Cập nhật: 02/05/2016 10:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xã Quang Yên, huyện Sông Lô có 17 thôn dân cư. Toàn xã có 1.850 nhân khẩu là người dân tộc Cao Lan, chiếm 20% dân số, tập trung chủ yếu ở 4 thôn trong xã. Những năm gần đây, bà con đồng bào dân tộc Cao Lan đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sinh hoạt văn hóa trong lễ hội Xuống đồng của người dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên

Chúng tôi tới thăm gia đình bác La Ngọc Tâm ở thôn Xóm Mới, xã Quang Yên. Vốn là một cựu chiến binh, sau khi xuất ngũ trở về quê hương với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó không cam chịu đói nghèo, bác đã mạnh dạn vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển kinh tế. Xác định lấy chăn nuôi làm mũi nhọn, bác lựa chọn bò, lợn làm vật nuôi chủ lực. Ban đầu do chưa có kiến thức, kinh nghiệm, bác gặp không ít khó khăn. Nhưng từ khi được tiếp cận các lớp tập huấn về khuyến nông, và nguồn vốn vay ưu đãi cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tích cực học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những hộ đi trước, đến nay, bác đã làm chủ được kiến thức cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi.

Hiện gia đình bác đang nuôi 20 con lợn nái để cung cấp lợn giống cho gia đình, mỗi lứa nuôi từ 150-200 con lợn thịt, 4 con bò sinh sản, doanh thu hàng năm đạt khoảng 200 triệu đồng. Bác Tâm phấn khởi cho biết, sau 5 năm, bằng nguồn vốn tích luỹ từ chăn nuôi, gia đình bác đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang, năm nay, cả gia đình đã đón một cái Tết ấm cúng, đầy đủ hơn.

Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi người dân, mỗi gia đình người dân tộc Cao Lan phải nói đến các chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, cơ chế đầu tư đối với  đồng bào dân tộc ít người, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp đã tiếp sức cho đồng bào trên con đường xóa đói giảm nghèo. Ngoài các chính sách của Đảng, Chính phủ tỉnh Vĩnh Phúc còn ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về đất ở, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động.... Từ đó, các hộ đồng bào dân tộc  nói chung, đồng bào dân tộc Cao Lan nói riêng có thêm những điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Đặc biệt, những năm gần đây, Quang Yên đã trở thành vùng nguyên liệu mía cho Nhà máy mía đường Sơn Dương, Tuyên Quang. Toàn xã có khoảng 78 ha diện tích trồng mía. Sau hơn 5 năm gắn bó với đồng đất Quang Yên, cây mía đã giúp cho nhiều gia đình, nhất là các hộ dân tộc thiểu số trong xã có nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi ha mía cho năng suất từ 55-60 tấn, với giá thành dao động từ 900-950 nghìn đồng/tấn mía nguyên liệu, trừ chi phí, các hộ thu lãi khoảng 30-40 triệu đồng.

Bên cạnh việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại cũng được chính quyền xã khuyến khích phát triển. Hiện toàn xã có khoảng 600 ha đất rừng sản xuất. Việc kết hợp phát triển kinh tế trang trại, đồi rừng đang là một hướng đi mới đem lại nguồn thu ổn định cho người dân nơi đây. Tiêu biểu cho hướng đi này là gia đình ông Trần Văn Sửu ở thôn Mới. Với việc phát triển kinh tế đồi rừng, đốt than củi, nuôi gà thịt, chăn nuôi lợn doanh thu đạt 60 triệu đồng/năm.

Nhờ quyết tâm và ý chí vươn lên làm giàu của người dân nơi đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Cao Lan, xã Quang Yên đã hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế cũng như các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

ST

Tệp đính kèm