1. Nhà ở
Là nhà đất giống như nhà của người Kinh. Vào một bản làng của người Sán Dìu không khác so với thôn, làng của người Kinh ở trung du. Thời xưa ngôi nhà làm bằng tre gỗ, lợp rơm rạ, cỏ tranh tuỳ theo điều kiện kinh tế và số người trong gia đình, làm ngôi nhà to hay nhỏ, nhiều gian hay ít gian. Song thường có khuân mẫu: 3 hoặc 5 gian, kiêng làm nhà chẵn 2,4. Nếu là nhà 5 gian thì 2 gian đầu hồi thường làm thò ra từ 1,5m đến 2m, 3 gian giữa thụt vào theo hình chữ "U". Hai gian thò ra thường được ngăn đôi thành 4 phòng để vợ chồng con trai, con dâu và con gái ở. Một phòng là bà vợ chủ nhà, một phòng là kho để thóc hoặc của cải. Ba gian giữa là chung, gian giữa để bàn thờ, 2 gian hai bên kê giường ông chủ, con trai hoặc khách. Hai phía trái nhà chính nhất thiết phải có 2 cái nhà phụ để làm bếp nấu ăn và để các đồ lặt vặt. Một cái làm kho chứa và chuồng trâu, bò lợn, gà.
Xét về sinh hoạt gia đình, bố trí như kể trên có thể xem là rất khoa học, văn minh, an toàn trong cuộc sống. Kiểu bố trí nhà ở này mang phong cách nhà cổ Trung Hoa.
Thời nay, vật liệu làm nhà dần được thay bằng gạch vôi, xi măng lợp ngói đỏ. Song người Sán Dìu vẫn thích làm nhà theo mô hình trên.
2. Trang phục truyền thống
* Trang phục nam giới:
Từ những năm 1980 thế kỷ XX trở về trước, trang phục của người Sán Dìu có rất nhiều thay đổi, nhất là ở nam giới. Trong các dịp lễ tết, ngày hội người đàn ông thường mặc áo dài màu đen (chàm) bên ngoài áo cánh trắng, bên trong áo 5 thân cổ cao có gài khuy vải bên phải (giống như áo của người Kinh) ống quần hẹp, chỉ dài quá gối một chút. Ngày thường họ mặc áo ngắn cúng 5 thân màu nâu hoặc màu chàm, có túi nhỏ phía vạt áo nhưng miệng túi ở phía trong để đựng thuốc lào hoặc tiền nong.
Quần thì màu nâu hoặc trắng theo kiểu chân qùe ống rộng. Đàn ông để tóc dài búi tó sau gáy có cài trâm, ngày lễ tết đội khăn xếp như đàn ông người Kinh thời trước. Khi đi làm chủ yếu là đi chân đất, đi đâu xa họ đeo dày vải. Người nghèo đi dép quai ngang đế bằng da trâu, về sau họ đi dép bằng cao su, đi guốc mộc. Nam giới ít dùng đồ trang sức, họ hay bịt răng vàng, trước nữa thường nhuộm răng đen, ngón tay đeo nhẫn bạc.
Ngày nay, người đàn ông Sán Dìu ăn mặc như người Kinh, quần áo nâu hoặc âu, áo sơ mi.
* Trang phục nữ giới:
Trang phục nữ giới phong phú hơn trang phục nam giới: Váy: xà cạp; áo: dèm; khăn; xà lạp; đồ trang sức. Nhìn tổng thể, bọ áo váy phụ nữ Sán Dìu không thêu thùa nhiều kiểu hoa văn xanh đỏ, đen, trắng như một số dân tộc khác mà vẫn đẹp, gọn gàng tình tứ. Nữ phục truyền thống gồm khăn đội đầu, áo dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng, váy xẻ nhiều lớp dài đến ngang đầu gối, bắp chân cuốn xà cạp trắng, đi chân đất (trước đây). Nay, trong các ngày lễ, hội các thiếu nữ đều đi dép hiện đại. Váy áo đều màu chàm thắt lưng bằng dải lụa xanh đỏ. Ve áo nẹp bằng vải trắng tạo thành hai vết trắng mềm mại hình chữ "V" mở từ hai vai khép lại ở thắt lưng ngang eo bụng. Áo dài có 4 thân, cổ bẻ có nẹp trơn. Cách mặc áo có sự phân biệt giữa người có chồng và người chưa có chồng. Phụ nữ có chồng và người già thường mặc áo vạt trái vắt sang bên phải, còn phụ nữ chưa chồng thì vắt ngược lại.
