Cập nhật: 27/04/2016 08:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại thời điểm xuất hiện cá biển và nuôi lồng chết trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại thời điểm xuất hiện cá biển và nuôi lồng chết trên địa bàn, qua đó xác định nước biển vùng cá chết bị nhiễm kim loại nặng.

Qua đánh giá, phân tích 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An, gần cửa biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc; vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế xác định các thông số về tổng hàm lượng Nitơ tính theo amoni, hàm lượng kim loại nặng Crôm vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và chất lượng nước mặt.

Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế xác định: nguyên nhân cá biển, cá nuôi bị chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở này, từ ngày 15/4 đến ngày 22/4, hiện tượng cá chết xuất hiện dọc bờ biển Thừa Thiên Huế, lượng cá chết giảm dần từ Bắc xuống Nam; khả năng nguồn chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt xuất hiện từ phía Bắc của tỉnh.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Tỉnh cố gắng hết sức trong khả năng có thể, tức là phân tích mẫu nước, xem nội tạng, phụ tạng của cá về mặt thú y có bị bệnh hay không. Cá thì không bị bệnh. Hiện nay, UBND tỉnh đến Sở NN và PTNN cũng đã khuyến cáo bà con nhân dân không được ăn cá chết, khi thấy cá chết thì đem chôn để bảo vệ môi trường”.

Được biết, ngoài lượng cá chết trôi vào bờ biển thì ở Thừa Thiên Huế có 3.600 con cá giống và 6.000 con cá nuôi có trọng lượng 2,5-3 kg/con bị chết trong những ngày trước đây./.

Theo Lê Hiếu/VOV.VN - Miền Trung

Tệp đính kèm