Lễ hội đền Gin, thôn Chiền, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định diễn ra trong 3 ngày từ mùng 8 - 10 tháng Chạp hằng năm, là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Nam Định.
Lễ hội nhằm tri ân công đức tướng quân Kiều Công Hãn - người “hiến kế” cho Ngô Quyền đánh tan quân giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở đầu thời kỳ tự chủ của dân tộc. Lễ hội có nhiều nghi lễ độc đáo, trong đó lễ tế cá trắm sống, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân, du khách thập phương...
Lễ hội độc đáo
Lễ hội đền Gin là một lễ hội liên làng khá lớn với sự tham gia của 19 xóm thuộc hai xã Nam Dương và Bình Minh, huyện Nam Trực. Mặc dù lễ hội chính diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Chạp, song công tác chuẩn bị được đông đảo nhân dân tham gia, trở thành ngày hội lớn.
Cá trắm sống dâng tế lễ hội đền Gin.
Từ đầu tháng Chạp, nhân dân đã gấp rút chuẩn bị các công việc như làm bánh chưng, bánh dày, làm giò… Điểm nhấn của lễ hội là tục tế cá trắm sống. Cá để dâng lên Đức thánh vào ngày chính kỵ mùng 10 tháng Chạp là cá trắm đen. Những con cá đủ tiêu chuẩn dâng cúng được người dân trong vùng dành nhiều thời gian tìm kiếm ở các địa phương, có những năm ghi nhận cá dâng tế lễ có con to nặng gần 20 kg.
Vào ngày chính hội - mùng 10, các làng rước kiệu cỗ, đặc biệt là rước cá về đền, sau đó tế chính kỵ. Trên kiệu thường có một mâm cỗ Các và một mâm cỗ Ngọc. Mâm cỗ Ngọc là cỗ mặn dùng để tế kính thiên, mâm cỗ Các có các loại bánh trái hoa quả làm lễ vật tế thần. Sau khi tế lễ xong, cá và các vật phẩm được đưa về thôn, xóm để người dân thụ lộc.
Lễ xôi gà được người dân chuẩn bị công phu.
Ông Trần Văn Huấn, thôn Phúc Thiện, xã Nam Dương cho biết, việc tế cá trắm sống nhằm ôn lại sự tích nhân dân địa phương dâng gỏi cá trắm cho tướng quân Kiều Công Hãn và binh sĩ ăn khi ngài về đến vùng đất này. Bên cạnh đó, các vật phẩm cúng tế đều là những đặc sản mang đặc trưng văn hóa, ẩm thực của vùng đất, được trình bày mang tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thành của người dân nơi đây tri ân bậc tiền nhân.
Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra các trò chơi dân gian, những sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang tính truyền thống dân tộc trong suốt ba ngày hội như diễn các tích chèo cổ, xới vật, cờ tướng, tổ tôm điếm… Lễ hội đền Gin trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây, là một trong 10 lễ hội nổi bật của tỉnh Nam Định.
Di tích tri ân tiền nhân
Nhân dân, du khách tham gia lễ hội đền Gin.
Theo các tư liệu lịch sử, đền Gin là nơi nhân dân địa phương thờ phụng và tri ân công đức tướng quân Kiều Công Hãn - người được Ngô Quyền tin tưởng, phong làm “Đề sát Giám quốc sự”. Sau này, khi triều đình nhà Ngô sụp đổ, do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, tướng quân Kiều Công Hãn trở thành thủ lĩnh một trong 12 sứ quân. Năm Đinh Mão (967), Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm trao binh quyền ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình ngày nay). Với tiềm lực quân sự ngày một lớn mạnh Đinh Bộ Lĩnh liên tục đánh bại nhiều sứ quân…
Khi đó, thành Phong Châu (Phú Thọ), nơi sứ quân Kiều Công Hãn đóng giữ bị lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh vây hãm. Trong tình thế nguy cấp, ông đã đem vài trăm thân binh mở đường máu, thoát vòng vây chạy về phía Nam theo hướng Thanh Hóa. Đầu tháng Chạp năm Đinh Mão (967), khi về đến thôn Chiền (xã Nam Dương, huyện Nam Trực ngày nay), đoàn tướng sĩ của Kiều Công Hãn được một người dân mời vào quán nghỉ ngơi, dâng rượu ngon, gỏi cá trắm.
Sau khi ăn xong, Kiều Công Hãn cởi áo bào và lấy những đồ quý giá tặng lại cho người đã giúp đỡ đoàn quân sau đó hóa mệnh hiển thần là “Thành Hoàng Long Kiều” vào ngày mùng 10 tháng Chạp. Sáng hôm sau, mối đã đùn thành mộ che kín khắp người; nhân dân gọi là mộ thiên táng. Để ghi nhớ công lao to lớn của tướng quân Kiều Công Hãn với dân, với nước, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay trên phần mộ của ông để bốn mùa hương khói.
Người dân chiêm ngưỡng lễ vật dâng tế lễ hội đền Gin.
Lễ hội truyền thống đền Gin hằng năm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, giáo dục tình yêu nước và lòng tự hào cho thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp để nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, tri ân các bậc tiền nhân đã có công gây dựng đất nước.
Ông Phạm Văn Dụng, Thủ nhang đền Gin thông tin, năm 1962, đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đền là di tích còn bảo lưu được gần như trọn vẹn phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ 17 - 18. Những hiện vật được lưu giữ tại di tích rất phong phú và đa dạng như thần tích, sắc phong, nhang án, ngai và bài vị, tượng thờ, nghê đá...
Cùng với hệ thống các đền, chùa nổi tiếng của Nam Định như đền Trần, chùa Phổ Minh, chùa Cổ Lễ, chùa Đại Bi, đền Gin là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút du khách gần xa, nhất là vào dịp lễ hội chợ Viềng mùa Xuân. Theo ghi chép lưu lại tại đây, ngôi đền được xây dựng, lưu truyền đến nay đã hơn 1.000 năm và nhiều lần được trùng tu, nâng cấp, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân, du khách.
Theo Bài và ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)
https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/doc-dao-le-te-ca-tram-song-o-le-hoi-den-gin-20250109205918363.htm