Trước thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện, đại diện một số tỉnh trong vùng đã bày tỏ quan điểm phản đối siêu dự án “chặt khúc” sông Hồng, bởi mối lo dự án có thể “cướp ngọt,” nguy cơ gia tăng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển, ảnh hưởng đến môi trường và vựa lúa của Đồng bằng Bắc Bộ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
"Chấp thuận siêu dự án là quá liều"
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, chiều 6/5, ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho rằng, để làm được những công trình “khủng” như siêu dự án “chặt khúc” sông Hồng thì phải có đánh giá tổng hợp đến rất nhiều lĩnh vực, chứ không đơn thuần chỉ là tác động đến mặt môi trường.
Theo ông Khánh, trong trường hợp siêu dự án này được chấp thuận triển khai, sẽ ảnh hưởng rất lớn (ảnh hưởng tổng hợp nhiều mặt) đến nông nghiệp, môi trường, thủy văn và an sinh xã hội của các tỉnh ven sông Hồng, đơn cử như tỉnh Yên Bái, nơi có rất nhiều hộ gia đình sinh sống dọc bờ sông, vốn phụ thuộc nguồn nước.
“Do đó, để chấp thuận được dự án này, theo tôi, các cơ quan chức năng và các nhà khoa học phải có những đánh giá căn cơ, thận trọng, chứ không thể để một doanh nghiệp đưa ra ý tưởng xây dựng dự án quá lớn, mà Chính phủ lại chấp thuận ngay được. Trong việc này, nếu chấp thuận thì hơi vội vàng,” ông Khánh nói.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng lưu ý, mức độ ảnh hưởng của siêu dự án “chặt khúc” sông Hồng là vô cùng lớn. Bình thường đắp đập thủy điện tại một con suối, tác động ảnh hưởng đã lớn. Trong khi, dự án này xây tới 6 đập thủy điện trên một con sông mà chưa ai nhắc tới việc xây thủy điện là “quá liều.”
“Cá nhân tôi cho rằng, siêu dự án này thật sự đáng lo ngại, không thể dễ dàng chấp thuận được. Và, nếu dự án được chấp thuận thì cũng phải đến cấp Quốc hội mới quyết được,” ông Khánh nhấn mạnh.
Có chung quan điểm, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho rằng, siêu dự án sông Hồng mới chỉ là ý tưởng ban đầu, nên địa phương chưa có cơ sở để nghiên cứu cụ thể về mức độ tác động của dự án.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng bày tỏ mối lo, nếu siêu dự án “chặt khúc” sông Hồng được chấp thuận triển khai, thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất nặng nề. Cụ thể là, việc chặn sông làm 6 đập thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nguy cơ gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến vựa lúa của các địa phương ven biển ở trong vùng.
“Giả sử, các con đập thủy điện có thể chủ động được chế độ thủy văn, điều chỉnh được dòng nước kiệt, nhưng việc chặn dòng chắc chắn sẽ khiến các vùng hạ lưu bị ảnh hưởng. Vấn đề này khác gì việc điều tiết hồ chứa thủy điện đâu.
Nhất là về mùa hạn, một khi nước ngọt cạn kiệt không đủ để đẩy mặn ra, thì xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến môi trường, nông nghiệp, nhất là vựa lúa của các tỉnh ven biển ở vùng đồng bằng Bắc Bộ,” ông Tuấn nói.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Siêu dự án sẽ “đe dọa” tới nông nghiệp!
Nhìn nhận từ góc độ nông nghiệp, ông Bùi Sỹ Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định khẳng định, siêu dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng nếu được chấp thuận, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nông nghiệp, phòng chống lụt bão, đời sống nông dân sản xuất nông nghiệp.
Ông Sơn cũng cho rằng, nếu có thể triển khai dự án này thì còn phải lấy ý kiến của các Bộ ban ngành cũng như các địa phương liên quan. Có thể dự án này có những điểm tích cực, tuy nhiên, các vấn đề tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp, dân sinh kinh tế đối của nông dân lưu vực sông Hồng thì có thể nhìn thấy ngay được.
“Riêng tôi nhận thấy trong những năm gần đây, khi Trung Quốc tiến hành xây dựng các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Hồng thì các tỉnh cuối nguồn như Thái Bình, Nam Định có tác động không hề nhỏ tới tình hình sản xuất lúa,” ông Sơn nói.
Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Sơn cho biết, những năm gần đây dòng chảy sông Hồng không bình thường, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn xâm nhập sâu hơn vào cửa sông, nồng độ mặn tăng lên, nên hàng năm Chính phủ và các bộ ngành liên tục chỉ đạo xả nước ở các hồ chứa phía trên để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Đợt tới, nếu dự án này xây dựng thì không biết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tình trạng nhiễm mặn sẽ như thế nào. Tôi không dám nghĩ tới,” ông Sơn quan ngại.
Trong diễn biến liên quan, trước đó, tiến sỹ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Uỷ ban sông Mekong Việt Nam cũng nhận định, nếu xây dựng 6 đập thủy điện liên tiếp sẽ “giết chết” sông Hồng đồng thời sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái sông ngòi ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc.
Theo ông Tứ, những năm qua, chỗ nào có thể làm thủy điện thì đều làm hết rồi, sông suối cũng bị "băm nát" cả rồi. Rõ nhất là 3 con sông lớn ở phía Bắc như sông Đà, sông Thao, sông Lô - Gâm đều không còn nguyên vẹn.
“Trong việc này, chúng ta không thể đánh đổi 228 MW điện với việc hủy hoại sông Hồng, nguồn sinh kế của hàng triệu người được. Tôi không thể hình dung được sẽ như thế nào nếu cả 6 cái đập cùng vận hành một lúc,” ông Tứ trăn trở.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, sông Hồng có tiềm năng thủy điện lớn nhất trong các hệ thống sông, trong đó tập trung vào 2 chi lưu lớn là sông Đà và sông Lô - Gâm. Hiện nay, trên sông Đà đã có thủy điện Hoà Bình công suất lắp máy 1920 MW, thủy điện Sơn La 2400 MW, thủy điện Lai Châu 1200 MW, Bản Chát 220 MW, Huội Quảng 520 MW, Nậm Chiến 210 MW; trên sông Lô - Gâm đã có thủy điện Tuyên Quang 342 MW...
“Trong bối cảnh không thiếu điện, theo tôi Việt Nam không cần thiết phải phát triển thêm thủy điện,” ông Tứ nhấn mạnh.
Theo HÙNG VÕ (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/nhieu-dia-phuong-quan-ngai-ve-sieu-du-an-chat-khuc-song-hong/384800.vnp