Do ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu lệch Đông kết hợp hội tụ gió trên cao nên tại tỉnh Yên Bái vừa qua đã có mưa, mưa vừa và có nơi mưa to đến rất to kèm theo giông, nhiều nơi trong tỉnh đã xảy ra tố lốc, gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước và nhân dân, ước tính khoảng 3 tỷ đồng.
Nhiều diện tích mía của huyện Trấn Yên, Yên Bái bị đổ rạp. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)
Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh có 1.730 nhà dân bị thiệt hại (7 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 1.718 nhà bị tốc mái, 5 nhà bị thủng mái); trong đó, tại huyện Trấn Yên có 876 nhà bị thiệt hại, huyện Mù Cang chải có 585 nhà, huyện Văn Chấn có 236 nhà.
Về sản xuất nông nghiệp, mưa lốc đã làm thiệt hại gần 60ha ngô, lúa, hàng chục ha cây công nghiệp gồm keo, quế bồ đề cũng bị thiệt hại.
Cùng với đó, có 4 trường học và 4 nhà văn hóa thôn bị tốc mái; hàng trăm cột điện trung và hạ thế bị đổ gãy gây mất điện trên diện rộng tại huyện Trấn Yên...
Ngay sau khi nhận được tin báo, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lốc để chủ động phòng, tránh, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất của nhân dân.
Hiện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện cùng các cơ quan chuyên môn đang tiếp tục phối hợp cùng chính quyền các địa phương tìm giải pháp khắc phục hậu quả.
Đối với các gia đình có nhà bị thiệt hại không còn khả năng để ở, địa phương sẽ huy động nhân dân, lực lượng dân quân và các đoàn thể giúp đỡ tấm lợp, phông bạt… giúp các hộ ổn định bước đầu.
Các hộ còn lại và các trường học bị thiệt hại ít hơn sẽ triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn.
Tại Cao Bằng, cũng trong đêm 21/4 đã xảy ra một trận lốc xoáy dữ dội kèm theo mưa to, kéo dài khoảng 30 phút, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa và hoa màu.
Theo ông Hứa Văn Kiền, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng, thống kê sơ bộ đến 16 giờ ngày 22/4, đã có 1.267 nhà dân bị tốc mái, trong đó có 2 nhà dân bị sập hoàn toàn, 2 điểm trường bị tốc mái; thiệt hại về hoa màu là 1,2ha; không có thiệt hại về người. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1,8 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các huyện, thành phố, các xã tổ chức kiểm tra tình hình thiệt hại, vận động nhân dân khắc phục hậu quả theo phương châm 'Ɗ tại chỗ," huy động lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng giúp các hộ bị thiệt hại nhà cửa, khắc phục hậu quả thiên tai.
Chính quyền các cấp cử cán bộ xuống địa bàn các xã xảy ra thiên tai kiểm tra cụ thể, thống kê thiệt hại và báo cáo kịp thời để tiến hành các thủ tục hỗ trợ theo quy định. Đặc biệt, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần tuyên truyền lưu ý nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa đá, giông lốc, sét trong thời gian tới, khi thời tiết vẫn đang có dấu hiệu cực đoan.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng các huyện bị thiệt hại nặng nhất là Trùng Khánh, Quảng Uyên và một số địa phương vùng sâu, vùng xa nhưng chưa thống kê được./.
ĐỨC TƯỞNG-QUÂN TRANG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/mua-lon-kem-to-loc-gay-nhieu-thiet-hai-tai-yen-bai-va-cao-bang/382618.vnp