Táo bón là tình trạng bé giảm số lần đại tiện bình thường, kèm theo đi tiêu khó và đau do phân rắn hoặc quá to, hoặc khoảng cách hai lần đại tiện quá xa nhau.
Triệu chứng
• Bé biếng ăn, ăn không tiêu.
• Bụng chướng, đầy hơi, đau bụng.
• Sờ nắn bụng thấy những cục phân rắn.
Nguyên nhân
• Do ăn uống: Ăn chưa đủ số lượng, ăn ít chất xơ, chỉ ăn nước không ăn cái, pha sữa không đúng tỷ lệ, mẹ bị táo bón cho con bú.
• Do dùng thuốc: Hay gặp khi bé bị ốm phải dùng kháng sinh, hoặc thuốc ho có codein, viên sắt...
• Do tâm lý: Thường hay gặp ở bé đi mẫu giáo, do ngại xin phép cô hoặc sợ bẩn không đi đại tiện lâu dần thành thói quen gây táo bón.
• Do thể trạng: Suy dinh dưỡng.
• Bệnh ngoại khoa, tiêu hóa: Dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn.
Cách phòng chống
• Uống nhiều nước: Bé dưới 6 tháng nếu bị táo bón thì cho uống 100-200ml nước/ngày. Bé bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng uống 200-300ml nước/ngày. Từ 1-3 tuổi uống 500-600ml nước/ngày. Từ 3-5 tuổi uống 1.000ml nước/ngày.
• Ăn nhiều rau quả có tính nhuận tràng như: mồng tơi, khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi...
• Chọn sữa không gây táo bón: Bổ sung chất xơ, pha sữa với nước cháo loãng hoặc nước bột khoai lang nghiền (đối với bé nuôi sữa ngoài).
• Xoa bụng cho bé theo khung đại tràng từ phải sang trái, 3-4 lần/ngày giữa hai bữa để kích thích tăng nhu động ruột.
• Điều trị táo bón cho mẹ: Nếu mẹ bị táo bón khi cho con bú phải điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ.
Theo suckhoedoisong.vn