Cập nhật: 15/04/2016 08:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỗi khi tết đến, nhà ai trên đất nước Việt Nam chẳng có một điều mong muốn, sang năm mới  mưa thuận, gió hoà, làm ăn may mắn, những điều súi quẩy đi hết, những điều may mắn về nhà. Thế cho nên, lâu lắm rồi người Việt cổ đã có tục gánh nước cầu may. 

Tục gánh nước cầu may hiện nay ở một số vùng quê Vĩnh Phúc vẫn còn lưu giữ như ở Bình Xuyên, Phúc Yên, Mê Linh, Lập Thạch, Vĩnh Tường đó là một thông lệ trong mấy ngày tết ông, bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu về việc chuẩn bị ăn tết, đón mừng năm mới làm sao ở trong nhà không thiếu một thứ gì nhất là “Nước”.

Quan niệm của người Việt cổ trong nông nghiệp là: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nếu trong nhà năm ấy tết mà thiếu nước phải đi gánh thì năm ấy làm ăn chắc chắn sẽ kém vì mùa màng không đủ nước. Nên không phải  một nhà mà cả làng, cả xã, phải chăm lo gánh nước về cho đủ ba ngày tết.

Gánh nước đủ trong nhà và mọi thứ khác như muối, mắm, gạo… mà đầy đủ thì sẽ thịnh vượng, phát đạt ngày một thêm ra.

Quan niệm của người Việt cổ nhất là vào lúc giao  thừa, nước trong nhà phải  tràn ngập các bể, các chum, các vại, chậu lớn, chậu nhỏ, gạo phải  đong đầy các sạp, các hũ, thức ăn phải  dồi dào trong nhà bếp. Không phải chợ không họp, người không bán hàng vào ngày tết mà là “Cần gì, có nấy”.

Ngày tết không để đi mượn của ai, mà không ai cho mượn ngày tết sợ mất rông cả năm. Nắm bắt tâm lý này, ở quê tôi sau giờ giao thừa mấy người làm nghề gánh nước thuê đã tự động gánh đến cho mỗi nhà vài thùng nước đầy với ý rằng: “Đem tiền của vào nhà như nước cho gia chủ”. Và thêm những câu chúc tụng vui vẻ của người lao động siêng năng thời này, các gia chủ vui vẻ trả tiền công, và thưởng rất hậu hĩnh, có gia đình còn mừng tiền, mừng bánh, cho người gánh nước, ý nói rằng năm sau lại thế.

Có người gánh nước thuê rất được chú ý và mời mọc hẹn hò từ tháng trước đến gánh nước cho gia chủ, vì cô ấy hoặc bà ấy, gánh nước rất tín nhiệm, vì được người ấy gánh nước, gia đình, gia chủ ăn nên làm ra, phát tài, phát lộc. Nên mặc dù bây giờ quê tôi đã có giếng khoan, máy bơm, bể Inox đàng  hoàng, ấy vậy vẫn phải  nói trước với mấy cô gái trẻ, đẹp đúng giao thừa gánh cho dăm,  ba, gánh  nước để được các cô chúc cho gia chủ sang năm mới “Nhất bản, vạn lợi” nghĩa là làm một việc mà có vạn cái lợi. Còn các bà hay đi chợ, các cô hàng tạp hoá, các anh chị làm nghề như mổ lợn, bán hoa … thì cũng nhờ các cô, các cậu gánh nước vào lúc giao thừa để được chúc: “Sang năm mới mua may bán đắt, một vốn bốn lời”.

Nghe vậy gia chủ phấn khởi, cười nói hả hê “lì xì” gấp bội. Thế là các cô gánh nước đem đổ vào bể, vào chum, chảy tràn ra sân, ra ngõ… năm ấy gia chủ làm ăn nhiều điều phát đạt.

Tục gánh nước cầu may của người Việt cổ là nét đẹp văn hoá, cần được lưu giữ và phát huy, vì nó là ý nguyện, là điều mong muốn trong ngày xuân đẹp đẽ, xinh tươi.

ST

Tệp đính kèm