Cập nhật: 07/06/2016 09:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc. Có những lần Bác về được báo trước, có lần Bác về đột xuất, lại có những lần Bác đi công tác ngang qua nhưng dành một phần thời gian để nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được vinh dự đón Người về thăm nhiều nhất.

Từ năm 1945 đến năm 1963, Bác đã 9 lần về thăm Vĩnh Phúc. Ngày 25-8-1945, trên đường từ Chiến khu giải phóng Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ về thăm cán bộ, đảng viên huyện Đa Phúc (Thời kỳ này Đa Phúc thuộc tỉnh Phúc Yên); Bác đã chỉ dẫn nhiều vấn đề quan trọng đối với cán bộ lãnh đạo huyện sau khi nhân dân nắm được chính quyền. Ngày 19/5/1955, Bác lên thăm công trường xây dựng lại khu nghỉ mát Tam Đảo. Ngày 12/2/1956 (tức ngày mồng 1 Tết năm Bính Thân), Bác Hồ về thăm và chúc Tết nhân dân thôn Yên Định, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (Đây là nơi có nhiều thành tích trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược). Ngày 21/1/1958, Bác Hồ về thăm, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đông Anh chống hạn cứu lúa. (Thời kỳ này huyện Đông Anh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Ngày 30/3/1958, Bác Hồ về thăm cán bộ và xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, xã Cộng Hoà, huyện Tam Dương (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên); Hợp tác xã đã quản lý và điều hành sản xuất tốt nên phát huy được tác dụng cung cách làm ăn tập thể. Ngày 21/12/1958, Bác Hồ về thăm thị xã Phúc Yên, thăm các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc, thăm một đơn vị quân đội đóng tại Thành Trắng, thăm lớp tập huấn bồi dưỡng chủ nhiệm và kế toán hợp tác xã nông nghiệp. Ngày 25/1/1961, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Đây là hợp tác xã có nhiều thành tích trong phong trào trồng cây, trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh và toàn miền Bắc. Ngày 2/3/1963, Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đã có thành tích xuất sắc trong việc chống hạn, bảo đảm thắng lợi vụ sản xuất Đông Xuân năm 1963. Ngày 16/7/1963, Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với Đại hội Đại biểu lần thứ III Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tại thị xã Vĩnh Yên. Ngày nay, một số địa danh đã không còn thuộc Vĩnh Phúc do sự thay đổi về địa giới hành chính nhưng các địa danh tiêu biểu thì vẫn nằm trên địa bàn của tỉnh. vì vậy bài viết sẽ không đề cập đến các địa danh mà nay không còn thuộc tỉnh nữa. Chúng ta sẽ cũng nhau khám phá, tìm hiểu các dấu mốc lịch sử quan trọng gắn liền với những sự kiện mà Vĩnh Phúc vinh dự được đón Bác về thăm. Bài viết sẽ dẫn dắt chúng ta đi theo từng mốc sự kiện theo thời gian để người đọc hiểu và cảm nhận.

 

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH THĂM CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG LẠI KHU NGHỈ MÁT TAM ĐẢO NGÀY 19/5/1955

