Hội vật làng Hà nét đẹp văn hóa thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Tam Đảo.
Hội vật diễn ra trước sự cổ vũ của đông đảo nhân dân
Thời gian: Hội vật làng Hà được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm.
Địa điểm: Hội vật diễn ra tại sân đình làng Hà, xã Hồ Sơn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ sáng sớm sau khi các bô lão làm lễ đình xong, tiếng trống trận nổi lên gọi đám đông về tụ tập. Trên bãi cỏ trước sân đình bên cây đa cổ thụ, từng cặp đô vật ra múa chào dân làng ngay giữa đám đông mang nghi thức trình làng. Trước khi vào cuộc, đô vật còn "xe đài" hay "múa hạc". Đây là hình thức khởi động cơ thể tạo không khí vui vẻ và mang phong cách biểu diễn nghệ thuật.
Hội vật làng Hà theo lề lối tự do với cách thách đấu giữ giải. Cho nên bất cứ ai dù lớn bé già trẻ đều có thể vào tranh giải. Tùy theo các tình huống, diễn biến mà cụ trưởng lão đánh trống cầm trịch sẽ gióng trống "Tùng" hay "Cắc" để phân định và điều khiển cuộc chiến. Khi đấu vật, ai làm cho đối phương ngã lấm lưng, trắng bụng hay bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất hoặc đùn đẩy đối phương ra khỏi vòng xới vật là người đó chiến thắng. Rõ ràng là muốn dành chiến thắng ở đây không chỉ cần sức mạnh mà phải có cả trí và dũng. Vì vậy, hội vật ở làng Hà có rất nhiều pha bất ngờ và thích thú như gầy thắng béo, nhỏ thắng to, bé thắng lớn.
Trước đây, lễ trao giải hội vật làng Hà diễn ra độc đáo, mang bản sắc riêng của hội vật làng Hà: Một vị trưởng lão mặc lễ phục đi trước cầm bó hương, theo sau là cô gái trẻ đẹp nhất làng đội mâm xôi có một chân giò lợn lớn và một vò rượu tăm. Lễ vật được đem đến tận nguyên quán của nhà vô địch để làm lễ gia tiên và kính cáo với dân làng sở tại, nơi đã sinh ra người chiến thắng làm rạng rỡ quê hương. Giải thưởng nghiêng về giá trị tinh thần nhưng có ý nghĩa sâu xa. Ngày nay, Ban tổ chức trao phần thưởng bằng tiền mặt dành cho từng giải. Khách xem vật có thể góp tiền vào giải nên phần thưởng sẽ tăng lên trong khi các đô vật thi đấu.
Hội vật Làng Hà diễn ra dịp đầu xuân là một lễ hội ở Vĩnh Phúc thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Vĩnh Phúc, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng và gìn giữ truyền thống văn hoá dân tộc.
ST