Cập nhật: 03/06/2016 08:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời nguyên thuỷ, cuộc sống con người dựa vào nguồn cung cấp sẵn có của thiên nhiên bằng săn bắt, hái lượm.

ảnh minh họa

Những cuộc săn bắt tập thể của mỗi cộng đồng là hình thái duy nhất đảm bảo cuộc sống, đảm bảo cho sự sinh tồn.

Dựa vào thiên nhiên để sống, nhưng thiên nhiên lại là lực lượng thần bí, và những thay đổi thời tiết, khí hậu khiến con người luôn luôn lo lắng hoảng sợ. Cho rằng đó là có sự chi phối của một đấng tối linh, và như vậy cùng với sự xuất hiện tín ngưỡng nói chung, những tín ngưỡng về săn bắt cũng được hình thành.

Trước hết là lễ cúng “mở cửa rừng” ở miền núi, và ở miền đồng bằng châu thổ là các hội lễ mở đầu của các cuộc săn bắt tập thể, để cầu cho sự thắng lợi thành công.

Nhiều trăm năm đã qua, khi con người thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên đến khai thác miền đồng bằng Vĩnh Phúc, thì công việc săn bắt, hái lượm và cấy trồng cây lúa nước cùng đến với các nghi lễ sùng bái tự nhiên. Đến thế kỷ XX (ít ra là trước năm 1945) đã trở thành tục lệ, và còn diễn ra ở một số làng xã của các huyện Lập Thạch, Vĩnh Tường.

Hội săn cuốc:

ở những nơi đây, đồng lúa đã thay thế cho đồng hoang với sự phát triển mạnh mẽ của nền văn minh nông nghiệp, cây lúa nước. Con thú hoang đối tượng của các cuộc săn bắt đã mất dần môi trường tồn tại, và con chim cuốc được thay thế bởi ý nghĩa nhân văn cao cả của nó. Chim cuốc còn gọi là chim Đỗ Quyên. Người xưa thường nói: “Tiếng quên gọi hè” trong câu thơ cổ:

“Ai xui con cuốc gọi vào hè

Cái nóng nung người nóng nóng ghê…”

Con cuốc đã thay thế vị trí cho con thú dùng trong các nghi lễ về săn bắt, còn bởi con cuốc thuộc loài chim có môi sinh ở tầm thấp, con cuốc phần nhiều dùng đôi chân để chạy hơn đôi cánh để bay. Thường có câu thành ngữ “lủi như cuốc” vì chân con cuốc cao, các ngón chân mạnh, nhanh, dễ luồn dưới các bụi cây gai góc, đặc biệt chỉ bay được ở tầm thấp và đường bay rất ngắn. Chim cuốc lại hay tìm ăn ở bờ ruộng lúa, lủi trong ruộng lúa, ăn sâu bọ và ngũ cốc, bởi vậy người làm ruộng xếp chim cuốc vào loại chim có hại. Lại nữa, mùa xuân là mùa chim cuốc sinh sản, nên họ mới tổ chức săn bắt. Những cuộc đi săn, thường được mở đầu bằng cuộc tế thần và những ngày đó, ở làng xã là những ngày hội lễ.

Làng Huy Ngạc, nay thuộc thị trấn huyện Vĩnh Tường có lệ săn cuốc vào ngày mùng 4 tháng Giêng, tức là chỉ sau 3 ngày Tết Cả.

Sau cuộc tế lễ ở đình, cả làng hò reo, đánh trống mõ, lùng sục khắp đồng ruộng, ngõ xóm, bờ ao, bụi tre để tìm bắt. Làng có phần thưởng cho người bắt được chim cuốc.

Làng Thượng Lạp, nay thuộc xã Tân Tiến huyện Vĩnh Tường mở hội lễ tế thần từ ngày mùng 4 đến ngày 10 tháng Giêng.

Ngày 10, làng chọn 12 người tộc biểu (người thay mặt cho một dòng họ) mà gia đình không có tang chế để đi săn cuốc, trong số đó, có một người gõ chiêng…

Các tục hội săn bắt này mang ý nghĩa cầu chúc cho sự may mắn, thịnh vượng trong cả năm, là tàn dư của lễ tục săn bắt thời nguyên thuỷ.

