tới vài chục người, kéo dài cả chục ngày rất sôi nổi. Mỗi đêm hát đều có các bước: Chập tối hát gọi, mời ngồi xuống chiếu, mời nước, mời trầu. Nửa đêm là hát hỏi: hỏi về quê quán, gia sự, hát thăm dò tìm hiểu nghề nghiệp, ý nguyện của nhau…Canh ba chủ nhà mời ăn lót dạ xôi hoặc chè… Sau đó là hát chào, hát xin về, hát níu giữ nhau. Sáng ra thì họ vừa tiễn nhau ra cổng vừa hát hẹn hò cuộc hát tới. Từ những đêm hát này mà có biết bao đôi trai gái đã bén duyên nhau. Soọng cô trong đám cưới thường do các cặp nam giới đối đáp nhau, nhà trai cử hai anh hát, nhà gái cũng cử hai anh. Hát suốt ngày suốt đêm cho đến khi tan tiệc cưới.
Bây giờ do có sự giao thoa văn hoá giữa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc kinh diễn ra mạnh mẽ, nên các nét văn hoá truyền thống của người Sán Dìu ít nhiều bị mai một trong đó có cả làn điệu Soọng Cô. Các nam thanh, nữ tú cũng không còn tụ tập thành các đám hát nữa. Đứng trước thực tế là điệu hát Soọng Cô có thể bị lãng quên, nên mấy năm gần đây được sự quan tâm của các cơ quan chức năng của tỉnh nên phong trào hát Soọng Cô đang dần phát triển trở lại, với việc thành lập được đội văn nghệ hát Soọng Cô ở xã Hợp Châu. Hiện Tại Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đang tiến hành nghiên cứu và lập quy hoạch, xây dựng thôn Đạo Trù Thượng thuộc xã Hợp Châu thành làng Văn hóa Du lịch theo mô hình “Làng du lịch văn hoá Mai Châu – Hoà Bình”. Hy vọng sau này khi làng văn hoá dân tộc Sán Dìu được khôi phục lại, cùng với những làn điệu Sọng Cô mượt mà sẽ biến nơi đây thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.
ST