Cập nhật: 20/04/2016 09:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc khảo sát trình độ, năng lực của học sinh lớp 12 nhằm giúp cho việc ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia ở các trường được tốt hơn.

Việc khảo sát trình độ, năng lực của học sinh lớp 12 nhằm giúp cho việc ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia ở các trường được tốt hơn (ảnh minh họa)

Hôm nay (20/4), Sở GD-ĐT Hà Nội ra đề rà soát quy trình đánh gá năng lực thi THPT của học sinh lớp 12 trên toàn thành phố. Theo đó, thời gian thực hiện sẽ kéo dài đến ngày 22/4 với việc kiếm tra kiến thức của học sinh theo 3 môn học: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ theo thời gian và cấu trúc của đề thi THPT Quốc gia.

Các trường và cụm trường sẽ phụ trách in sao đề thi, đảm bảo yêu cầu bảo mật. Bài thi sẽ dọc phách, chấm chéo nhưng không lấy kết quả thi để đánh giá vào điểm số năm học của thí sinh.

Các môn Toán, Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận; môn Tiếng Anh kiểm tra viết và trắc nghiệm, đề kiểm tra môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn.

Các trường bố trí cán bộ, giáo viên các trường trong cụm làm nhiệm vụ giám sát coi kiểm tra chéo giữa các trường trong cụm đảm bảo nguyên tắc 7 phòng kiểm tra có 1 cán bộ giám sát và chọn cử 1 Phó Hiệu trưởng trường THPT làm tổ trưởng, bố trí cán bộ, giáo viên tham gia giám sát công tác chấm kiểm tra khảo sát.

Chậm nhất ngày 29/4/2016, các cụm trưởng trường THPT nộp kết quả kiểm tra khảo sát của các trường trong cụm về phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, gồm bản đã đóng dấu và dữ liệu đã có kết quả khảo sát.

Các lớp có học sinh học sách giáo khoa Tiếng Anh chương trình thí điểm tại 4 trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Việt Đức, THPT Chu Văn An, THPT Thăng Long; Học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên học chương trình Giáo dục Thường xuyên cấp THPT sẽ không tham gia kiểm tra khảo sát môn Tiếng Anh đợt này. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có công văn hướng dẫn chi tiết sau.

Ông Trần Đăng Nghĩa, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, sau khi chấm xong bài thi khảo sát, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường THPT phải trao đổi, rút kinh nghiệm với giáo viên để hướng dẫn chữa bài, bổ sung kiến thức còn thiếu, yếu của học sinh để các em chuẩn bị tốt cho việc ôn tập tiếp theo cho đến khi diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia.

Để việc ôn tập thi THPT Quốc gia được tốt, theo ông Trần Đăng Nghĩa, qua quá trình học tập, kiểm tra, đánh giá, các trường THPT nên phân loại học sinh theo nhóm năng lực và môn thi để có kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập chi tiết, cụ thể theo hướng vừa bám sát chương trình học, vừa nâng cao trình độ cho học sinh. Nhà trường bố trí giảng dạy và ôn luyện cho theo ma trận đề thi do Bộ GD-ĐT quy định với 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, nhà trường cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với các vấn đề thời sự của quê hương, đất nước. Đối với môn Ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

Đối với học sinh xếp loại trung bình yếu hoặc yếu kém về học lực, các trường tập trung ôn tập cho các em bám sát kiến thức cơ bản theo chủ đề, các chương, phần.

Nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên ôn luyện thi THPT và không được thu tiền ôn tập của học sinh dưới mọi hình thức.

Bên cạnh việc chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường phải đảm bảo chương trình sao cho học sinh học đều ở tất cả các môn đến hết thời gian kết thúc học kỳ. Đặc biệt, các trường THPT không được cắt xén chương trình học tập nhưng cũng không để học sinh ôn tập quá tải nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm