Đất nước ta đã trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, sau thời kỳ Hai Bà Trưng quá ngắn ngủi, sự nghiệp độc lập mà Lý Nam Đế tạo dựng dù không truyền được lâu dài như nhà Hậu Lý sau này nhưng vẫn có thể coi là to lớn. Cuộc đời và sự nghiệp của Lý Bí được sử sách ghi lại như những trang sử hào hùng nhất. Ông được thờ tự ở rất nhiều nơi. Tại đất Vĩnh Phúc người ta vẫn biết đến Hồ Điển Triệt là căn cứ chiến đấu cuối cùng của ông đây là nơi có nhiều dấu tích nhất của Lý Bí. Có một nơi thờ vị anh hùng dân tộc Lý Nam Đế thế kỷ VI cùng mẹ và vợ ông đó là cụm di tích Đình Mộ Đạo - Đình Bảo Đức - Đình Đại Phúc ở xã Đạo Đức - Bình Xuyên - Vĩnh Phúc.
Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí 5 tuổi thì cha mất; 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm đèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương, được Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương mời ra làm chức Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư hà khắc tàn bạo nên mất lòng người. Do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, Lý Bí bỏ quan, về quê, chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ. Khi chiêu mộ các hào kiệt qua sông Cà Lồ thì nhân dân làng Đông Lỗ, làng Mộ Đạo và làng Bảo Đức hăng hái giúp đỡ Ông để trừ bạo ngược.
Sau khi đánh đuổi được quân đô hộ năm 541, Lý Bí lên ngôi hoàng đế. Ông trọng thưởng cho dân Yên Lỗ, Mộ Đạo, Bảo Đức rất hậu, ban tặng vàng, lúa cho các bô lão, miễn sưu thuế cho dân, lại cho làng được mở lò đúc tiền và cho mẹ, vợ ông về đây trông coi vùng đất này. Vợ và con gái út của ông đã truyền đạt cho nhân dân trong vùng nhiều kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Để tưởng nhớ đến công lao của Lý Bí, mẹ và vợ ông nên nhân dân đã lập đền thờ ba người.
Đình Mộ Đạo còn gọi là đình Kếu thuộc thôn Mộ Đạo, xã Đạo Đức, nằm trên vị thế ven làng Kếu, địa thế cao; đình quay về hướng Đông, cách đường quốc lộ 2B hơn 500m, cách thị xã Phúc Yên 5km; mọi con đường vào đây đều thuận lợi. Đình Mộ Đạo được xây dựng khá sớm. Theo gia phả và truyện kể trong làng, khi Lý Bí mất dân làng tưởng nhớ đến công lao của ông nên lập đền thờ ông tại đây, về sau được chuyển vào thờ ở đình làm thành hoàng làng. Kiến trúc đình theo kiểu chữ Đinh, mặt bằng đại đình hình chữ nhật có hậu cung. Đình có tường lớn bao quanh, lối đi vào có tứ trụ được xây bằng gạch vôi, bổ ô trang trí theo đê tài tứ quý, tứ linh; trên đỉnh trụ có đắp hai con Phượng tạo dáng đẹp như ngọn bút tháp. Hai bên cổng chính phần giữa hai trụ được đắp nổi hình rồng, cuốn thư, phần dưới được trang trí hình voi, ngựa… rất sinh động. Cổng trụ mang những nét tiêu biểu cho mỹ thuật thời Nguyễn vừa trang nghiêm vừa uy quyền và đạt được trình độ thẩm mỹ cao. Bộ cửa thượng giường hạ bản đặc trưng cho đình làng thế kỷ 19. Đại đình gồm ba gian hai dĩ. Bộ mái đình lợp ngói mũi hài, mái có 4 đầu đao cong vút. Trên nóc đầu hồi có đắp nổi hình rồng, lân cách điệu đều mang những nét đặc trưng của thời Nguyễn. Đình Mộ Đạo có hậu cung là phần chuôi vồ ghép với đại đình. Thành hoàng được thờ ở gian giữa nối với hậu cung. Bàn thờ ở đây được làm lửng trên các cột. Về trang trí đình Mộ Đạo không vượt quá đề tài thường sử dụng ở thế kỷ trước và sau thế kỷ 19 đó là bộ tứ quý và tứ linh. Những hình rồng được đắp ở đây đã đạt tới trình độ cao về giá trị thẩm mỹ cũng như kỹ thuật, có sự uyển chuyển, uốn lượn cực kỳ sinh động. Đình Mộ Đạo có nhiều tác phẩm điêu khắc trang trí như Kẻ bảy, chạm kẻ bong, đề tài tứ linh với phong cách vượt khỏi bề mặt hình thành mảng riêng, hình rồng được diễn tả đầu vươn ra ngoài… Đầu dư đình Mộ Đạo có kệ đỡ, mang phong cách khác nhau đại diện cho các thời kỳ như thời Hậu Lê, thời Nguyễn. Hai bức trạm cốn nách cơ bản là hình rồng mang phong cách thời Lê. Ngoài ra còn có các bức trạm ở hậu cung và đại đình đều có giá trị cao về nghệ thuật. Đình Mộ Đạo là một di tích kiến trúc quý, mang đậm dấu ấn nghệ thuật của nhiều thời đại.
