Thông tin từ ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay còn hơn 2.000 hộ dân sẽ phải di dời để triển khai Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Một ngôi nhà của hộ dân phải di dời. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Cụ thể, theo Quy hoạch, sẽ có 2.032 hộ dân trên các khu vực có lòng sông co hẹp, phải từng bước di dời là: Thạch Đồng (Phú Thọ), Võng La - Hải Bối, Đông Ngạc - Nhật Tảo, Bắc Cầu, Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Bồ Đề, Bát Tràng. Trong đó, khu vực Hà Nội cần di dời 1.900 hộ dân.
Lý giải về việc di dời trên, ông Thành cho hay, Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi về điều kiện khí hậu, thủy văn, yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội trên lưu vực.
Bên cạnh đó, những năm qua, nhiều công trình thủy điện trên lưu vực thuộc địa phận Trung Quốc đã được xây dựng trên cả 3 tuyến chính sông Đà, sông Thao, sông Lô không có đầy đủ thông số, quy trình vận hành, đặc biệt là thông tin về xả lũ ảnh hưởng đến công tác phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
“Theo thời gian, dòng chảy cũng thay đổi và biến đổi lòng dẫn các sông hạ du đã làm tăng tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng sang các sông ở khu vực hạ lưu sông Thái Bình, gây áp lực lớn lên hệ thống đê ở khu vực này. Chính vì thế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, thay thế quy hoạch năm 2007,” ông Thành nói.
Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Thủy lợi cũng cho biết, theo Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình trước đây, sẽ có 700.000 dân cư vùng bãi sông phải di dời, đây là một con số rất lớn, tuy nhiên từ năm 2007 đến nay các địa phương đã lúng túng và không thể thực hiện được vấn đề này.
Khu vực bãi bồi được san lấp ở quận Long Biên. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Chính vì vậy, trong quy hoạch mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tính toán lại và chỉ còn trên 2.000 hộ dân bắt buộc phải di dời. Ngoài ra, quy hoạch cũ có rất nhiều khu vực phải di dời, nhưng quy hoạch mới thì được giữ lại, đây chính là điểm mấu chốt giải quyết vấn đề này.
Vậy để giải pháp để di dời hơn 2.000 hộ dân ngoài bãi cũng như các kế hoạch nhằm ổn định chỗ ở cũng như đời sống của những hộ dân? Theo ông Thành, các địa phương sẽ có trách nhiệm xây dựng quy hoạch chi tiết cho địa phương mình, trong đó lên phương án giải pháp cụ thể về việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và ổn định đời sống của họ.
“Trong quy hoạch chi tiết đó, các địa phương có thể sẽ đề xuất sử dụng ngân sách địa phương để di dời, hoặc sẽ thu hút doanh nghiệp tham gia với phương châm đổi đất lấy hạ tầng, các địa phương sẽ có trách nhiệm bố trí chỗ ở của những hộ dân phải di dời,” ông Thành nói.
Ngoài ra, để công tác Quy hoạch được triển khai hiệu quả, ông Thành cũng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ song hành cùng các địa phương triển khai thực hiện quy hoạch.
Cụ thể, trong quy hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tham mưu Chính phủ cho phép địa phương dành ra 5% diện tích bãi sông để cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực.
“Hiện nay dọc tuyến sông này đang tồn tại 143 bãi sông là những khu vực dân cư tập trung sinh sống và sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã tính toán và xác định bổ sung thêm 132 bãi sông nữa để nghiên cứu sử dụng một phần diện tích xây dựng công trình phát triển kinh tế cũng như làm nơi sinh sống cho người dân,” ông Thành nói./.
HÙNG TÂM (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/chong-lu-song-hong-song-thai-binh-hon-2000-ho-dan-phai-di-doi/385790.vnp