Nhiều hộ nông dân cho rằng, do lớp đất mặt đã bạc màu, cần bán đi để có tiền mua phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất.
Ruộng liền kề sau khi khai thác lớp đất sét chênh lệch nhau cả nửa mét.
Trong bài viết trước, chúng tôi đã nêu thực trạng về việc bán đất mặt ruộng đã và đang diễn ra rất "nóng" tại nhiều vùng trọng điểm về sản xuất lúa ở khu vực ĐBSCL.
Nhiều hộ nông dân cho rằng, do lớp đất mặt đã bạc màu, cần bán đi để có tiền mua phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây là một sai lầm, lợi bất cập hại.
Một công đất mặt ruộng tại ĐBSCL có thể bán được vài chục triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với người nông dân. Tuy nhiên, việc làm này sẽ làm biến dạng địa hình; hoạt động canh tác trở nên khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tư, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, gia đình ông rất lo lắng khi tình trạng bán đất mặt ruộng diễn ra ở gần ruộng nhà mình.
Theo ông Tư, khi lớp đất chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất đã bị lấy đi, năng suất lúa sẽ giảm, sâu bệnh nhiều hơn, chi phí sản xuất sẽ tăng cao. Mặt ruộng bị biến dạng, chỗ cao, chỗ thấp, rồi biến thành đất trũng, gò cao, gây khó khăn cho điều tiết nước trên đồng ruộng.
Ông Tư nói: "Lớp đất mặt nếu đem bán đi sẽ làm mất đi dinh dưỡng cho cây trồng, không thể bù đắp lại được. Tôi nghĩ rằng bà con đừng bán nữa. Để lớp đất mặt lại để con cháu còn sản xuất lâu dài, đừng vì cái lợi nhỏ mà làm thiệt hại nguồn tài nguyên quý".
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương, Bộ môn Khoa học đất, Trường Đại học Đồng Tháp khẳng định, khai thác mất tầng sét, cấu trúc đất sẽ thay đổi, ảnh hưởng đến chất lượng đất và ảnh hưởng đến trạng thái sinh trưởng tự nhiên của cây trồng. Do lớp đất mặt ruộng chứa nhiều dinh dưỡng và vi sinh vật có lợi cho đất nên nếu mất đi lớp đất mặt đồng nghĩa với việc đất mất đi kháng thể. Khi bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, cây trồng dễ bị dịch bệnh tấn công. Cùng với đó, lượng phân bón bù đắp cũng tăng gấp đôi và có thể tạo độ phèn trong đất.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương phân tích: "Bán đi lớp đất mặt này phải một thời gian dài, với điều kiện canh tác hợp lý, phục hồi lại nguồn hữu cơ và cải tạo hợp lý đất mới có khả năng phục hồi như hiện trạng ban đầu. Như vậy, số tiền bán đất đi vài chục triệu mỗi công đất đầu tư cho 5 năm sau rõ ràng không bù đắp được gì”.
Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, đây là việc làm không khoa học, phá đi độ màu mỡ của đất. Nếu ruộng ở gần sông, lớp đất mặt là lớp phù sa nhưng đào sâu xuống từ 5 đến 8 tấc sẽ là lớp đất phèn. Còn nếu ở khu vực xa sông rạch, lớp phèn còn dễ nhận diện hơn khi lớp đất mặt bị đào chuyển đi khoảng chừng 2 tấc. Vì vậy, nếu không đào lớp đất mặt, lớp đất phía dưới chỉ là lớp đất phèn tiềm tàng. Còn nếu đào lớp đất mặt lên, lớp đất bên dưới sẽ là đất phèn thật sự. Bán đất mặt ruộng đồng nghĩa với việc phá đi sinh kế lâu dài. Ông Xuân nói: "Bề mặt của đất vùng ĐBSCL mình có thể giúp bà con trồng lúa, cây ăn trái được tốt nếu giữ lớp đất mặt. Còn nếu lấy lớp đất mặt đi thì đất còn lại rất xấu. Đây là điều không nên làm".
Trước tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các cấp tổ chức nhiều cuộc họp tìm các giải pháp để kiểm soát hoạt động trái phép này.
Ông Lư Phước Hiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Trà Vinh cho rằng: “Thời gian qua, hoạt động khai thác đất sét diễn ra phức tạp, các ngành chức năng trong tỉnh đã xử lý 90 trường hợp cả người bán lẫn người mua. Trong thời gian tới việc khai thác đất sét được cấp thẩm quyền cho phép và phải thực hiện nghiêm thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Riêng sở tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành để tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý theo quy định”.
Phải nhanh chóng quy hoạch và xác định khu vực có thể khai thác đất; cùng với đó, công kiểm tra, giám sát của ngành chức năng với những biện pháp xử lýý kiên quyết, mạnh tay đối với những cá nhân, tổ chức cố tình mua bán, khai thác đất trái phép. Chỉ có vậy, chúng ta mới giữ được nguồn tài nguyên quý đã và đang làm nên một ĐBSCL như hôm nay./.
Theo Thanh Tùng – Sa Oanh/VOV.VN