Nằm cách đình Mộ Đạo chừng 1km là đình Bảo Đức. Đình có kiến trúc hình chữ Nhị. Theo ngọc phả và những di vật còn lại thì đình Bảo Đức có niên đại xây dựng cách đây hơn 200 năm. Vào năm 1951-1952 đình trúng bom của thực dân Pháp nên bị sập, vào thời kỳ này có đơn vị bộ đội và chính quyền cách mạng tới đóng quân làm trụ sở hội họp. Đại đình được xây xung quanh cột trụ bắc qua hành lang, có một cửa ra vào, tường hậu đều có cửa thông vào với hậu cung. Hậu cung còn giữ được kiến trúc cơ bản của thế kỷ 19. Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như ngọc phả nêu sự tích, hành trạng của Lý Nam Đế và 7 đạo sắc phong: Sắc phong Gia Long năm thứ 9 (1811), sắc phong Minh Mệnh năm thứ hai (1822), sắc phong Thiệu Trị năm thứ 2 (1843)… Đáng chú ý nhất ở Đình Bảo Đức là vẫn còn bảo lưu bộ cửa võng rất có giá trị được tạo vào thế kỷ 19, sơn son thiếp vàng, tất cả các nét trạm đều tinh tế, đề tài chủ yếu là tứ linh và tứ quý. Ở các diềm khung là hình rồng uốn khúc ẩn hiện đan xen, hoa lá cách điệu. Ở hậu cung trạm khắc sơn son thiếp vàng tích “Cửu long tranh châu” đây là một tác phẩm đồ sộ, hình rồng được trạm khắc tỷ mỷ kỹ thuật cao với các tư thế cân đối tới từng chi tiết.
Đình Đại Phúc nằm trên một gò cao sát sông Cà Lồ. Đình vốn dĩ là một đình to và có niên đại sớm xưa kia nổi tiếng trong vùng. Do chiến tranh và thời gian tàn phá hiện nay đình còn một tòa hậu cung được vào đầu thế kỷ 19. Phần đình còn lại hiện nay chủ yếu của thời Nguyễn. Đầu năm 1933, đình được tu bổ chủ yếu bằng cách xây gạch xung quanh. Cột trụ ở ngoài đắp nổi hình tượng con phượng. Về trang trí nội thất đáng chú ý nhất là bộ cửa võng và những bức trạm là các tác phẩm điêu khắc, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, lấy đề tài tứ linh làm nội dung chính thể hiện. Các nghệ nhân xưa kia dựng đình và trang trí đã vượt qua được luật xa gần trong nghệ thuật tạo hình, đồ sộ về hình khối nhưng vẫn chặt chẽ về kiến trúc tôn giáo. Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: Tượng Lý Nam Đế bằng gỗ mít và long ngai sơn son thiếp vàng, một đôi ngựa gỗ, bốn cây đèn….
Lý Nam Đế vừa là vị vua, đồng thời là người có công lao gây dựng cho làng Đại Phúc và các cộng đồng làng xóm của khu vực này. Các cư dân ở xã Đạo Đức nhất mực tôn thờ người anh hùng dân tộc của buổi đầu dựng nước Vạn Xuân. Cụm di tích thờ Lý Bí là đã được bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1992, là điểm đến cho mỗi nhà nghiên cứu lịch sử và cho những ai muốn tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc từ buổi đầu dựng nước./.
ST