Cập nhật: 18/05/2016 09:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vũ Quốc Kỳ, 24 tuổi, ở Ninh Bình chia sẻ, trước khi được ghép tế bào gốc, Kỳ một tháng ít nhất đôi lần phải nhập viện để truyền máu liên tục, mỗi đợt truyền từ 5-6 bịch máu.

Ghép tế bào gốc điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh về máu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Căn bệnh suy tủy xương khiến Kỳ luôn cảm thấy đau đớn, người lúc nào cũng cảm thấy chao đảo và thiếu máu trầm trọng. Tuy nhiên, sau 5 năm được ghép tế bào gốc, chàng thanh niên đã có sức khỏe bình thường, hoạt động, vận động và làm việc như bao người khác.

Những câu chuyện không chỉ của riêng Kỳ và còn của hơn 200 bệnh nhân được ghép tế bào gốc tại Viện huyết học truyền máu trung ương trong 10 năm qua khiến nhiều người xúc động nghẹn nào.

Phép nhiệm màu

Chiều 16/5, tại hội nghị tổng kết 10 năm ghép tế bào gốc của Viện huyết học-Truyền máu Trung ương rất nhiều người, từ những em nhỏ đến những người tuổi trung niên đã được ghép tế bào gốc có dịp gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ.

Trên gương mặt họ đều phấn khởi, rạng ngời, bởi với phương pháp tiên tiến này đã dường như “hồi sinh” cho những bệnh nhân mắc phải những bệnh hiểm nghèo có cơ hội được trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác.

Nhìn chàng thanh niên cao gần 1 mét 80, nước da trắng, dáng người khỏe khoắn, không ai có thể nghĩ Vũ Quốc Kỳ trước đây đã từng là một bệnh nhân bị suy tủy xương nặng, phải truyền máu liên tục mỗi tháng.

Kỳ cho hay, anh phát hiện bệnh vào cuối năm 2010. Khi nó Kỳ liên tục cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, đầu nhức như búa bổ. Ban đầu Bình tới phòng khám tư, được chẩn đoán thiếu máu, sau đó anh tới một bệnh viện khác và chẩn đoán ung thư máu. Tiếp đó, Kỳ tới Viện huyết học -Truyền máu Trung ương thì được chẩn đoán là bị suy tủy xương.

Những tháng sau đó, Kỳ liên tục phải nhập viện để truyền máu. Thường mỗi tháng anh phải vào viện hai lần, mỗi lần truyền 5-6 bịch máu. Có những lần bị nặng.

Đến tháng 10/2011, Kỳ được các bác sỹ của Viện huyết học -Truyền máu Trung ương ghép tế bào gốc cho và sau đó anh chỉ dùng thuốc vài tháng. Sau 5 năm ghép, giờ Kỳ đã có được sức khỏe tốt, hoạt động và làm việc như mọi người.

Năm 2015, Kỳ đã lập gia đình và đến nay đã có một con gái. Bình chia sẻ, có những lúc anh cảm thấy cánh cửa của cuộc đời mình dường như khép lại, mọi hy vọng dường như chấm dứt, vậy mà giờ đây, cuộc sống với anh như một phép nhiệm màu, anh đã có tất cả, từ sức khỏe cho tới niềm vui gia đình…

Một trường hợp khác là anh Lâm Tiến Bình, ở Lạng Sơn - một trong những bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc đồng loại của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, giờ đây, sau 8 năm được ghép tế bào gốc đồng loại anh hoàn toàn là một người khỏe mạnh bình thường như bao người khác.

 

Anh Lâm Tiến Bình hoàn toàn khỏe mạnh sau 8 năm được ghép tế bào gốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó, anh mắc căn bệnh Lơxêmikinh (rối loạn sinh tủy) và từng phải nằm điều trị tại Viện Huyết học–Truyền máu Trung ương trong một thời gian dài. Anh biết mình mắc bệnh hồi tháng 8/2008. Sau 3 tháng điều trị, anh được các bác sỹ của Viện Huyết học–Truyền máu Trung ương chỉ định ghép tế bào gốc. Người cho tế bào gốc là anh trai ruột của Bình.

Anh Bình cho biết, kể từ sau khi kết thúc ca ghép tế bào gốc tại Viện, anh chỉ phải dùng thuốc thêm 6 tháng sau đó theo chỉ định của bác sỹ. Kể từ đó đến nay đã gần 8 năm trôi anh vẫn rất khỏe mạnh, sống một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình và không phải điều trị thêm bất kỳ một loại thuốc nào.

Nguồn chi phí ghép vẫn cao

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm ghép tế bào gốc, bác sỹ Bạch Quốc Khánh - Phó viện trưởng Viện huyết học-Truyền máu Trung ương cho hay, kể từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương vào tháng 11/2006, đến nay, sau 10 năm triển khai phương pháp ghép tế bào gốc, Viện huyết học-Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 204 ca ghép (trong đó 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loài), chiếm gần 50% tổng số ca ghép được thực hiện trên toàn quốc.

Hiện nay, phương pháp ghép tế bào gốc đã đem lại cho người bệnh một cuộc sống mới, có cơ hội khỏi bệnh. Điều quý giá của ghép tế bào gốc không chỉ chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân mà còn là bệnh nhân hoàn toàn có thể lập gia đình và sinh con. Điều này đã được minh chứng trên thực tế ở những nước có kinh nghiệm về ghép tế bào gốc lâu năm.

Tuy nhiên, hiện nay, có một rào cản lớn nhất với hầu hết bệnh nhân có chỉ định ghép tế bào gốc là chi phí lớn.

Bác sỹ Khánh cho hay, với một ca ghép tế bào gốc tự thân khoảng 200 triệu đồng trong đó Quỹ bảo hiểm y tế chi trả khoảng 50%. Còn với ghép tế bào gốc đồng loại chi phí từ 600-800 triệu, trung bình người bệnh phải chuẩn bị số tiền khoảng 200-300 triệu đồng - đây cũng là một số tiền khá lớn với nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Vì thế, bên cạnh việc mở rộng chỉ định được ghép tế bào gốc để cứu nhiều người bệnh, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang tiếp tục nỗ lực làm việc với đơn vị chi trả bảo hiểm y tế để người bệnh được thanh toán tốt nhất, tạo cơ hội được chữa trị cho những người bệnh hiểm nghèo.

Bác sỹ Khánh cho biết Viện Huyết học và truyền máu Trung ương đang mở rộng đối tượng chỉ định được ghép tế bào gốc. Trước đây phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân 65 tuổi với ghép tế bào máu tự thân nay là 70 tuổi, với ghép tế bào gốc đồng loài độ tuổi đã được nâng lên 55 tuổi./.

THÙY GIANG (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nhieu-cuoc-doi-hoi-sinh-nho-phuong-phap-ghep-te-bao-goc/386271.vnp

Tệp đính kèm