Vĩnh Yên là thành phố trẻ của tỉnh Vĩnh Phúc đang phát triển theo hướng công nghiệp.
Vẻ đẹp của Vĩnh Yên được biết đến ngày hôm nay là vẻ đẹp của một thành phố công nghiệp trẻ với những nhà cao tầng, các khu hành chính, khu công nghiệp đựoc thiểt kế và quy hoạch một cách gọn gàng và hiện đại. Bên cạnh một Vĩnh Yên sôi động, hiện đại và ồn ào thì vẫn có địa danh, những không gian khiến chúng ta sống chậm lại, chúng ta được thả hồn để cảm nhận được giá trị và vẻ đẹp của mẹ thiên nhiên. Tất cả những điều đó có thể dễ dàng cảm nhận được khi các bạn đặt chân tới khu vườn sinh vật cảnh của đại gia “Phiến cá” trên trục đường Hai Bà Trưng, Thành phố Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc. Được ví như một “ Viên ngọc sinh thái” của Thành phố Vĩnh Yên, nơi đây là sự thể hiện một cách tinh tế nhất các giá trị về văn hoá cổ truyền của dân tộc.
Nằm uốn lượn trên hồ Bảo Sơn giữa trung tâm thành thành phố Vĩnh Yên, khu vườn ẩn dấu vẻ đẹp lung linh của mình qua hàng dào bao quanh của khuôn viên “ Quán cá Bờ Sông II”. Bước chân vào nhà hàng, dành thời gian nhâm nhi một chén trà, nguời viết cảm thấy rất rõ sự thay đổi trong tâm hồn của mình. Đó là một cảm giác nhẹ nhõm, tĩnh lặng và thư thái đến lạ thường. Những làn gió mát thoảng qua, những tiếng ríu rít của lũ chim sẻ, những tiếng kêu quàng quạc của những đàn vịt thi thoảng lại vang lên trong không gian ấy, khiến tâm hồn ta trở nên vui vẻ, con tim ta nhẹ nhàng cất lên những tiếng ca hân hoan yêu đời. Có lẽ đó không chỉ là cảm xúc riêng của người viết mà sẽ là của tất cả các thực khách từng có dịp đăt chân tới nơi đây.
Được biết, mô hình nhà hàng được thiết kế từ ý tưởng một nhà hàng sinh thái kiểu Pháp. Đây là mô hình bài trí sinh vật cảnh mà gia chủ học đựơc khi có dịp sang Pháp theo lời mời của hãng Cocacola. Vẻ đẹp của khuôn viên nhà hàng là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp hiện đại của ba không gian nhà hàng chính với lối kiến trúc đẹp mắt và độc đáo, đang nghiêng mình khoe dáng trong bóng nước lung linh thơ mộng bên Hồ Bảo Sơn mềm mại và vẻ đẹp tinh tế của các loại cây cảnh được trưng bày trong khuôn viên nhà hàng. Với diện tích 5 ha đất trồng và khoảng 10ha mặt nước, cả khu vườn là một bộ sưu tập hoàn hảo gồm gần 5000 cây cảnh với đủ chủng loại, kích cỡ, độ tuổi, thế giáng và giá trị. 5000 cây cảnh là 5000 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đơn sơ có, tỉ mỉ có, mộc mạc có, cầu kì có. Chúng chính là sự kết tinh của lao động nghệ thuật sáng tạo của bàn tay, khối óc tuyệt vời của những nghệ nhân chơi cây. Những thế giáng của cây chính là tâm hồn của người chăm sóc, tạo giáng cho nó, đồng thời những cách tạo hình đặc sắc ấy còn gắn liền với những nét văn hoá dân tộc và nghệ thuật á Đông truyền thống.
Theo tôi được biết, sân cảnh của những nghệ nhân đầy tâm huyết với nghệ thuật chấp nhận từ 10 – 20 năm để hoàn chỉnh một cây thế với những nguyên tắc tạo hình tỷ mỷ và nghiêm ngặt. Gây dựng một chậu cây cảnh lâu năm không phải dễ dàng ai cũng làm được, huống hồ là cả một vườn cảnh. Mỗi người có cách cảm nhận khác nhau và vì thế bồn cảnh cũng có những kiếu dáng khác nhau. Người lớn tuổi, tính tình mô phạm, thích kiếu dáng chịu ảnh hưởng của nho giáo, thể hiện những thế cây: Phúc - Lộc – Thọ, ngũ phúc, phu tử, mẫu tử, huynh đệ, bằng hữu... Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây hoành, thế cây nằm ngang hoặc trễ đổ xuống như dòng thác. Vậy mà, ở nơi đây, không thiếu bất kì một thế giáng cây cảnh nào cả. Toàn bộ khu vườn là một bức tranh hoàn thiện minh chứng cho sức sáng tạo tuyệt vời, lòng yêu thiên nhiên và tinh thần gìn giữ văn hoá truyền thống và bảo vệ thiên nhiên môi trường của gia chủ.
Được hỏi tại sao lại xây dựng nhà hàng theo mô hình sinh thái như vậy, ông chỉ trả lời ngắn gọn “ Tất cả chỉ vì chữ “ Tình”, rồi lí giải. Tôi rất yêu sinh vật cảnh. Tình yêu này không chỉ đơn giản là tình yêu của riêng tôi mà còn là tình yêu dành cho đất nước, quê hương. Yêu sinh vật cảnh có nghĩa là yêu những nét văn hóa, nghệ thuật á Đông truyền thống”. Ông tiếp tục giải đáp rằng “ Làm cây cảnh không thể kiếm ra được nhiều tiền ngay. Nó đòi hỏi con người sự kiên trì, nhẫn nại, chịu thương chịu khó. Cái quí nhất là những đức tính mà nghề dèn giũa cho mình và hiểu các giá trị về văn hóa, về môi trường mà cái nghề này mang lại. Như thế thì mới làm được nghề và thành công được”. Hơn nữa “nghề sinh vật cảnh phù hợp với mọi người, mọi lứa tuổi, chỉ cần có tâm là đủ. Thu hút và đào tạo được càng nhiều người làm nghề này đặc biệt là thanh niên trẻ tuổi, góp phần tạo công ăn việc làm, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, mang lại sự yên bình cho xã hội, cũng là tâm nguyện của tôi để trả nợ cái chữ “ Tình” rất lớn mà chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đã dành cho tôi.”. Lắng nghe những điều này, bản thân người viết cũng không khỏi xúc động và hiểu rất sâu sắc về chữ “ tình” mà ông đề cập. Tự lòng mình, người viết cảm thấy câu nói “ Trái ngọt luôn dành cho người có “tâm” thật đúng!
Có thể nói, với một thành phố đang phát triển theo hướng Công nghiệp như Vĩnh Yên, thì Khu vườn của Đại gia “ Phiến Cá” như là một “ viên ngọc sinh thái” mang lại vẻ đẹp đầy sức sống,thơ mộng cho thành phố. Trong tương lai gần, khuôn viên “Quán cá Bờ Sông II” sẽ được gia chủ quy hoạch lại thành khu du lịch sinh thái công viên bách thảo của Thành phố Vĩnh Yên. Đây hứa hẹn sẽ là khu du lịch hấp dẫn, điểm đến lí tưởng của du khách gần xa khi đến với Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc. Hy vọng với sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương cùng với sự tận tâm của gia chủ, khu vườn được kỳ vọng sẽ trở thành nét nổi bật của Vĩnh Yên không chỉ về các giá trị về kinh tế, mà còn về môi trường sinh thái và văn hóa dân tộc./.
ST