Chưa có câu trả lời chính thức về hiện tượng cá chết hàng loạt ngày nào thì người dân còn bất an ngày đó, kinh tế đất nước còn bị thiệt hại.
Người dân đang rất lo lắng vì hiện tượng cá chết bất thường
Hàng trăm nhà báo trong chiều 27/4 đã có mặt từ đầu giờ chiều ở Bộ TN-MT để đưa tin kết quả cuộc họp của 7 bộ ngành liên quan đến vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung. Đây cũng là thông tin được dư luận cả nước, đặc biệt là bà con sống ở những nơi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt nóng lòng muốn biết thông tin chính thức từ phía các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý. Sau gần 10 tiếng chờ đợi, hàng trăm nhà báo đã ra về trong sự hẫng hụt, chưng hửng… vì buổi họp báo được mong đợi diễn ra quá chóng vánh và không có câu trả lời cuối cùng để giải tỏa những băn khoăn, bức bối của người dân suốt gần 1 tháng qua.
Hiện tượng cá chết bất thường liên tỉnh, liên vùng biển miền Trung với số lượng lớn là chưa từng thấy từ trước đến nay. Cá chết không phải chỉ là chuyện của con cá, con tôm mà liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của cả một dải đất; sự sống còn của hàng triệu con người, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của nhiều gia đình. Và ngay lúc này đây, đó là sự bất an của người dân đối với môi trường sống, với sinh kế của mình.
Người dân mong sớm có câu trả lời chính thức vì nếu chậm ngày nào thì thua thiệt kinh tế của đất nước sẽ thêm ngày đó, trước mắt là ảnh hưởng đến kinh tế du lịch. Nhiều người đến với miền Trung vì nơi đây có bãi biển đẹp, hải sản phong phú, hấp dẫn. Nhưng đến thời điểm này, rất nhiều người đã hủy bỏ ý định đến những nơi như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… vì chuyến đi của họ không còn ý nghĩa, thậm chí còn bị đe dọa sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình.
Trước mắt, miếng ăn hàng ngày của người dân bị ảnh hưởng. Nhiều người không dám đi biển vì có đi biển mang cá vào bờ cũng không ai dám mua. Nhiều gia đình, nhà hàng đã loại cá biển ra khỏi thực đơn hàng ngày. Đó là những cái lo hiện hữu, dễ thấy.
Chưa có kết luận cuối cùng thì người dân chưa thể yên tâm sinh sống, làm ăn. Và quan trọng nhất, là trong lúc người dân hoang mang, mất phương hướng kéo dài thì chẳng có căn cứ khoa học nào để các chuyên gia có thể đưa ra được lời khuyên giúp dân giữ gìn sức khỏe, bình tâm và có cách ứng xử đúng đắn trong tình huống này.
Đến giờ cơ quan chức năng chỉ biết khuyên người dân không nên ăn cá chết nhưng ai biết nột số người dânvẫn gom cá chết về làm mắm, chế biến…
Cá chết phơi bụng trắng cả một vùng biển khiến ai chứng kiến cũng phải nhói lòng. Sự hủy diệt đang hiện hữu trước mắt mà người dân lại bất lực đứng nhìn biển chết trong lo âu, đói khổ.
Cá chết hàng loạt mới là hiện tượng bề nổi, nhiều nhà khoa học lo ngại hệ sinh thái vùng biển miền Trung bị hủy hoại. Con người sống trong vùng ô nhiễm, độc tố chưa tác động ngay nhưng về lâu dài có thể ngấm ngầm gây ảnh hưởng sức khỏe nhiều thế hệ.
Qua vụ việc này, một lần nữa cho thấy, pháp luật bảo vệ môi trường Việt Nam đã có nhưng thiếu công cụ để thực hiện. Đơn cử như việc chúng ta cấp phép cho Formosa xả thải ra biển nhưng lại không kiểm soát được việc họ thải những gì và hoạt động ra sao?! Thậm chí, trong những lúc “nước sôi lửa bỏng” lại có những phát ngôn thiếu trách nhiệm, khiến dư luận bất bình của lãnh đạo ở địa phương.
Cùng với đó, chúng ta cũng phải thừa nhận là kỹ năng ứng phó với những sự cố bất ngờ còn lúng túng, bị động.
Và cuối cùng, khi xảy ra những tình huống như thế này thì người dân vẫn là khổ nhất. Họ cứ loay hoay với những gì đang xảy ra trước mắt mình trong hoang mang, sợ hãi. Cần sớm có một câu trả lời chính xác, khách quan và công tâm./.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN