Việt Nam sẽ thành lập nhóm hành động, hoặc cán bộ thanh tra chuyên ngành, chuyên giám sát việc thực hiện môi trường không khói thuốc và thiết lập đường dây nóng phản ánh vi phạm.
Học sinh, sinh viên tham gia đạp xe diễu hành tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Thông tin trên được tiến sỹ Lokky Wai – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra tại buổi míttinh hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25/5-31/5), do Bộ Y tế tổ chức sáng 16/5, tại Hà Nội.
Vị đại diện của WHO cho hay, từ kết quả cuộc điều tra sử dụng thuốc lá của người trưởng thành năm 2015 có thể thẩy rõ tác động của các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù tỷ lệ hút thuốc chưa giảm đáng kể nhưng tình trạng tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà, nơi làm việc và nơi công cộng đã giảm một cách đáng kể tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ míttinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có ung thư phổi, ung thư vòm họng, phổi tắc nghẽn và nhồi máu cơ tim…
Đặc biệt, người nghiện thuốc có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5-10 lần so với người không hút. Đáng lưu ý hơn, hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến một mình người hút mà còn ảnh hưởng đến người hút thuốc lá thụ động.
Theo thống kê, Việt Nam là nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao trên thế giới. Bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, các sản phẩm như shisha, thuốc lá điện tử đang được các nhà sản xuất quảng cáo bằng nhiều hình thức để thu hút và duy trì hành vi hút thuốc trong giới trẻ.
Để huy động sự tham gia đông đảo của cộng đồng và sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày thế giới không không khói thuốc lá.
Tại Việt Nam, hưởng ứng ngày này, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia đã tổ chức tuần lễ quốc gia không thuốc lá ngày 25/5-31/5 với nhiều hoạt động như míttinh, diễu hành tuyên truyền trên các tuyến phố.
Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay, tỷ lệ người chết liên quan tới tác hại của thuốc lá cao hơn cả số người chết vì đại dịch HIV/AIDS, bệnh lao, tai nạn giao thông và những nguyên nhân khác.
Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.
Vì vậy, WHO cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp khuyến cáo trên./.
THÙY GIANG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/thanh-lap-nhom-thanh-tra-giam-sat-moi-truong-khong-khoi-thuoc-la/387898.vn