Cập nhật: 05/05/2016 08:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước tình trạng cá chết hàng loạt trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Công văn số 3441/BNN-TCTS về việc hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung bộ. 


Cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân cá chết trên biển. (Ảnh Trần Tĩnh/TTXVN)

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện thu gom và xử lý hải sản chết bất thường và không đảm bảo an toàn.

Tạm thời chưa thả giống mới

Trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường, Bộ cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện các giải pháp kỹ thuật và tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân.

Đối với các cơ sở nuôi cá lồng, tạm thời di chuyển lồng cá đến khu vực nước sâu hơn,  đảm bảo đáy lồng cách nền đáy ít nhất 1m. Đồng thời nên san thưa đối với những lồng nuôi dày, giữ cá với mật độ thích hợp theo quy định (không quá  10 kg/m3); giãn thưa khoảng cách giữa các lồng nuôi.

Bộ cũng chỉ đạo, các địa phương khẩn trương thu hoạch đối với cá nuôi đạt kích thước thương phẩm để hạn chế thiệt hại và hạn chế cấp nước bổ sung trong khi chưa xác định nguyên nhân.

Các địa phương cần thường xuyên theo dõi cá nuôi và hàng ngày quan trắc, kiểm tra các yếu tố môi trường như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3…nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp.

Đối với vùng nuôi tôm chuẩn bị xuống giống, nên áp dụng hình thức vèo giống (ương tạm trong giai hoặc ao nhỏ khoảng 30-45 ngày trước khi chuyển ra ao nuôi thương phẩm) nhằm đảm bảo thời vụ, hạn chế sử dụng nước, tiết kiệm chi phí và kiểm soát các yếu tố môi trường trong giai đoạn đầu.

Xác nhận hải sản an toàn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng yêu cầu các đơn vị cơ sở tiến hành xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn ở khu vực các tàu khai thác tại vùng biển an toàn (nằm ngoài khu vực có chiều rộng từ 20 hải lý trở ra tính từ bờ của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

 

Thương lái thu mua cá của ngư dân đánh bắt về. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Cụ thể, ngay sau khi tàu vào cảng, chủ tàu có trách nhiệm thông báo cho Chi cục thủy sản địa phương biết và trình sổ hành trình được cơ quan biên phòng xác nhận phù hợp với hoạt động của tàu và nhật ký khai thác (đối với tàu khai thác), nhật ký thu mua vận chuyển (đối với tàu thu mua vận chuyển).

Qua kiểm tra, cán bộ giám sát sẽ cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển an toàn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các địa phương trên thực hiện công tác giám sát hải sản an toàn.

Đối với hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý tính từ bờ: khi phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, Chi cục Quảng lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo ngay về Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ.

Đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý tính từ bờ: khi phát hiện mấu không đạt yêu cầu, Chi cục  Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cần báo cáo ngay cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp tiêu hủy, hỗ trợ cho ngư dân theo quy định và khuyến cáo ngư dân không tiếp tục khai thác tại vùng biển có mẫu phát hiện không đạt yêu cầu./.

THANH TÂM (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/giai-phap-cap-bach-ung-pho-voi-tinh-trang-ca-chet-bat-thuong/384288.vnp

Tệp đính kèm