Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai đã có sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phong trào gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa mới đã có những tác động tích cực đến đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Phụ nữ dân tộc Sán Dìu ở Tam Đảo tham gia hội thi gói bánh chưng gù ngày Tết
Là một xã miền núi của huyện Tam Đảo, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, chủ yếu là người Sán Dìu, những năm qua, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, xã Minh Quang luôn chú trọng xây dựng đời sống văn hóa. Ông Đặng Trọng Bắc, cán bộ văn hóa và nông thôn mới của xã chia sẻ: "Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã nói riêng và nhân dân toàn xã nói chung càng tích cực hơn trong phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư. Bà con hưởng ứng và thực hiện nghiêm các quy ước, hương ước thôn, làng; số người sinh con thứ ba giảm đáng kể; mâu thuẫn gia đình, làng xóm được giải quyết dứt điểm; nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà trong lễ tang, lễ cưới của người dân tộc Sán Dìu đã được loại bỏ, thay vào đó thời gian diễn ra được rút ngắn lại, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm và văn minh. Niềm vui lớn của bà con là đã được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, cùng sự chung tay đóng góp của mỗi cá nhân, hộ gia đình xây dựng các công trình nông thôn mới, đặc biệt là các thiết chế văn hóa ở khu dân cư. Tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới trong 5 năm, từ 2011 – 2015 của xã là trên 133 tỷ đồng, trong đó, riêng nhân dân đóng góp trên 9,5 tỷ đồng. Hiện toàn xã có 13/19 thôn có nhà văn hóa, là nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Nhiều thôn có phong trào văn hóa, văn nghệ và thể thao sôi nổi như: Thôn Tân Lương, Quang Sơn, Chùa Vàng, Cam Lâm Đồn... Năm 2015, toàn xã Minh Quang có 82% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa."
Cũng giống như đồng bào dân tộc Sán Dìu ở các xã thuộc huyện Tam Đảo, đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn huyện Sông Lô những năm gần đây luôn tích góp sức đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Với 155 hộ và trên 800 nhân khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc Dao chiếm 98% dân số tại bản Thành Công, xã Lãng Công. Chung tay góp sức xây dựng đời sống văn hóa mới bà con trong thôn đã họp, lấy ý kiến các hộ, đồng thuận đóp góp mỗi khẩu 300 ngàn đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, các thiết chế văn hóa. Đến nay, nhà văn hóa thôn đã được xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa đạt 100% với tổng chiều dài 2.300m. Bà con trong thôn luôn ý thức lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc trưng như bảo tồn tiếng nói, trang phục, dân ca, dân vũ, các nghề truyền thống, duy trì tục cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao. Trong quy ước, hương ước, thôn Thành Công luôn nêu cao tinh thần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới, lễ tang; xây dựng quỹ dòng họ để thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi có hoàn cảnh khó khăn và động viên con cháu có thành tích cao trong học tập. 87% các hộ gia đình trong thôn đạt chuẩn gia đình văn hóa, nhiều năm liền thôn Thành Công đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 29 dân tộc thiểu số với khoảng trên 47 nghìn người, chiếm khoảng 4,6% dân số của tỉnh, tập trung chủ yếu tại dãy núi Tam Đảo và núi Sáng thuộc các địa phương: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô và xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên. Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó tập trung vào các nội dung xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào về việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội; biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc, các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa; tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới. Cùng với công tác tuyên truyền, tỉnh và các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú đã quan tâm đầu tư khôi phục, tổ chức các lễ hội và bảo tồn, giới thiệu các làn điệu dân ca truyền thống như: Tết nhảy của dân tộc Dao, làn điệu Soọng cô của đồng bào Sán Dìu, làn điệu Sình ca của dân tộc Cao Lan ...
Công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước nâng cao chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đề cao các giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng. Những tập quán lạc hậu như tảo hôn, thách cưới được xóa bỏ, các hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa lành mạnh, cảnh quan sạch, đẹp đang được đồng bào cùng chung sức xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh 100% khu dân cư tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87,8%, tăng 2,3%; số làng, thôn văn hóa đạt 83%, tăng 5,7% so với năm 2014. Có thể khẳng định, cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" đã có sức lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực tới nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo nên diện mạo mới trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh các mục tiêu kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương và toàn tỉnh.
Ban Mai
Theo Cổng TTGTDT tỉnh Vĩnh Phúc