Cập nhật: 12/06/2016 09:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa vào những ngày tháng 5/2016, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có dịp đặt chân đến 9 đảo và một nhà giàn. Mỗi đảo có vị trí địa lý và đặc thù khác nhau nhưng quân và dân nơi đảo xa đều có một điểm chung là tinh thần kiên cường bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Một góc đảo Đá Lớn. Ảnh: VGP/Thế Phong

Đá Lớn - Pháo đài trên biển

Đảo Đá Lớn cách bờ biển Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 300 hải lý về phía tây. Đá Lớn án ngữ trên bãi san hô trải dài theo hướng Bắc-Nam và cùng với các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Sau gần 3 ngày vượt qua hàng trăm hải lý, con tàu 996 đưa đoàn công tác từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn. Cách đảo khoảng nửa hải lý, từ trên cabin tàu 996, thuyền trưởng Phan Thanh Trường lệnh thả neo, chuẩn bị xuồng đưa các thành viên đoàn công tác lên đảo.

Trước mắt chúng tôi là đảo Đá Lớn (điểm B) được xây dựng như một pháo đài vững chãi giữa trùng khơi.

Ra tận mép nước đón từng người lên đảo, Đại úy Võ Đức Quỳnh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn vui mừng nói đây thực sự là nguồn động viên to lớn, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo vững mạnh.

Dẫn đoàn công tác đi thăm quan đảo, Đại úy Võ Đức Quỳnh cho biết đảo Đá Lớn án ngữ phía tây quần đảo Trường Sa. Đảo có hồ nước sâu thuận lợi cho tàu cá ngư dân tránh trú bão. Xung quanh đảo, sát rìa san hô hải sản trù phú với nhiều loại cá giá trị kinh tế cao như cá chim, cá thu, cá ngừ đại dương, cá mú… do vậy mùa sóng yên biển lặng, tàu thuyền bà con ngư dân miền Trung đến đánh bắt khá đông đúc.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đảo Đá Lớn được đầu tư xây dựng nhà ở khang trang, sạch đẹp, vững chắc. Bên cạnh đó, nhà văn hóa, hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời trên đảo được đưa vào sử dụng đã nâng cao đời sống, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ.

 

Chiến sĩ đảo Đá Lớn nhận quà của đất liền. Ảnh: VGP/Thế Phong

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu với phương châm “Độc lập tác chiến, còn người còn đảo”, đồng thời tổ chức tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống và giúp đỡ ngư dân.

Trung úy Nguyễn Văn Tiến (quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) chia sẻ dù khó khăn, thiếu thốn đến đâu anh em cũng khắc phục được. Ở đây điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tuy khắc nghiệt nhưng anh em vẫn trồng được rau xanh, nuôi lợn, đánh bắt cá… để làm cho đời sống tốt hơn.

Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh, bộ đội phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ cùng hạt giống, phân bón. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm song với các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn đã thực hiện tốt việc trồng rau xanh, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và nâng cao sức khỏe bộ đội. Năm 2015, đơn vị sản xuất hơn 2.434 kg rau xanh, cá các loại 839 kg, thịt gần 769kg.

Từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị đã  giúp đỡ cho hơn 180 lượt ngư dân về nước ngọt, gạo, khám chữa bệnh, cứu hộ, cứu nạn… Những việc làm bình dị mà cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn đã góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội cụ Hồ, hình ảnh người chiến sĩ hải quân trong lòng nhân dân.

Đại úy Hoàng Văn Sinh, Chính trị viên đảo Đá Lớn khẳng định thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lớn tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực giúp đỡ ngư dân, cứu hộ cứu nạn; tích cực xây dựng đảo Đá Lớn mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, xứng đáng với lòng mong đợi của quân và dân cả nước.

Rời Đá Lớn, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với hòn đảo mang tên một loài chim - Sơn Ca...

 

Khung cảnh đảo Sơn Ca. Ảnh: VGP/Thế PhongVững vàng Sơn Ca

Khi mặt trời vừa nhô lên mặt biển, con tàu 996 lướt nhẹ trên những ngọn sóng êm ả đưa đoàn công tác đến đảo Sơn Ca. Nhìn từ xa, đảo Sơn Ca như là một ốc đảo xanh tươi giữa đại dương bao la.

