Thị sát vùng hạn mặn ở tỉnh Bạc Liêu, vừa qua Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cấu các cấp, ngành địa phương quyết liệt, bằng mọi cách không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình xâm nhập mặn tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Phát biểu khi tới thị sát vùng hạn mặn ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và đánh giá cao công tác phòng chống, ứng phó thiên tai của địa phương trong thời gian qua.
Tuy Bạc Liêu là tỉnh giáp Biển Đông, chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, khô hạn từ nhiều phía, biển Tây, biển Đông nhưng đến thời điểm này tỉnh chưa có thiệt hại về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đối với vùng ngọt hóa phía Bắc Bạc Liêu, đã có hơn 14.500 ha lúa bị thệt hại, với mức độ từ 30-70% diện tích. Riêng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tuy có gặp nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này chưa hộ dân nào bị thiếu nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống.
Theo dự báo của ngành chuyên môn, tình hình khô hạn, mặn xâm nhập ở khu vực đồng bằng còn kéo dài đến tháng 6/2016. Để công tác ứng phó thiên tai của địa phương đạt hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo quyết liệt, bằng mọi cách không để xảy ra thiếu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.
Cùng với đó, Bạc Liêu tiếp tục vừa ứng phó thiên tai nhưng cũng vừa tổ chức sản xuất; cần quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tỉnh cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống hạ tầng thủy lợi, đánh giá lại thực trạng và nhu cầu đầu tư thực thế.
Trước mắt, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh khẩn trương đầu tư nạo vét hệ thống kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng để trữ nước ngọt; đắp, đóng lại toàn bộ hệ thống cống, đập ngăn mặn giữ ngọt; đồng thời khẩn trương thống kê chính xác diện tích, hộ dân bị ảnh hưởng để có kế hoạch hỗ trợ cho người dân sớm vượt qua cơn đại hạn lịch sử này.
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhờ chủ động từ trước nên mức độ thiệt hại do thiên tai trong thời gian qua của tỉnh không lớn. Vấn đề tỉnh quan tâm hiện nay là thời tiết nắng nóng, nhiệt độ quá cao, kéo theo độ mặn tăng nhanh đã làm ảnh hưởng đến diện tích tôm nuôi cũng như kế hoạch sản xuất vụ lúa hè thu.
Cụ thể, độ mặn trong ao hồ, đầm nuôi tôm vượt hơn 35 phần nghìn, còn dưới kênh, ngoài sông hơn 40 phần nghìn. Trong khi đó, nếu độ mặn trong ao, đầm hơn 40 phần nghìn là tôm không thể sống được, vì vậy nếu không có giải pháp điều tiết, bổ sung nguồn nước ngọt cho vùng mặn thì toàn vùng nuôi tôm hơn 130.000ha của tỉnh sẽ bỏ vụ, nông dân bỏ trắng ao, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương. Vụ lúa Hè-Thu năm nay, tỉnh dời lịch thời vụ đến cuối tháng 5 mới xuống giống nhưng khuyến cáo bà con nên gieo cấy những khu vực đủ điều kiện, đảm bảo nguồn nước, tốt nhất nên sản xuất 2 vụ lúa/năm.
Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành Trung ương sớm triển khai xây dựng âu thuyền Ninh Quới, dự án cống đặp ngăn mặn trên sông Cái Lớn. Đây là những dự án có vai trò ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng, nhiều tỉnh được hưởng lợi như Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu nhưng nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, vượt ngoài khả năng của địa phương.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại xã Ninh Hòa và xã Ninh Qưới, huyện Hồng Dân. Tại đây, Phó Thủ tướng đã trao tặng 5 suất quà hỗ trợ 5 hộ nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn do khô hạn, xâm nhập mặn./.
HUỲNH SỬ (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/bang-moi-cach-khong-de-dan-vung-han-man-thieu-nuoc-sinh-hoat/383463.vnp