Cập nhật: 10/06/2016 09:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các tỉnh Điện Biên, Lâm Đồng, Quảng Bình, Cà Mau và Thanh Hóa đã phê duyệt Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP) giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Vũ Xuân Thôn, Trưởng ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp

(Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Giám đốc Dự án Hỗ

trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam

Ông Vũ Xuân Thôn, Trưởng ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Giám đốc Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam cho biết: Đến nay trên cả nước đã có năm tỉnh là Điện Biên, Lâm Đồng, Quảng Bình, Cà Mau và Thanh Hóa phê duyệt Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP) giai đoạn 2016- 2020.

REDD+ là sáng kiến quốc tế nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng các-bon rừng.

Tùy theo tình hình tại địa phương, PRAP của các tỉnh bao gồm nhiều biện pháp can thiệp khác nhau nhằm thực hiện REDD+. Trong đó các biện pháp đều tập trung vào các hoạt động lập kế hoạch đa ngành và đưa ra các giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư vào rừng để đáp ứng các yêu cầu của REDD+, Cải thiện sử dụng đất và đất rừng.

Các kế hoạch còn hỗ trợ cộng đồng địa phương và các công ty lâm nghiệp tham gia vào quá trình phát triển cảnh quan trên cơ sở quyền sử dụng rừng theo truyền thống và bảo vệ rừng bền vững. Bên cạnh đó là các hoạt động thúc đẩy các địa phương tăng cường quản trị rừng, bao gồm cải thiện pháp lý và tăng cường thực thi pháp luật trong sử dụng rừng và thương mại lâm sản.

Cũng theo ông Thôn, riêng trong tháng 6 này, dự kiến có thêm 3 tỉnh ban hành quyết định phê duyệt PRAP là Hà Tĩnh, Bắc Cạn và Lào Cai. Trong quý 3 và quý 4 dự kiến sẽ thêm các tỉnh Bình Thuận, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình ... phê duyệt PRAP. Như vậy đến hết năm nay, dự kiến sẽ có 16 tỉnh ban hành Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh.

“Các dự án hầu như phải làm thí điểm và trong Kế hoạch hành động này tôi cho rằng chúng ta đặt vấn đề phải làm thí điểm mô hình từ cái gì. Trước hết làm giàu rừng, nâng cao trữ lượng rừng, năng suất rừng, giá trị rừng và các giải pháp kỹ thuật, các giải pháp về kinh tế.  Từ những mô hình thí điểm chúng ta rút ra quy trình, đưa ra chính sách để cho các chủ rừng được hưởng lợi từ rừng” - ông Vũ Xuân Thôn nói.

PRAP là một trong những hoạt động góp phần giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng các bon rừng, bảo tồn trữ lượng các bon rừng và quản lý rừng bền vững phù hợp với mục tiêu của Quyết định 799/QĐ-TTg ngày 27/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về REDD+ giai đoạn 2011 - 2020. Tính đến năm 2015, đã có 44 dự án được triển khai với tổng số vốn cam kết đạt  hơn 84 triệu USD, trong đó, 24 dự án đã kết thúc.

Dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam được Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, với số vốn không hoàn lại 3,8 triệu USD thực hiện từ tháng 1/ 2013 đến tháng 11/2016 tại 3 tỉnh thí điểm là Quảng Bình, Quảng Trị và Đăk Nông./.

Theo PV/VOV.VN

Tệp đính kèm