Những tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài trong một số trường đại học đã khiến dư luận mất dần niềm tin với mô hình đại học tư thục không vì lợi nhuận.
Sinh viên học tập tại phòng thư viện (ảnh minh họa)
Hệ thống trường đại học tư thục không vì lợi nhuận tại nhiều quốc gia trên thế giới đang hoạt động rất hiệu quả. Còn tại Việt Nam, sau nhiều năm triển khai, đến nay, việc ổn định và phát triển các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận ở Việt Nam vẫn gặp phải rất nhiều rào cản từ cơ sở pháp lý cho đến quan niệm xã hội.
Mặc dù các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm qua nhưng đến nay, dư luận xã hội vẫn hoài nghi về hiệu quả và chất lượng của mô hình này.
Theo bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, một cơ sở giáo dục đại học tư thục đang theo đuổi mô hình không vì lợi nhuận cho rằng, vì khái niệm "đại học tư thục không vì lợi nhuận" còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên nhiều người mơ hồ, nhầm lẫn.
“Điều mà nhiều người hiểu chưa đúng hiện này là cho rằng đại học không vì lợi nhuận thì học phí phải thấp, phải không có lời. Rồi từ đó người ta lại suy ra không có lời thì sẽ không có trách nhiệm. Ngoài ra, điều quan trọng hơn là nhiều người chưa thấy được mối quan hệ giữa chuyện đại học không vì lợi nhuận với chuyện bảo đảm một số lợi ích nào đó cho xã hội” – bà Bùi Trân Phương bày tỏ.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia giáo dục, bên cạnh sự mới mẻ của khái niệm “đại học tư thục không vì lợi nhuận”, chính những tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài ngay trong một số trường đại học đã khiến dư luận mất dần niềm tin đối với mô hình này.
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục lại có một góc nhìn khác. Theo ông Trung, nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp, hỗn loạn tại nhiều trường đại học tư thục hiện nay là do mô hình quản trị có vấn đề.
“Vấn đề của mô hình quản trị hiện nay không phải do tự thân các trường đại học mà vì cơ sở pháp lý cho các mô hình quản trị đại học. Rất nhiều yếu tố, những luật lệ của chúng ta hiện nay quản trị các trường đại học như quản trị doanh nghiệp. Thứ hai là não trạng của những người tham gia mô hình này, đặc biệt là những người tham gia góp vốn vẫn chưa rõ ràng là mình sẽ tham gia vào trường đại học này với tư cách một doanh nhân hay tư cách một nhà giáo dục”- ông Giản Tư Trung cho biết.
Đồng quan điểm, Luật sư Lương Văn Lý, Cố vấn kiêm Trưởng bộ phận đầu tư và thương mại của Công ty Luật Việt Long Thăng cho rằng, vì Việt Nam đang hoàn chỉnh dần khung pháp lý cho các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận nên so với chuẩn quốc tế, chúng ta còn một khoảng cách rất xa. Ngoài ra, cơ sở pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều rào cản đối với việc hỗ trợ công nhận cũng như tạo điều kiện cho các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận ở nước ta phát triển.
Luật sư Lương Văn Lý phân tích: “Từ năm 2005 cho đến năm 2012, có một khoảng lặng của pháp luật đối với các trường đại học không vì lợi nhuận. Do đó, những trường đại học chọn phương hướng không vì lợi nhuận trên cơ sở Nghị quyết 05 (năm 2005) thì người ta không có cơ sở pháp lý nào khác để thực hiện cơ chế quản trị, thực hiện công thức chia cổ tức theo tiêu chuẩn pháp luật hiện nay”.
Khi không đủ cơ sở pháp lý để được công nhận, muốn hoạt động đúng luật, các trường chỉ còn cách làm lại từ đầu quy trình đăng ký với hàng loạt thủ tục rườm rà. Chính điều này đang khiến không ít cơ sở giáo dục đại học tư thục ở nước ta ngại chuyển đổi mô hình từ "lợi nhuận" sang "không vì lợi nhuận".
Vì vậy, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, muốn tạo dựng được niềm tin trong dư luận, tự thân các trường đại học tư thục chọn theo mô hình không vì lợi nhuận nỗ lực thôi chưa đủ mà rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Làm sao để tam giác nhà nước - thị trường - xã hội dân sự được cân bằng, tạo môi trường tốt cho sự phát triển của mô hình đại học không vì lợi nhuận.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Giáo dục Trí Việt nói: “Chỉ khi nào 3 góc của tam giác đó cùng chung một nhận thức về tầm quan trọng của việc hình thành một nền giáo dục đại học không vì lợi nhuận thì lúc đó mới có thể thành công. Trong đó, cơ quan Nhà nước tạo điều kiện nhưng không can thiệp ở những nơi, những phần không cần thiết”.
Một khi khung pháp lý được hoàn thiện và xã hội có cái nhìn đúng mực về đại học tư thục không vì lợi nhuận thì trong tương lai không xa, mô hình này sẽ phát huy hiệu quả tác động tích cực của mình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam./.
Theo Mỹ Dung/VOV.VN