Đặc biệt chiếc váy của người phụ nữ Sán Dìu thời xưa là váy xẻ miếng nhiều. Người ta xếp những miếng vải chàm chồng lên nhau ở phần trên rồi khâu lại có dây dải buộc vào eo lưng. Phần dưới để xếp, không khâu chỉ. Váy chỉ dài đến đầu gối (bằng với áo) thường là 5 hoặc 7 miếng vải xếp lại. Đây có lẽ là váy độc đáo của người phụ nữ dân tộc Sán Dìu. Thời nay họ may váy 2 mảnh xếp phía trước và phía sau lồng vào nhau 2 bên. Với kiểu váy này khiến người phụ nữ luôn luôn phải giữ ý tứ khi lao động cũng như khi giao tiếp. Khi đi chợ muốn mua, xem một mặt hàng náo đó, họ không thể cúi xuống mà phải quỳ gối xuống đất rồi mới cầm mặt hàng lên xem. Theo các cụ già kể lại thì chiếc váy cổ có nhiều mảnh hơn, tới 8-10 mảnh, nhưng lại là mảnh nhỏ, và nó có tên là "váy lá" (xệch khúm) tạo xung quanh đùi có nhiều kẽ hở. Người phụ nữ Sán Dìu còn một số đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, xà tích nhẫn bạc, túi đựng trầu. Hầu hết phụ nữ Sán Dìu ngày xưa nhuộm răng đen ăn trầu. Cái túi trầu cũng là một đồ trang sức dài khoảng 15cm, được may hình múi bưởi, có dây luồn vào miệng túi để rút (đóng túi lại) và mở ra khi ăn trầu. Hai quai túi được dệt bằng chỉ xanh đỏ nhiều hoa văn đẹp, đầu quai có tua chỉ xanh đỏ thường được quàng vào cổ để phía trước ngực thuận lợi khi ăn trầu cau. Khi đi đường họ vắt ra phía lưng hoặc buộc vào thắt lưng cho tiện. Miệng túi trầu thêu thùa nhiều hoa văn đẹp. Phụ nữ Sán Dìu còn có cái địu con nhỏ được may đơn giản, chỉ là vài miếng vải thô, nhuộm chàm hoặc nâu, chiều rộng khoảng 0,04m, chiều dài 0,06m (hình vuông) hai đầu được luồn vào hai dải vải hoặc dây dệt chỉ xanh chỉ đỏ, để buộc vào eo lưng người mẹ quàng vào đứa trẻ ấp sau lưng, hai đầu dây trên quàng vào vai mẹ vòng ra phía sau buộc lại đỡ lưng đứa trẻ. Từ đấy người mẹ có thể làm việc nhẹ như giã gạo, sàng xảy gạo, nấu nướng...
Cũng như một số dân tộc khác sống ở vùng núi đồi thấp như Tày, Cao Lan, Mường...Người phụ nữ Sán Dìu dần dần bỏ cách trang phục áo váy truyền thống. Nhất là lớp thanh niên, phụ nữ trẻ, họ học tập theo mốt ăn mặc của người Kinh, gọn gàng hơn. Hiện nay vào bản làng của người Sán Dìunếu không quan sát kỹ thì không biết họ là người Kinh hay người dân tộc. Ở một số bản làng vùng sâu như: Đạo Trù (Lập Thạch), Ngọc Thanh (Mê Linh) một số nơi ở Bình Xuyên người phụ nữ vẫn còn những bộ váy truyền thống để giành khi có lễ hội hoặc khi người già chết, người ta mặc cho người chết bộ áo váy đẹp theo truyền thống để về thế giới bên kia
ST