Cùng với các tục hội vật bò, đuổi bắt lợn để làm thịt dâng lễ tế thần, các hội tục săn bắt là các di sản văn hoá tinh thần cộng đồng làng minh chứng cho một thời hồng hoang khai thác thiên nhiên của viễn tổ người Vĩnh Phúc hiện tại. Đó là sự nội sinh của lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc với tuổi trường tồn ít ra cũng có vài nghìn năm.

Trong điều kiện của môi trường sinh thái hiện đại, những tục hội như thế này không thể thực hiện, mà chỉ còn lưu giữ như một huyền tích về thời sơ sử.

Hội đánh cá:

Săn bắt, hái lượm là phương thức thu nhập của người tiền sử. Trong điều kiện tự nhiên của vùng đất ngập nước Vĩnh Phúc, lợi dụng vào vị thế tự nhiên khai thác thủy sản là nguồn lợi nuôi sống con người. Đó cũng là một phương thức săn bắt.

Trong các di chỉ khảo cổ lớn ở Vĩnh Phúc, lẫn trong các tầng văn hoá, còn sót các loại vỏ ốc, xương cá… chứng tỏ cư dân Vĩnh Phúc đã dùng đồ thuỷ sản vào bữa ăn hàng ngày. Đánh bắt cá là phổ biến và nguyên thuỷ.

Tuy nhiên, từ trong cuộc sống cộng đồng, đánh cá cũng đã trở thành nghi lễ: Đánh cá thờ.

Tục truyền hội này là sự tái hiện hình thức nghi lễ sự tích cuộc chiến giữa Sơn Tinh (các chàng trai làng) với các loài thuỷ tộc, quân của Thuỷ Tinh xưa kia.

ở Vĩnh Phúc, hội đánh cá thờ trước hết có ở các làng thờ thánh Tản Viên (Sơn Tinh). Sách “Lĩnh nam chích quái” chép về vị thần ở núi Tản Viên: Đôi lúc rong chơi trên sông tiểu Hoàng Giang xem đánh cá. Phàm đi qua các làng xóm đều dựng điện để nghỉ ngơi. Về sau nhân dân theo dấu vết đó mà lập đền miếu để thờ cúng. Làng Thượng Yên, xã Đồng Thịnh thờ Tản Viên Sơn thánh, có tục mở hội đánh cá vào tháng 9 hàng năm ở xứ đồng Nộc trước cửa đền thờ thánh Tản Viên, diện tích mặt nước tới hơn 5 mẫu Bắc bộ.

Cá đánh của ngày đầu tiên, chọn lấy con cá chép to nhất, lấy gắp tre cặp dọc đem nướng, rồi đem hiến lễ, gọi là “cá kính”, những ngày làng tổ chức đánh cá gọi là “hội đánh cá kính”. Con cá nướng cũng là thực đơn đầu tiên khi thức ăn có món cá.

Từ ngày thứ 2, dân hàng tổng, hàng huyện mới được tự do xuống đánh cá.

Điều rất đáng lưu ý là, trước ngày làng Thượng Yên tổ chức “đánh cá kính”, mọi người không ai dám đặt chân xuống đồng. Nên ngày người làng đánh cá trở nên rất thiêng liêng, người ngoài làng không ai dám tham dự.

Cũng ở hai làng Yên Tĩnh (Kẻ ơn) - Thượng Yên (Kẻ Nộc) có hai cái hồ lớn - một cái rộng 9 mẫu 2 sào (Bắc bộ) gọi là hồ trên, một cái rôùng 5 mẫu 5 sào gọi là hồ dưới thuộc kẻ Nộc, đều là dòng chết của sông Lô xưa, có một huyền thoại:

Khu vực đất mấy làng này có hình thế hai con rồng, đều chầu về núi Tản Viên. Một con rồng có đầu ở đồi Ba Ngai xứ đồng Vang, làng Đức Bác, đuôi ở xứ Ba Bậc trên đường ra xã Tứ Yên. Một con rồng có đầu ở chính ngôi đền Tản Viên làng Thượng Yên, đuôi ở xứ đồng Ba xã làng Xuân Lôi (kẻ Lối).