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình theo chân Bác đó là Tam Đảo. Nơi đây vinh dự được nhiều lần Bác lên thăm, làm việc và nghỉ ngơi. Đó là vào các ngày 19/5/1955, 16/7/1963, 27/7/1968. Tam Đảo là khu nghỉ mát được người Pháp phát hiện vào năm 1904. Đến năm 1906 bắt đầu xây dựng, lúc đó gọi là “Trạm nghỉ mát mùa hè Tam Đảo” nhằm phục vụ cho những quan chức người Âu ở Bắc Kỳ. Việc xây dựng trạm nghỉ mát có nhiều khó khăn, phần vì địa hình nhưng lý do chính là khó khăn về tài chính. Đến 1912, công việc xây dựng mới được tiến hành mạnh hơn và năm 1913 đã khai trương một khách sạn đầu tiên gồm 16 buồng. Phải mất trên 30 năm xây dựng, khu nghỉ mát Tam Đảo mới cơ bản hoàn thành gồm gần 200 biệt thự lớn, nhỏ của tư nhân, khách sạn, nhà hàng, trạm bưu điện, nhà thờ, khu vui chơi, đường dạo, đồn binh và các hạ tầng như điện, nước, đường lên, xuống.  Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Vĩnh Phúc đã tiêu thổ kháng chiến từ năm 1947- 1949. Trong thời kỳ này, Tam Đảo đã bị phá trụi, trở nên hoang tàn. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954), đầu năm 1955, Chính phủ đã giao nhiệm vụ tái thiết Khu nghỉ mát Tam Đảo cho Bộ Kiến trúc đảm nhiệm. Ngay từ mùa xuân 1955, hàng trăm lao động đã tới Tam Đảo để bắt đầu nhiệm vụ nặng nề là làm sống lại nơi nghỉ dưỡng mà người Pháp đã mất gần 40 năm đầu tư cùng hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đổ mồ hôi, công sức và cả máu để tạo dựng nên. Thật bất ngờ và xúc động, đúng ngày sinh lần thứ 65 của Người, Bác đã lên thăm Tam Đảo. Đây là lần đầu tiên Người đến thăm, kiểm tra, động viên cán bộ, công nhân viên đang ngày đêm hàn gắn vết thương chiến tranh trên vùng đất Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Nơi Bác đến là công trình phục vụ chuyên gia các nước XHCN anh em (đã giúp ta xây dựng nền công nghiệp tại miền Bắc) sẽ lên nghỉ mát cuối tuần. Người ân cần thăm hỏi, động viên anh chị em kỹ sư, cán bộ, công nhân đang thi công trên công trường sẽ làm sống lại vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh. Và đúng như những lời người dặn dò, Tam Đảo ngày nay đã trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh, với nhiều khách sạn lớn nhỏ phục vụ hàng vạn lượt khách du lịch mỗi năm. Tam Đảo ngày nay vẫn đang tiếp tục phát triển để xứng đáng với những lời căn dặn của Người.

  

