Cập nhật: 03/06/2016 08:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở nhiều làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay đều có điện thờ Mẫu. Tuy nhiên, nhìn chung có 3 dạng thức thờ tự:

- Điện Mẫu công đồng ở các làng xã chủ yếu là thờ tượng.

- Điện Mẫu riêng của tư gia. Chung quy là điện của các ông đồng, bà đồng, chủ yếu thờ tranh (tranh vẽ theo lối tranh thờ, phố Hàng Trống - Hà Nội).

- Điện Mẫu kí gửi vào chùa, tạo nên một mô hình thờ tự “tiền Phật, hậu Mẫu”, chủ yếu xuất hiện nửa sau thế kỉ XVII. Cùng một số điện Mẫu xâm nhập vào thần điện các ngôi đền thờ Nữ thần, Mẫu thần... của những năm gần đây.

Dưới đây là các khảo sát điển hình.

điện Mẫu công đồng ở làng xã Vĩnh Phúc

Đó là các điện Mẫu do làng bỏ tiền để xây dựng. Các điện Mẫu xưa, xây dựng từ trước năm 1945 phần nhiều đều không còn. Có 2 nguyên nhân cơ bản.

Một là: Do công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), các điện Mẫu đều bị tiêu huỷ cùng một số các di tích đền miếu khác.

Hai là: Do những năm sau hoà bình lập lại (1954), những vấn đề thuộc về tín ngưỡng Mẫu Tứ Phủ chưa được hiểu đúng, các di tích thờ Mẫu không được tu sửa, tôn tạo, nên cũng tự huỷ hoại theo thời gian.

Ngày nay, sau những thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ được hiểu như một tín ngưỡng dân gian, nên nhiều làng xã bắt đầu thực hiện công cuộc phục hưng các điện Mẫu.

Các điện Mẫu mới được xây dựng, trên cơ sở của nền móng cũ.

Điện Mẫu làng Phú Hậu

Toạ lạc bên bờ hữu sông Đáy, ở điểm giao cắt giữa sông Đáy và đường liên huyện Lập Thạch - Vĩnh Tường dọc theo làng Phú Hậu.

Trước năm 1945, nơi đây có ngôi miếu nhỏ, thờ hai vị hàng Cô, nhân dân vẫn thường gọi là miếu Đôi Cô (miếu Hai Cô). Theo lời kể của già làng thì Hai Cô đều là con gái của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nên còn gọi là miếu thờ nhị vị Vương Cô.

Trong Đạo Mẫu, đức thánh Trần Hưng Đạo là vị thống soái của phủ triều Trần (sẽ trình bày ở mục sau). Trong phủ Trần có linh tượng Trần Hưng Đạo và hai bên là tượng hai cô con gái. Chính vì vậy, từ một ngôi miếu có liên quan đến Đạo Mẫu, nhân dân làng Phú Hậu đã đóng góp nâng cấp lên thành một điện Mẫu nguy nga tráng lệ vào năm 2002. Cũng có ý kiến lí giải hai cô thờ trong miếu là Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái của vua Hùng Duệ Vương đời thứ 18 triều Hùng.

Về thiết chế thờ tự, thấy có:

- Hàng trên cùng: Một pho tượng Phật Bà Quan Thế âm Bồ tát.

- Hàng thứ hai: Có 3 pho tượng Mẫu.

Pho ở giữa là Mẫu Thượng Thiên.

Pho bên trái là Mẫu Thoải.

Pho bên phải là Mẫu Thượng Ngàn.

- Hàng thứ ba: Là hai pho tượng nữ, vấn khăn ngang, không có khăn trùm đầu. Mặc áo dài hở cổ, thêm nẹp viền lớn dưới cổ áo, đó là hình tượng Vương cô, con gái của Hưng Đạo Vương (1) (cũng có thể là sự hồi cố về 2 con gái của vua Hùng Duệ Vương).

- Hàng thứ tư là hàng các quan, gồm có 5 pho tượng Nam, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc triều phục. Mỗi vị có áo mang sắc mầu khác nhau, theo về với phủ Mẫu. Gọi là “Ngũ vị tôn quan” hay “ngũ vị tôn ông”. Theo thứ tự từ trái sang phải, có:

Quan Đệ Nhị thuộc về Nhạc Phủ.

Quan Đệ Tứ thuộc về Địa Phủ.

Quan Đệ Nhất thuộc về Thiên Phủ.

Quan Đệ Tam thuộc về Thoải Phủ.

Quan Đệ Ngũ, có tên là Quan lớn Tuần Tranh, mặc áo tím, chức năng là quan khâm sai Tứ Phủ.

- Hàng thứ năm là 2 vị ông Hoàng, đầu đội khăn xếp.

ông Hoàng Bẩy, mặc áo xanh, khăn xếp màu xanh, thuộc Nhạc Phủ.

ông Hoàng Mười, mặc áo vàng, khăn xếp màu vàng thuộc về Địa Phủ.

Dưới hàng các ông Hoàng (ông Bẩy và ông Mười) là tượng hàng Cậu:

Cậu Bé mặc áo đỏ, thuộc về Thiên Phủ (Cậu Bé Thiên).

Cậu Bé mặc áo xanh, thuộc về Nhạc Phủ (Cậu Bé Ngàn).

Bên phải ban chính điện, còn có một ban tượng thờ. Có một pho tượng nam mặc triều phục mầu đỏ, bên dưới phía trước có 2 pho tượng nữ đứng chầu, có thể là con gái của Trần Hưng Đạo, đó là ban Trần Triều.

Bên trái ban chính điện, có một toà (hoặc động) Sơn Trang, gắn với Nhạc Phủ, tái hiện những cảnh sinh hoạt miền núi, trong đó chủ yếu là của chúa động, và các cô nàng. Có tới 12 cô nàng, khăn xanh có 2 múi trên đầu. Tầng không có bức hoành 4 chữ: Mẫu Nghi Thiên Hạ, và đôi rắn thần, hình tượng của Thanh xà đại tướng, Bạch xà đại quan. Và các nón có 3 loại: Nón Mẫu (hình tròn), nón chúa (hình bầu dục) và nón Tứ phủ (còn gọi là nón Dùm) có nhiều tầng.

ST

Tệp đính kèm