Cập nhật: 25/04/2025 10:05:00
Xem cỡ chữ

Sốt phát ban và sởi là hai bệnh lý rất dễ bị nhầm lẫn do có nhiều triệu chứng tương đồng khi khởi phát bệnh. Việc phát hiện, phân biệt đặc điểm của phát ban do sởi và phát ban thông thường rất quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc trẻ mắc sởi, đồng thời làm giảm đáng kể những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi.

Cách phân biệt phát ban do sởi và phát ban thông thường

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ paramyxovirus gây ra. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh qua giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi, nói chuyện,…. Đôi khi bệnh có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của người bệnh.

Một ca bệnh sởi có thể lây cho 12-18 người, với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong.

Sởi có tính lây truyền cao và chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi khi tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu đạt trên 95%.

Thực hư chuyện sốt phát ban kiêng gió không?

Phát ban do sởi là ban xuất hiện theo trình tự: sau tai, gáy, trán, mặt, thân mình, chân.

Sốt phát ban và sởi là hai bệnh lý rất dễ bị nhầm lẫn do có nhiều triệu chứng tương đồng khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt phát ban do sởi và phát ban thông thường bằng các dấu hiệu nhận biết sau:

  • Phát ban do sởi:

Ban xuất hiện theo trình tự: sau tai, gáy, trán, mặt, thân mình, chân.

Ban dạng dát sẩn, gồ lên mặt da, màu đỏ tía.

Khi lặn sẽ để lại những vết thâm, hay còn gọi là "vằn da hổ".

  • Phát ban thông thường:

Ban nổi đồng loạt khắp cơ thể.

Ban mịn, ít sần sùi trên mặt da, nốt ban đỏ và sáng.

Sau khi lặn thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh

Tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ cao mắc sởi là:

Trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin.

Trẻ đã tiêm vắc xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.

Người lớn chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vắc xin trước đây.

Triệu chứng điển hình khi mắc sởi

Bệnh sởi thường diễn biến qua 04 giai đoạn:

  • Giai đoạn ủ bệnh

Kéo dài từ 7 đến 21 ngày, trung bình là 10 – 14 ngày.

  • Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): 2-4 ngày

– Sốt cao: sốt liên tục ≥ 39 độ C.

– Viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc

Viêm kết mạc, mắt đỏ có gỉ mắt hoặc sưng nề mí mắt.

Chảy nước mũi, hắt hơi.

Ho, ho nhiều, khàn tiếng.

– Hạt Koplik: xuất hiện trong ngày sốt thứ 2 – 3, là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

  • Giai đoạn toàn phát: xuất hiện ban

Thứ tự ban mọc: sau tai, gáy, trán, mặt, thân mình, chân.

Đặc điểm ban: không ngứa, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì mất.

  • Giai đoạn lui bệnh

Ban nhạt màu dần rồi chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện.

Cách phòng bệnh sởi

  • Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất

  • Thực hiện đồng thời các biện pháp khác để phòng bệnh như:

  • Đeo khẩu trang cho trẻ ở nơi đông người.

  • Vệ sinh tay thường xuyên.

  • Che miệng khi ho.

  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ nhằm tăng sức đề kháng.

  • Cách ly trẻ mắc bệnh sởi, tránh tập trung nơi đông người khi có dịch.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn điều trị kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/cach-phan-biet-phat-ban-do-soi-va-phat-ban-thong-thuong-169250421111453284.htm