BÁC HỒ ÂN CẦN THĂM HỎI NHÂN DÂN XÃ TÂN PHONG TRONG NGÀY NGƯỜI VỀ THĂM 12/2/1956

Điểm đến tiếp theo cũng là lần thứ 2 Bác về thăm Vĩnh Phúc là thôn Yên Định, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên. Xã Tân Phong nằm ở phía Nam của huyện Bình Xuyên, có đường tỉnh lộ 303 chạy qua nối với quốc lộ 2. Trước đây Tân Phong là xã nghèo, thuần nông nên còn gặp nhiều khó khăn. Nhân dân nơi đây giàu lòng yêu nước; tháng 2/1942, Tân Phong đã xây dựng được mặt trận Việt Minh làm lòng cốt lãnh đạo phong trào quần chúng. Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công chưa bao lâu thì cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, nhân dân Tân Phong lại cùng quân dân toàn tỉnh xây dựng lực lượng chiến đấu chống kẻ thù. Kết thúc thắng lợi, nhân dân Tân Phong tập trung vào xây dựng sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh và hoàn thành cải cách ruộng đất đạt thành tích xuất sắc, trở thành điển hình tiên tiến của huyện Bình Xuyên. Nhờ những đóng góp và thành quả lao động đã đạt được, Tân Phong đã được Bác Hồ về thăm và chúc Tết đúng vào ngày mùng Một Tết Bính Thân 12/2/1956; Yên Định là xóm vinh dự được đón Bác dừng chân thăm hỏi nhân dân. Khi tới thôn Yên Định, Bác đã vào thăm một gia đình cố nông vừa được chia căn nhà lá sau cải cách ruộng đất. Bác hỏi gia đình tết này gói mấy cái bánh trưng, nhà có mấy khẩu, có bao nhiêu sào ruộng. Nói chuyện với bà con nông dân, Bác khuyên mọi người đoàn kết để tăng gia sản xuất, muốn vậy phải vào tổ đổi công, phải tương trợ nhau sản xuất. Quây quần bên Bác có các cháu thiếu niên, nhi đồng, Bác hỏi nhiều điều về các cháu. Bác dặn các cháu chăm chỉ học hành, ngoan với cha mẹ, giúp cha mẹ bế em, quét nhà... Thế rồi, Bác “bắt nhịp” cho các cháu thiếu nhi hát vang bài ca kết đoàn. Nói chuyện với nhân dân và thiếu nhi vừa xong, Bác yêu cầu lãnh đạo xã đưa Bác đi thăm gia đình từng là cơ sở kháng chiến chống Pháp. Bác đã đến thăm gia đình người phụ nữ đã nuôi dưỡng cán bộ, du kích đánh Pháp; bà bị địch bắt, tra tấn, đánh đập dã man nhưng bà kiên quyết không phản bội xưng khai. Bà đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến. Sau khi Bác lên xe về Hà Nội, Người  vẫy tay chào, lúc này mọi người mới sực nhớ, đứng bên Bác, quây quần bên vị lãnh tụ kính yêu râu tóc bạc phơ như người cha, người ông giữa ngày tết thiêng liêng mà không ai chúc tết Bác, chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu, ai cũng ân hận vì điều đó. Niềm vui lớn được đón Bác vào ngày mồng 1 tết nguyên đán không phải nơi nào cũng có, riêng với Yên Định - Tân Phong, một xã có nhiều thành tích trong kháng chiến mới có được vinh dự lớn lao ấy. Ngày nay, tại thôn Yên Định, người dân đã lập một khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh để kỷ niệm sự kiện lịch sử quý giá đó và làm thỏa mong ước của người dân nơi đây. Vào ngày Quốc khánh 2-9, ngày sinh nhật Bác, hay ngày giỗ Bác, nhân dân thôn Yên Định cùng toàn thể chính quyền xã và những người dân các thôn xung quanh lại tập trung tại khu tưởng niệm để dâng những nén hương thơm tưởng nhớ vị lãnh tụ vỹ đại của dân tộc.

 

BÁC HỒ CHIA KẸO CHO CÁC CHÁU THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG TRONG NGÀY NGƯỜI VỀ THĂM HTX-NN LAI SƠN NGÀY 30/3/1958

Vào ngày 30-3-1958, Lai Sơn là một thôn của xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương được đón Bác về thăm và làm việc. Đến năm 1965, xã Cộng Hòa đổi tên là Thanh Vân, ngày nay thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên. Lai Sơn trong kháng chiến chống Pháp có nhiều thành tích về xây dựng lực lượng chiến đấu chống địch càn quét, lập tề, bảo vệ vững chắc quê hương và đóng góp nhân tài vật lực cho kháng chiến kiến quốc giành thắng lợi. Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân thôn Lai Sơn cùng nhân dân trong xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội. Tháng 2/1957, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng 5 hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp ở một số huyện. Thôn Lai Sơn thuộc xã Cộng Hòa, Tam Dương là nơi có phong trào tổ đổi công khá nhất huyện nên được chọn làm nơi thí điểm xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp của tỉnh. Nhờ sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của người dân Lai Sơn mà mô hình HTX nơi đây đã mang lại hiệu quả cho người nông dân. Đời sống xã viên được cải thiện rõ rệt. Uy tín HTX bước đầu được khẳng định và ưu thế của lối làm ăn tập thể bắt đầu vượt trội so với lối làm ăn cá thể. Từ kết quả ở Lai Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc đã có thêm kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp và chuẩn bị bước đầu vào phong trào hợp tác hóa nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương Đảng. Giữa lúc cán bộ, đảng viên và nhân dân Lai Sơn nói riêng, xã Cộng Hòa nói chung đang rất phấn khởi vì HTX Lai Sơn được mùa, thì tin vui mới lại đến: Cấp trên báo về sẽ có đoàn khách quốc tế và Trung ương Đảng về thăm HTX Lai Sơn. Ngày 30/3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Lai Sơn. Cùng đi với Người có đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Phó trưởng Ban công tác nông thôn Trung ương. Đến Lai Sơn, Bác dừng chân đầu tiên là nhà đồng chí Nguyễn Văn Tấn (chủ nhiệm HTX) để gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và HTX để nghe báo cáo tình hình chung của xã Cộng Hòa và HTX Lai Sơn. Sau khi nghe lãnh đạo xã và HTX báo cáo, Bác đi thăm một số gia đình trong thôn, sau đó tới nơi bà con nông dân, thiếu nhi và bộ đội tập trung để gặp gỡ và nói chuyện. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác thăm hỏi đồng bào, cán bộ, bộ đội, các cháu thiếu niên, nhi đồng. Người khen ngợi xã Cộng Hòa có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp, nay lại là địa phương làm ăn giỏi, trong đó đặc biệt là thôn Lai Sơn, xây dựng một HTX kiểu mẫu của tỉnh. Bác căn dặn đồng bào và cán bộ trong xã phải hăng hái đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới. Bác nhấn mạnh: Muốn làm được tốt, cần phải đoàn kết và động viên nhau vào tổ đổi công rồi tiến lên HTX; muốn xây dựng được tổ đổi công và HTX tốt thì phải làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích để họ tự nguyện tham gia. Tuyệt đối không được cưỡng ép, mệnh lệnh. Làm ăn trong tổ đổi công và HTX phải dân chủ bàn bạc, đoàn kết, chống tham ô, lãng phí. Bác khuyên đồng bào vừa sản xuất lương thực, vừa phải tích cực chăn nuôi và trồng cây ở những nơi đất rộng, không được để hoang ruộng đất. Ở xã Cộng Hòa, thời gian này có một đơn vị bộ đội đang đóng quân, nên đơn vị đã tập trung cùng nhân dân đón Bác. Người ân cần thăm hỏi cán bộ, chiến sỹ về ăn, ở, học tập. Người căn dặn bộ đội phải tích cực học tập chính trị, kỹ thuật quân sự và đoàn kết, giúp đỡ nhân dân, giữ mối quan hệ “quân dân như cá với nước”.  Bác thăm hỏi các cháu thiếu niên, nhi đồng và Người chia kẹo cho các cháu như người ông đi xa mới về. Trước khi rời Lai Sơn, Bác đã tặng Huy hiệu của Người cho đồng chí Nguyễn Văn Tấn (Chủ nhiệm HTX Lai Sơn) và đồng chí Nguyễn Văn Đáp - Bí thư Đoàn thanh niên, đồng thời là Tổ trưởng một tổ đổi công xuất sắc của xã Cộng Hòa. Nhớ lời căn dặn của Người, Lai Sơn ngày nay đã trở thành một trong 20 làng văn hóa trọng điểm của tỉnh, được tỉnh quan tâm, đầu tư xây mới đường làng, xây nhà văn hóa. Đời sống người dân trong thôn được nâng cao, 100% con em được học hành. Để tưởng nhớ và biết ơn công lao của Bác, nhân dân Lai Sơn đã lập đền thờ Bác tại chính nơi Người gặp gỡ và nói chuyện với toàn bộ người dân trong thôn. Mỗi khi có dịp trọng đại của làng như hội làng, xây chùa, sửa đình,…cán bộ trong thôn đều đến để báo cáo với Bác. Người dân coi khu tưởng niệm và đền thờ như một tài sản quý giá của cả làng, nên ai cũng giữ gìn khu đền thờ. Khu đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lai Sơn là một điểm đến quan trọng không thể bỏ xót trong chuyến hành trình ý nghĩa này. Đến nơi đây chúng ta được tìm hiểu, được lắng nghe những câu chuyện kể về Bác đầy xúc động, chan chứa tình người bởi những nhân chứng sống và học hỏi được những đức tính cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ST

Tệp đính kèm