Chủ trương công nghiệp hóa trong nhiều năm vẫn chưa đi vào cuộc sống có lực cản lớn từ những tồn tại của một nền kinh tế làng xã.
Phát triển công nghiệp cần được lựa chọn theo hướng dàn đều hay tập trung một số ngành mũi nhọn. (Ảnh minh họa: KT)
Sự sụt giảm đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp đã khiến mức tăng trưởng kinh tế Quý 1/2016 không như mong đợi. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của sản xuất công nghiệp đối với sự phát triển bền vững của kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Với một nền công nghiệp chủ yếu vẫn gia công, hạn chế về nguồn lực, công nghệ luôn đi sau… Việt Nam rất cần phải có chiến lược để bứt phá.
Nên nhóm ngành hay dàn trải?
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp luôn ở vị trí dẫn đầu trong 3 nhóm ngành kinh tế chính đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đáng lưu ý là các ngành khai khoáng và chế biến chế tạo luôn có tăng trưởng vượt trội so với các ngành công nghiệp khác.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hải, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện đang còn rất nhiều điểm yếu, hạn chế sự phát triển chung của ngành công nghiệp. Đó là các ngành công nghiệp phụ trợ còn kém phát triển dẫn đến gia công là chủ yếu; Năng suất và trình độ tay nghề lao động thấp; Trình độ công nghệ, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo năng lực cạnh tranh yếu dẫn đến lợi thế của hội nhập nếu không cẩn thận sẽ thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Do tầm quan trọng của các ngành sản xuất và công nghiệp nên cần phải nâng cao sức cạnh tranh, sản xuất và công nghiệp phải là trung tâm của mô hình phát triển mới. Trong đó, công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh để có thể nâng hiệu quả chung của nền kinh tế cũng như của ngành công nghiệp. Mặt khác, cần lựa chọn phát triển công nghiệp theo hướng dàn đều hay phát triển tập trung một số ngành mũi nhọn”, ông Hải nhận định.
Cũng theo TS. Nguyễn Mạnh Hải, vấn đề đáng đặt ra cho phát triển sản xuất công nghiệp hiện nay còn cần đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo có đủ trình độ để làm chủ công nghệ. Ngoài ra, sự gắn kết của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, mối quan hệ lan tỏa giữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước với khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong điều kiện doanh nghiệp tư nhân trong nước còn đang khá nhỏ bé…đang là những vấn đề đáng đặt ra hiện nay.
Liệu có lọt qua bẫy công nghệ lạc hậu?
Đặt câu hỏi rằng tại sao chủ trương công nghiệp hóa qua nhiều năm vẫn chưa đi vào cuộc sống, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, những tồn tại của một nền kinh tế làng xã đang là lực cản lớn trong nền kinh tế thị trường và công nghiệp hóa.
Trong khi đó, có những hạn chế khách quan khi thế giới luôn đổi mới công nghệ, nếu Việt Nam không cẩn thận sẽ dễ bị “rơi vào bẫy của sự dịch chuyển công nghệ lạc hậu hoa hồng cao”. Các nước công nghiệp phát triển luôn luôn đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Họ thường chuyển công nghệ cũ, lạc hậu và ô nhiễm môi trường sang các nước đang và kém phát triển…
Một điểm yếu khác được ông Tự chỉ ra và đang là thách thức đối với ngành công nghiệp trong bối cảnh hội nhập, đó là doanh nghiệp Việt Nam có quá ít thông tin và luôn bị động trước những cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại mang lại.
“Báo cáo của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mới chỉ có khoảng 21% số doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu; 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu, tỷ lệ này là khá thấp so với con số gần 60% ở Malayssia và Thái Lan”, ông Tự chỉ rõ.
Trong khi đó, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI lại cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh, việc đầu tiên là phải xác định được ngành nghề sản xuất, sản phẩm dịch vụ nào và những chuỗi giá trị sản phẩm nào mà chúng ta có khả năng cạnh tranh.. sau đó là cần có những chính sách về tài chính ngân hàng, chính sách marketing bán hàng cho tốt.
“Hiện nay các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn, tôi cho rằng có thể là do chúng ta chưa xác định được những mặt hàng, những ngành sản xuất công nghiệp, những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh tranh… nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, những lợi thế cạnh tranh của các nước cũng đang có sự thay đổi”, ông Khương cho biết.
Con đường nào để công nghiệp Việt Nam có thể tham gia được sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu khi nền công nghiệp hỗ trợ vẫn đang loay hoay, thai nghén những cơ chế chính sách? Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì sao lại phải chịu những nguồn vốn vay ngắn hạn, lãi suất cao hơn nhiều so với các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp nước ngoài...? Đây vẫn đang là những câu hỏi lớn cần được giải đáp, tạo ra động lực cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN