Cụm di tích thờ Nữ tướng Lê Ngọc Trinh (có tài liệu ghi là Lê Ngọc Chinh) thuộc xã Lũng Hòa – Một xã lớn nằm ở phía Bắc của huyện Vĩnh Tường. Lũng Hòa được hình thành trên cơ sở hai làng cổ trước đây là làng Lũng Ngoại và làng Hòa Loan của Tổng Đồng Phú, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, đến thời Nguyễn lại thuộc về tổng Mộ Chu, phủ Vĩnh Tường. Thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học, Lũng Hòa được biết đến là địa bàn cư trú của người Việt cổ thuộc thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên.
Đền Ngòi
Cụm di tích gồm đình Đông, đình Nam, đình Hòa Loan và đền Ngòi, đều là các công trình thuộc kiến trúc nghệ thuật truyền thống đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc. Các di tích này là cơ sở thờ tự do nhân dân địa phương qua bao thế hệ xây dựng nên để phụng thờ, tôn vinh, tưởng nhớ vị nữ tướng Lê Ngọc Trinh. Theo truyền thuyết, Lê Ngọc Trinh là con gái thứ hai của ông bà Lê Hoàn, Nguyễn Thị Tần, người làng Lũng Ngoại (xưa gọi là Lũng Ngòi). Ông Lê Hoàn làm nghề bốc thuốc, lấy nhân làm nền lấy nghĩa làm gốc, giúp đỡ chữa bệnh cho những người nghèo, không cần hỏi tiền nong, coi mạng người là quý mà không hám lợi. Vì ông đã hay thuốc lại nhân đức nên mọi người đều kính trọng, không ai gọi tên thực mà chỉ gọi với cái tên nghe thật gần gũi là ông Lang Lũng Ngòi. Một hôm hai ông bà ngồi nghỉ chân bên đầm sen ở Đàm Luân (địa danh thuộc Lũng Ngòi), lúc đó trời đã quá chiều, cánh đồng bát ngát không một bóng người, gió đưa hương sen thoang thoảng. Bỗng trời nổi gió, một đôi chim phượng từ đâu bay tới lượn cánh trên đầm, sắc lông như ngọc rực rỡ tỏa sáng. Đôi phượng múa lượn mấy vòng rồi lại sải cánh bay đi, chốc lát đã không thấy đâu nữa. Sau hôm ấy, bà Tần có thai, đến kỳ sinh được hai con gái, đặt tên cho cô chị là Ngọc Thanh, cô em là Ngọc Trinh, tục gọi là Ả Chàng và Ả Chạ. Lê Ngọc Thanh dung nhan đằm thắm, tính nết hiền lành, chăm chỉ việc đồng ruộng, vá may, thật là một cô gái nết na thùy mị. Cô em là Lê Ngọc Trinh, dung mạo sắc sảo, đôi mắt lóng lánh, môi như hoa lựu đỏ tươi, không bao giờ yên chân yên tay, cười nói hớn hở, ưa chạy nhảy, thích đánh gậy ném đá. Năm Ngọc Thanh 19 tuổi, một viên quan đô hộ cho người đến dạm hỏi, ông bà Lê Hoàn không thuận, viên quan đô hộ ức hiếp, bắt Ngọc Thanh về làm tiểu thiếp. Vài tháng sau, Ngọc Thanh đau buồn quá qua đời. Hai ông bà Lê Hoàn căm giận kẻ ngoại tộc thống trị, xót thương con gái, uất ức sinh bệnh, lần lượt qua đời. Trước tình cành đó, Lê Ngọc Trinh đã cho tập hợp nghĩa quân góp vào cuộc chiến đấu chống giặc Hán xâm lược của Hai Bà Trưng. Với sự thông minh tài giỏi bà đã lập được nhiều công trạng lớn. Đại tướng quân Lê Ngọc Trinh rong ruổi ở Tây Vu, lấy cờ thêu chim phượng làm cờ hiệu, vó ngựa tới đâu, giặc tan tới đấy. Một vùng lưu vực các sông Lô, Gâm, Chảy, chẳng bao lâu đều sạch bóng giặc, hàng chục thành lũy quy về với nghĩa quân. Dẹp xong giặc nước, Trưng Trắc lên ngôi vua, xưng là Trưng Vương, phong Lê Ngọc Trinh tước công chúa. Lê Ngọc Trinh nghĩ nhớ câu chuyện bố mẹ nhân chơi mát ở Đầm Sen, thấy chim phượng hiện mà sinh ra mình mới xin được đặt hiệu là Ngọc Phượng. Vua Trưng ưng chuẩn, lại cho về xây dựng cung sở ở Đàm Luân. Vua Hán thấy bà Trưng xưng vương, dấy quân đánh lấy các thành ấp, các quận biên thùy, lo sợ cử thêm quân cho Mã Viện trở lại xâm lược nước ta. Một hôm Lê Ngọc Trinh đang tắm ở đầm sen, chợt có cấp báo quân giặc đã ập đến, Ngọc Trinh chỉ kịp mặc áo mỏng, lên ngựa ra giao chiến. Giặc dùng nỏ cứng bắn như mưa, Ngọc Trinh múa kiếm chống đỡ, chờ quân tới ứng cứu, nhưng Mã Viện đích thân cầm quân, vây kín các ngả, lại đánh làm nhiều mũi nhỏ, chia cắt quân Nam làm nhiều nhóm; quân Nam bị chặn đánh khắp nơi, không ứng cứu nhau được. Mã Viện xông thẳng vào nơi Lê Ngọc Trinh bị vây hãm, thấy nàng quả là tiên nữ giáng trần, hai tay múa kiếm, khí phách anh hùng. Mã Viện bất giác cũng sinh lòng kính phục, liền thét quân phải tìm cách bắt sống. Ngọc Trinh biết đại sự đã hỏng, than rằng “cha mẹ ta thấy chim phượng ở đầm sen mà sinh ra ta, nay ta lại gửi thân ở đầm sen này”, nói đoạn liền nhảy xuống đầm sen tử tiết. Lê Ngọc Trinh 20 tuổi dựng cờ tụ nghĩa làm chủ một phương, hai mốt tuổi theo Trưng Vương cứu nước lĩnh ấn Tả tướng quân, phá tan các thành trì quân giặc ở dải đất trung du mênh mông, quét sạch giặc thù. Hai mươi hai tuổi được phong công chúa, dựng thành đắp lũy lo kế chống giặc lâu dài, một trận đánh ở Gò May làm giặc Hán kinh hồn, chống nhau với Mã Viện là danh tướng của nhà Hán trên một năm trời. Đại tướng quân Lê Ngọc Trinh thật xứng với lời khen của Trưng Vương “Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần” nêu cao tấm gương anh hùng cho đời sau vậy. Nhân dân địa phương ghi nhớ công lao của bà với quê hương đất nước mà lập nên đền thờ, tôn vinh làm thành hoàng làng để phụng thờ mãi mãi, hàng năm tổ chức lễ hội để tưởng nhớ về công trạng của bà.
Đình Hòa Loan
Sở dĩ có tên gọi là đình Đông , đình Nam bởi hai ngôi đình này vốn thuộc thôn/giáp Đông và Nam của làng/xã Lũng Ngoại. Thôn Trung, trước đây cũng có ngôi đền Trung nhưng đã bị phá hủy, cả đình Đông và đình Nam nằm ở trung tâm của thôn, xem giữa khu dân cư đông đúc tạo không gian kiến trúc gần gũi nhưng vẫn không giảm đi sự uy nghi, tôn nghiêm của một ngôi đình làng Bắc bộ. Về lịch sử xây dựng, đến nay chưa rõ hai ngôi đình của làng Lũng Ngoại được xây dựng vào năm nào, nghệ thuật kiến trúc hiện còn là đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Câu đầu bên trái đình Đông còn ghi dòng niên đại chữ Hán: “明命拾九玖年貳月修造樹柱上梁太歲在庚戍吉日天德皇道光明 - Minh mệnh thập cửu niên nhị nguyệt tu tạo thụ trụ thượng lương, thái tuế tại Canh Tuất cát nhật thiên đức hoàng đạo quang minh”, tạm dịch “Vào ngày Canh Tuất tốt lành, tươi sáng, tháng Hai năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) dựng thượng lương trùng tu lại đình”. Tuy nhiên căn cứ vào một số mảng trạm khắc trang trí thì lại cho thấy ở hai ngôi đình này vẫn còn bảo lưu lại được kiến trúc thời Hậu Lê và giai đoạn chuyển giao từ Hậu Lê sang Nguyễn (cuối thế kỷ XIVIII), thể hiện qua đề tài trang trí “rồng” ở các bức trạm trên cốn và đầu dư có các đặc điểm mang đậm dấu ấn của hai thời kỳ này, ví dụ như: Rồng có vẻ mặt khá hiền lành, tai lừa, mũi trâu, miệng há rộng, có nhiều răng đều nhau, bàn chân có 4 ngón… Tuy nhiên nói cuối đời Hậu Lê bởi các đề tài rồng ở đây tương đối đơn điệu, không đa dạng như ở các ngôi đình xuất hiện sớm ở thời kỳ đầu (thế kỷ XVII, XVIII). Ở đình Đông thì kiến trúc của thời Nguyễn là tương đối rõ khi không gian kiến trúc để thể hiện chạm khắc đã bị hạn chế rất nhiều, chẳng hạn như không còn các Cốn nách được trang trí cầu kỳ mà thay vào đó là các vì nách với các con rường cụt trồng lên nhau được trang trí vân mây đơn giản. Cả hai ngôi đình đều có kiến trúc 3 gian hai chái, nghĩa là các gian chái đầu hồi không được hình thành từ hai bộ vì đều nhau như thông thường mà chúng được tạo bởi bộ vì của gian bên và một bộ vì đốc nằm thấp tạo độ cong cho mái, kết cấu vì mái của các ngôi đình này đều theo kiểu “chồng rường – giá chiêng” truyền thống.
Pho tượng bà Lê Ngọc Trinh
Khác với hai ngôi đình ở Lũng Ngoại, đình Hòa Loan tọa lạc trong một khuôn viên đất rộng, phía trước là cánh đồng bát ngát. Xét về bố cục kiến trúc thì đình Hòa Loan còn giữ được nhiều hơn các thành phần kiến trúc thời Hậu Lê so với hai đình ở Lũng Ngoại, bởi ngoài giữ được mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh thì đình Hòa Loan vẫn còn hậu cung với hai tầng mái – một kiểu kiến trúc tạo vẻ mềm mại và không gian cao, rộng để dựng thượng cung theo lối gác lửng khá phổ biến (cụm đình Hương Canh, đình Bích Chu, Thủ Độ, Cam Giá…). Hiện trên câu đầu đình Hòa Loan còn ghi dòng chữ Hán: “丙辰年起造- Bính Thìn niên khởi tạo – Dựng đình năm Bính Thìn” và “己未歲重修 - Kỷ Mùi tuế trùng tu – Trung tu lại đình năm Kỷ Mùi”. Căn cứ vào nghệ thuật và kiến trúc có thể đoán định rằng đình được xây dựng vào năm Bính Thìn 1736 hoặc 1796 triều Hậu Lê và được trùng tu, tôn tạo lại vào năm Kỷ Mùi 1859 triều vua Minh Mệnh nhà Nguyễn. Giống với hai ngôi đình ở Lũng Ngoại, đình Hòa Loan cũng có 3 gian, 2 chái với kết cấu bộ vì mái theo kiểu “chồng rường – giá chiêng” liên kết phía dưới là “thượng rường – hạ kẻ” với các bộ vì nách được hình thành từ các con rường cụt nằm chồng lên nhau, một đầu ăn mộng vào cột cái, đầu cụt vươn ra đỡ hoành (nên gọi là rường cụt), phía dưới là các kẻ truyền cắm mộng từ thân cột quân ăn xuyên qua đầu cột hiên và vươn dài ra đỡ cả phần mái hiên. Đình Hòa Loan về cơ bản đã được tu sửa lớn vào thời Nguyễn nhưng lác đác chúng ta vẫn bắt gặp các cấu kiện, các mảng trang trí mang phong cách nghệ thuật kiến trúc Hậu Lê.
Toàn cảnh phía trước đình Nam
Trước kia, bên cạnh 3 ngôi đình của ba thôn (bao gồm cả đình Trung), thì cả làng/xã Lũng Ngoại lại chung nhau một ngôi đền, tục gọi là đền Ngòi, đền Ngòi được xây dựng trên một gò đất cao nhiều cây cối tỏa bóng mát quanh năm, phía trước là dòng sông Phan uốn khúc như dải lụa. Đền Ngòi vốn có kiến trúc đặc trưng của một ngôi miếu với tòa kiến trúc nằm dọc, bên trong chia thành 3 gian, gian thứ nhất có chức năng tiền bái (hay tiền tế, là nơi thực hiện các nghi lễ cúng thần), 2 gian phía trong làm hậu cung có gác lửng tạo thành thượng cung là nơi đặt long ngai, bài vị và tượng nữ tướng Lê Ngọc Trinh. Đền Ngòi ngoài trụ biểu cánh phong, mái vòm phía trước và hệ thống tường bao được xây dựng ở thời gian sau này (đầu thế kỷ XX) thì vẫn giữ được kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Đền được dựng trên hệ thống cột trụ to, vững chắc với 4 hàng chân tạo thành trục chính rộng và hai bên là hành lang (lúc đầu đền vốn không có tường bao xung quanh). Kết cấu bộ vì mái vẫn theo lối đắc trưng của thời Hậu Lê là “chông rường – giá chiêng” nhưng bộ vì bên trong do cần tạo không gian kín đáo, thâm nghiêm cho thượng cung nên người thợ dân gian đã biến thành vì ván mê với một bức cốn hình tam giác cân được trang trí trạm khắc đề tài long cuốn thủy. Liên kết giữa cột cái và cột quân (ở đây cột quân đồng thời là cột hiên) là các thân kẻ có trạm vân mây, sóng nước cách điệu như thân rồng uốn khúc rất sinh động.
ĐÌnh Đông, đình Nam, đình Hòa Loan, đền Ngòi đều mang dáng dấp của kiến trúc giai đoạn cuối thời Hậu Lê có sự kết hợp, giao thoa với kiến trúc thời Nguyễn. Đó là sự kế thừa kiến trúc tinh hoa trong nghệ thuật kiến trúc của từng giai đoạn lịch sử. Trải qua thời gian, di tích cũng phần nào thay đổi nhưng những giá trị của nó thì vẫn trường tồn mãi mãi, đó là giá trị lịch sử về vị nữ tướng tài ba đã hi sinh thân mình để bảo vệ đất nước, đó là vẻ đẹp còn lưu giữ lại của những kiến trúc nơi đình làng, và hơn hết là giá trị tâm linh ngự trị trong tâm tưởng của mỗi người dân nơi đây mà vào mỗi dịp lễ hội giá trị đó lại được thể hiện rõ hơn. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 9 (thánh đản) và ngày mồng 4 tháng Giêng, tại các di tích ở xã Lũng Hòa, nhân dân lại tổ chức tế lễ với nhiều nghi thức long trọng để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của nữ tướng Lê Ngọc Trinh, đồng thời mở hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc thu hút đông đảo du khách xa gần.
Sắc phong thần
Cụm di tích thờ Lê Ngọc Trinh và các di sản văn hóa phi vật thể ẩn chứa ở đó được lưu giữ đến ngày hôm nay là sự biểu hiện cao của bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là những di sản quý báu ghi lại các dấu tích của nữ tướng Lê Ngọc Trinh. Tên tuổi và công trạng của bà đã được nhân dân lưu truyền với niềm kính phục và biết ơn sâu sắc. Dấu ấn về bà Lê Ngọc Trinh ở các di tích còn thể hiện truyền thống yêu nước, đấu tranh giữ gìn bở cõi quốc gia của người phụ nữ Việt Nam. Tất cả những giá trị đó góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp quê hương Lũng Hòa nói riêng và Vĩnh Tường nói chung, Cần được quan tâm bảo tồn và lưu truyền mãi mãi.
ST