Để đánh Tản Viên, Thuỷ Tinh tạo ra một dòng sông mới từ làng Then (xã Tam Sơn) chảy về cống cầu Mai xã Cao Phong, triệt mạch rồng. Thuỷ Tinh biến hoá thành con cá chép khổng lồ, dâng nước định đào sông để cắt địa thế, chia tách mỗi con một nơi, ngăn cách làm hai, Tản Viên biết việc ấy, mới biến hoá thành con gà trống đứng lên trên cây bàng cất tiếng gáy. Thấy vậy, gà của các làng cất tiếng gáy theo, râm ran cả vùng.

Thuỷ Tinh tưởng trời sắp sáng, sợ lộ việc mới quẫy mạnh một cái, quay đầu trở ra thành cái hồ lớn làng Yên Tĩnh (nay gọi là hồ ơn). Lại quay đầu ra, quẫy mạnh một cái nữa, thành cái hồ nhỏ (gọi là hồ Nộc).

Vậy trái quẫy một cái, làm thành giếng Ao, rộng tới nửa sào bắc bộ - nước giếng này không bao giờ cạn.

Đêm ấy có giông tố, sáng ra, dân làng Thượng Yên ra đồng thấy có hòm sắc Tản Viên nổi lên, bèn lập đền thờ ngay chỗ ấy.

Bởi vậy ở các di tích thờ cúng Tản Viên huyện Lập Thạch, ngày lễ rước, mọi người mang theo cơm nắm và một con cá chép nướng cặp dọc gắp để ăn bữa trưa, gọi là “tiệc cơm nắm” như hai làng Quế Nham - Quế Trạo xã Đồng Quế.

Làng Vĩnh Mỗ thuộc thị trấn huyện Yên Lạc có lệ đánh cá thờ, mở vào ngày mùng 8 tháng giêng hàng năm.

Cá đánh ở Ao Náu bên xứ gò Đậu - dân làng chọn con to nhất dâng cúng sứ quân Nguyễn Khắc Khoan là Thành hoàng của làng.

Phả lục đền Nguyễn Gia Loan (đền thờ Nguyễn Sứ Quân) chép: “Trước doanh trại của ông (nay là gò chùa Biện) có một khu đồng. ông thường tích nước thả cá. Hàng năm cứ đến ngày mùng 8 tháng Giêng đầu xuân là ngày sinh nhật ông. ông mời bô lão trong xóm ấp, sai quân đánh cá, thiết tiệc mừng xuân. Đêm đến lại dâng bày hoa quả bánh trái, mừng vui tưởng niệm công đức cù lao của cha mẹ để lại. Ngày hôm sau lại mổ bò giết trâu, mời phường múa hát, cùng với nhân dân mở hội mừng xuân”. (Trích dịch ngọc phả còn ở đền Gia Loan).

Về lễ hội này chỉ còn lễ tế. Lời khai của viên Lý trưởng và Phó Lý làng Vĩnh Mỗ ngày mùng 8 tháng 4 năm 1939, ghi:

“Hội vào ngày mùng 8 tháng Giêng, thời 4 thôn cùng đến miếu chính cúng tế. Không có trò vè gì cả”. Như vậy chỉ còn có lễ, mà không mở hội. Duy đánh cá thờ thì vẫn còn đến năm 1945.

4 thôn của Vĩnh Mô là: Đông Thôn, Trung Thôn, Đoài Thôn và thôn Tiên Tông, nay đều thuộc thị trấn huyện Yên Lạc.

Hội đánh cá đầm Vạc:

Hội được tổ chức trong 3 ngày. Khởi từ ngày 13 đến 15 tháng 10.

Nội dung của hội là:

“Quý tư mỗi năm một lần

Lễ tiệc “Cầu cá” nhân dân cúng thờ

Người thầu đầm Vạc phải lo

Năm mươi cân chép béo to đủ đầy.

Làm gỏi cá sống dâng bày.

Nhân dân cúng lễ, cầu may cá nhiều”

Gỏi cá dâng cúng ở đền Trinh Uyển toạ bên bờ đầm.

ST

Tệp đính kèm