Đảo Sơn Ca là đảo lớn nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa. Các chiến sĩ đảo Sơn Ca cho biết trên đảo có nhiều cây lâu năm lá xum xuê rợp bóng mát thích nghi với điều kiện sinh sống của loài chim Sơn Ca nên gọi là đảo Sơn Ca.

Trên đảo trước đây là nền cát trắng san hô nên Sơn Ca còn được gọi là đảo cát. Thực sinh ở đảo khá phong phú, đa dạng về chủng loại, trong đó nhiều nhất là các loại cây bàng vuông, mù u, phi lao, muống biển…

Nằm trong cụm Nam Yết, đảo Sơn Ca là một mắc xích phòng thủ quan trọng trong quần đảo Trường Sa. Ít ai biết rằng cán bộ, chiến sĩ bám trụ đảo Sơn Ca không chỉ đối diện với phong ba bão táp, nắng nóng khắc nghiệt mà còn phải ứng phó với tàu thuyền của nước ngoài để  bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Cũng giống như nhiều đảo khác ở Trường Sa, Sơn Ca không thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng và nước ngọt nhưng lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã không nản lòng, tích cực lao động, cải tạo đảo cát trắng trở thành hòn đảo xanh tươi căng tràn nhựa sống, để hôm nay, đảo cát trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều cây, củ quả, rau xanh.

Ngoài nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường xuyên giúp đỡ như dân đánh bắt hải sản, góp phần tô thắm thêm nét đẹp của rình quân dân nơi đảo xa.

Hiện nay, nhiều công trình trên đảo Sơn Ca được củng cố, xây dựng khang trang như nhà văn hóa, trạm hải đăng, chùa Sơn Linh. Bên cạnh đó, hệ thống năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ đảo.

 

Đoàn công tác tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca. Ảnh: VGP/Thế Phong

Hai bố con cùng giữ đảo

Khi đến đảo Sơn Ca, chúng tôi được nghe một câu chuyện xúc động về hai bố con quê ở Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định, cùng làm nhiệm vụ canh giữ đảo. Đó là Thượng tá Vũ Duy Khánh, Chính trị viên và binh nhất Vũ Duy Anh (18 tuổi).

Thượng tá Khánh đã gắn bó với Trường Sa gần 30 năm nay. Từ tháng 1/2015, anh nhận nhiệm vụ ở đảo Sơn Ca.

Anh Khánh chia sẻ: Khi học xong phổ thông, con tôi (Duy Anh) tình nguyện nhập ngũ vào tháng 9/2015, đến tháng 1/2016, cháu ra đảo Sơn Ca. Biết là công việc của bố vất vả, lại ít khi được về với gia đình nhưng cháu vẫn quyết tâm vào bộ đội. Vợ chồng tôi tôn trọng quyết định của cháu. Sau 3 tháng huấn luyện ở đất liền, cháu được phân công nhiệm vụ tại Trường Sa.

"Nhìn cháu mới ngày nào còn cắp sách đến trường, nay bước chân lên cầu cảng đảo Sơn Ca với dáng dấp chững chạc, rắn rõi, tôi rất mừng. Ở đây chúng tôi không chỉ là bố con mà còn là đồng chí, đồng đội thân thiết. Dù ở đảo xa nhưng bố con được bên nhau tôi cảm thấy rất ấm lòng”, anh Khánh chia sẻ giây phúc hạnh phúc khi đón con ra làm nhiệm vụ ở đảo.

Qua thời gian huấn luyện ở đảo, Duy Anh đã tiến bộ rõ rệt. "Điều làm tôi rất tự hào là cháu đã nhận thức được trách nhiệm của người thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mẹ của cháu ở đất liền cũng rất tự hào về đứa con trai yêu quý của mình”, anh Khánh nói.

 

Hai bố con Thượng tá Vũ Duy Khánh - binh nhất Vũ

Duy Anh cùng giữ đảo Sơn Ca. Ảnh: VGP/Thế Phong

Chia tay những chiến sĩ trên đảo Sơn Ca, chúng tôi tin rằng với truyền thống đơn vị anh hùng, cán bộ, chiến nơi đây sẽ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, bảo vệ vững chắc Sơn Ca, bảo vệ vững chắc Trường Sa.

Thế Phong

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm