Cập nhật: 27/04/2016 08:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không ít sinh viên các trường đại học thuộc diện ưu tiên được sống trong ký túc xá đang phải đối mặt với nỗi lo ăn “bẩn”.

Sinh viên đứng đợi mua cơm tại quán ăn bình dân.

Hiện nay hầu hết các trường cao đẳng, đại học đều có ký túc xá cho sinh viên, đặc biệt ưu tiên những sinh viên vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, sinh viên con em chính sách, thuộc hộ nghèo... Mức chi phí cho nhà ở, điện nước ở đây khoảng 1 triệu đến 1 triệu rưỡi 1 kỳ, tính ra chưa bằng 1 tháng nhà trọ ở những quận trung tâm thành phố Hà Nội. Giá nhà rẻ, điện nước rẻ, để tiết kiệm, không ít sinh viên đã tìm mọi cách để có thể ở trong ký túc xá, thế nhưng khi vào rồi mới thấy nhiều bất cập, đáng ngại nhất là việc ngày nào cũng phải “cơm hàng cháo chợ”.

Những bữa ăn bình dân thường chỉ có rau, đậu thêm mấy miếng thịt cũng có giá khoảng 15-20 nghìn đồng/ 1 suất, với sinh viên những bữa ăn ấy vừa thiếu mà lại vừa tốn.

Nguyễn Thị Thanh, sinh viên năm thứ nhất  Đại học Giao thông vận tải cho biết vì gia đình không có điều kiện nên bạn cũng xin vào ký túc để ở, hàng ngày 2 bữa ăn ngoài, còn bữa sáng thì  thường nhịn, mỗi bữa khoảng 20 nghìn đồng. Như vậy 1 tháng Thanh cũng mất khoảng 1 triệu rưỡi tiền ăn.

Không chỉ là vấn đề tốn kém, mà quan trọng hơn là chất lượng những bữa ăn ấy như thế nào? Liệu có đảm bảo vệ sinh?

Tại 1 quán cơm trên đường Giảng Võ nơi tập trung đông sinh viên các trường Đại học Văn hóa, Mỹ thuật công nghiệp, chỉ khoảng 11h trưa quán đã chật kín khách. Chủ quán là một anh thanh niên cao to vạm vỡ, mặt nhễ nhại mồ hôi đang rang cơm cho khách, bên cạnh là một chảo dầu màu nâu sẫm, xung quanh đen kịt. Quán nấu ăn ngay bên đường, bụi bặm, khói , mùi dầu mỡ khét lẹt, còi xe inh tai thế nhưng những thực khách vẫn ngon lành thưởng thức. Thỉnh thoảng lũ ruồi ve vãng, mấy anh giúp việc lại chạy ra phất phất chiếc khăn lau mồ hôi quàng  trên cổ để xua đuổi.

Khi được hỏi về vấn đề bẩn- sạch trong những quán ăn bình dân, bạn Nguyễn Mạnh Tuấn đang đợi để lấy cơm chia sẻ: “Nấu ăn ngay lề đường thế này, bao nhiêu khói bụi cũng vào đấy cả, nhưng cứ khuất mắt trông coi, không ăn thì phải làm sao, những quán ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh hơn, ngồi điều hòa mát lạnh thì cũng không có giá 20-25 nghìn đồng/ suất. Mình ở ký túc cũng 3 năm rồi, hàng ngày đều ra ngoài ăn thế này, nếu đau bụng thì lần sau lại đổi quán khác thôi”.

Với những sinh viên sống trong ký túc xá khi mà tiền chưa nhiều thì cái cần trước mắt là ăn no, còn ăn sạch hay ăn ngon vẫn còn xa xỉ.

Trần Thị Thoa, sinh viên năm thứ 3 Đại học Thương Mại chia sẻ: “Hàng ngày mình đều đi làm, trưa được nghỉ 1 tiếng thì cũng tranh thủ ra mấy quán bún sau trường hoặc các quán cơm bình dân ăn cho no rồi về ký túc xá ngủ trưa. Quán nào ngon và rẻ thì vào ăn”.

Đồ ăn giá rẻ liệu có ngon? Có lẽ ngon ở đây được hiểu là hợp với khẩu vị của mỗi người. Giống như Thoa, phần đa các bạn sinh viên khi ăn ở ngoài đều cân nhắc xem quán nào ăn rẻ hơn, thức ăn nhiều hơn, chứ ít ai quan tâm đến việc thức ăn có đảm bảo hay không.

 

Hàng chục chiếc bát được rửa chỉ với 3 thùng nước.

Gần đây các cơ quan thông tin đại chúng rầm rộ đưa tin các nhà hàng, quán ăn không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, rồi hàng chục tấn mỡ bẩn, thịt gà đông lạnh không rõ nguồn gốc hay thịt lợn bẩn được hô biến thành thịt bò trong chốc lát được tuồn ra thị trường. Liệu những loại thực phẩm có khả năng giết người ấy có đang nằm trên đĩa cơm sinh viên có giá từ 12.000- 20.000 kia không?

Có lẽ chưa cần nói đến vấn đề nguồn nguyên liệu có đảm bảo hay không, nhưng chỉ nhìn vào thùng nước rửa bát tại những quán ăn nhanh cho sinh viên cũng đủ làm người ta khiếp sợ. Tại một quán bánh đa cua- địa điểm quen thuộc của sinh viên trường Luật, khi đã hết khách, người chủ quán cặm cụi rửa cả đống bát đũa chỉ với 3 thùng nước. Những chiếc bát này được nhúng vào xô nước thứ nhất cho hết thức ăn thừa còn dính lại, sau đó nhúng tiếp vào 1 xô nước đầy thứ bọt màu vàng vàng, nhìn kỹ mới biết đó là dầu rửa bát. Cuối cùng chúng được tráng lại chỉ với một xô nước. Hàng chục chiếc bát, đũa  lại được xếp  gọn gàng cho khô đợi thực khách sử dụng vào ngày mai.

Nấu chui để được ăn sạch

Bị cấm nấu ăn, lại chẳng mấy tin tưởng vào thức ăn bên ngoài, nhiều sinh viên lựa chọn giải pháp nấu chui để được ăn “sạch”.

Bạn Nguyễn Văn Khánh, sinh viên có đến 4 năm sống trong ký túc chia sẻ: “Cơm sinh viên rẻ thì lấy đâu ra đảm bảo. Có lần mình ăn bên ngoài thấy rau muống có trứng ốc bươu, rơm trong rau, thịt xiên rơi xuống đất lại được gắp lên cho người sau, đậu rán thấp thoáng mùi xà phòng. Thậm chí có lần đi qua đường mình thấy người bán hàng thẳng tay vét nốt ít bún thừa của vị khách vừa đứng dậy cho vào hộp để bán tiếp. Thế nên dù bị cấm thì sinh viên bọn mình vẫn nấu chui trong ký túc xá, vừa rẻ mà lại vừa đảm bảo hơn. Mình không tự hào về điều này, cũng không khuyến khích các bạn trong Ký túc xá nấu ăn, dù gì thì cũng là phạm quy”.

Nói về chuyện nấu ăn “vừa bi vừa hài” của sinh viên, Nguyễn Thị Hồng, sinh viên đại học Luật kể: “ Năm nhất chưa có kinh nghiệm nên lúc nấu trộm trong ký túc mình có bị bắt mấy lần, nhưng đến giờ đã quen hơn rồi nên không bị phát hiện nữa. Phòng mình tất cả nấu bằng nồi cơm điện nên chỉ có rau luộc, thịt luộc, trứng luộc, nói chung cái gì cũng luộc với hấp, ăn mãi cũng chán, thỉnh thoảng ra ngoài mua thêm đồ về ăn. Thường thì lúc nấu, có 1 bạn đứng ngoài canh cửa, chỉ cần có người đi kiểm tra là ra tín hiệu ngay nên không bị lộ, hơn nữa các bác ban quản lý nhiều khi cũng cho qua vì thương tình”.

Dù tự nấu ăn, nhưng cũng chưa chắc đã là sạch, Nguyễn Kim Duyên sinh viên năm 3 đưa cho chúng tôi xem quả chanh vẫn còn tươi nguyên dù đã mua cách đây 3 tháng. Duyên cho biết: “ Em mua về nhưng quên mất không dùng, vẫn treo ở 1 góc, 2 tuần sau nhìn thấy nó vẫn tươi nên em cứ để thử xem được bao lâu”.

Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của sinh viên trong Ký túc xá, bác Thanh, Ban Quản lý Ký túc xá Đại học Luật cho biết: “Mỗi phòng có từ 8-10 người ở, nếu tổ chức nấu ăn thì không đảm bảo vệ sinh lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nên tất cả các Ký túc xá đều cấm việc này. Tuy nhiên hầu hết sinh viên sống ở đây đều không khá giả gì, nên đôi khi Ban Quản lý ký túc xá vẫn cho qua, giúp các cháu bớt khó khăn”.  Bác Thanh cũng cho biết thêm,  lúc trước trường có căng-tin dành cho sinh viên, mỗi tháng sinh viên được hỗ trợ 1 bữa ăn tươi, tuy nhiên đến nay do cơ chế thị trường, kinh doanh cho sinh viên giá bán phải rẻ hơn, không có lãi nên đành đóng cửa.

Hiện nay, hầu hết các trường đều chưa thể tạo điều kiện, xây dựng khu nấu ăn riêng cho sinh viên, mới có căng-tin bán thức ăn sẵn. Trong khi đó, các loại thực phẩm chứa chất độc hại vẫn tràn lan ngoài thị trường, mà mắt thường khó có thể phân biệt được. Giải pháp cho nỗi lo ăn “ bẩn” của sinh viên vẫn còn là một câu hỏi khó!./

Theo CTV Nguyễn Trang/VOV.VN

Tệp đính kèm