Nằm bên tả ngạn sông Nhĩ Hà (sông Hồng) thiêng liêng, huyền thoại, thuộc địa phận xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường có một ngôi đình gắn với địa danh làng cổ - làng Khách Nhi, xã Tang Giá, huyện Tiên Phong, phủ Tam Đới, chấn Sơn Tây khi xưa.
Hát Cửa đình
Cũng giống như bao làng quê Bắc Bộ khác, làng Khách Nhi cũng dựng đình để thờ vị thành hoàng làng có nhiều công lao đóng góp cho quê hương, đất nước. Đây là một trong rất nhiều các ngôi đình làng vùng Châu thổ ven sông Hồng thờ Cao Sơn Đại Vương. Theo truyền thuyết, Cao Sơn cùng với Quý Minh Đại Vương và Tản Viên Sơn Thánh là bộ tướng của Vua Hùng. Ba vị tôn thần đã có công đánh đuổi giặc Thục, mở làng, lập ấp và dạy dân trồng lúa, săn bắt cá tôm trên sông Hồng (Tản Viên được tôn làm “Tứ Bất Tử” của người Việt và là ông tổ nghề nông của các cộng đồng cư dân vùng Bắc Bộ).
Tuy chỉ là ngôi đình mới được phục hồi, giá trị về kiến trúc nghệ thuật không nhiều song đình Khách Nhi còn lưu trữ được một tấm bia đá ghi chép những quy ước, điều khoản khá cụ thể về nghệ thuật hát cửa đình, đồng thời tôn vinh những người có trách nhiệm đã đóng góp công sức, tiền của cho việc thực hiện và duy trì loại hình nghệ thuật này. Bia có kích thước 100cm x 65cm, hình thức đẹp với nhiều hoa văn trang trí, được lập vào triều Lê Trung Hưng năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710). Đây là một cổ vật quý có nhiều giá trị về nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Tấm bia có hai mặt khắc chữ hán, với các tiêu đề: “例碑記 - Lệ bi ký” tức bia ghi chép về thể lệ hát cửa đình và: “縣教坊立文契 - Huyện giáo phường lập văn khế” tức giao ước về hát cửa đình của các giáo phường trong huyện. Hai bên sườn bia khắc một đôi câu đối:
“Chu thức minh tinh nhậm khải y quan lễ nhạc
Thượng thư phúc hưởng vĩnh ứng phú thọ khang ninh”
Tạm dịch:
“Khuôn phép nhà Chu tỏa sáng là do sửa sang mũ áo lễ nhạc
Làm theo sách thánh hiền thì phúc hưởng mãi mãi với phú thọ khang ninh”
Đôi câu đối trên có nội dung ca ngợi tiền nhân với các khuôn phép, chuẩn mực về nghi lễ trong đó có “lễ nhạc”, nếu sống theo các chuẩn mực đó thì sẽ tạo cho con người ta một lối sống đáng quý trọng và có hậu vận tươi sáng, hạnh phúc.
Lễ hội đình Khách Nhi
Trước tiên cần tìm hiểu hát cửa đình là gì? Đây là một loại hình nghệ thuật - nghi lễ xướng ca gắn với tín ngưỡng thờ thần hoàng làng tại các cửa đình làng vùng Bắc Bộ với hình thức biểu hiện chủ yếu được diễn đạt qua lối văn vần hoặc thể thơ lục bát nhưng cũng có khi là hát vận, đối đáp. Có giả thuyết về sự xuất hiện của loại hình ca hát này có từ rất sớm, từ thời Lý - Trần. Tuy nhiên căn cứ vào các mảng trạm khắc ở các ngôi đình như: Bức chạm Tiên gảy đàn đấy ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang), bức chạm hát cửa đình ở Đại Phùng (Hà Nội) hay bức chạm Thiếu nữ gảy đàn đáy ở chùa Cói (phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) thì có thể khẳng định về nguồn gốc hình thành hát cửa đình là vào khoảng thế kỷ XV - XVI. Giai đoạn này cũng được cho là thời kỳ ngôi đình làng chính thức trở thành một thiết chế không thể thiếu của làng xã Việt Nam, đồng thời cũng là thời kỳ phát triển đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc đình làng, có chăng là cả các loại hình nghệ thuật, nghi lễ gắn với ngôi đình.
Hát cửa đình là tiệc xướng ca thờ thần, thường tổ chức vào buổi đêm, trong các ngày quan trọng liên quan đến “sự thần”, đó là các ngày “thánh đản”, “thánh hóa”, “hiển khánh”, “khai sắc”,… Tuy nhiên loại hình nghệ thuật này cũng có thể được tổ chức vào các ngày trọng đại khác của cộng đồng làng xã. Trên bia đá còn ghi: “…tỉnh bàn cụ lai nhật, lệ ứng tựu cảm trù kỳ ca xướng hoặc hữu khảo thí giả, chí trù nhật xướng nhân chỉ đặc trù…”, tạm dịch: “…ngày tổ chức vui chơi, lệ mở trò khi thôn có thành tựu hoặc có người vào khoa thi mở hội thì mở hội hát xướng…”. Có khi lại “…Bản thôn tu tạo đình miếu tỉnh, tả hữu nhị quảng cập tiền đường, tam khai cái mao, tường đường tứ vi, nội ngoại thượng hạ chí di dịch, tỉnh bàn trù nhật xướng ca”. Tạm dịch “Thôn ta sửa chữa, tu bổ đình, miếu, sân, giếng hoặc mở rộng hai bên trước sau trên dưới, xây tường xung quanh, sủa chữa lọng che, khí tự thì mở sân trò hát xướng”. Như vậy trong một năm có thể tổ chức nhiều lần nghi thức hát cửa đình, nhưng nhất thiết phải là công việc chung của cả làng và phải thực hiện trước sự chứng giám của vị thành hoàng làng.
Qua nghiên cứu tấm bia cho thấy, về tổ chức của các đoàn hát cửa đình được quy định khá chặt chẽ. Thông thường mỗi cửa đình có một gánh hát đảm nhiệm mà gọi là giáo phường, đây là tổ chức tập hợp các “kép hát” của làng biết ca hát dưới sự chủ trì của một vị gọi là trùm trưởng hay trưởng trò. Vị này biết cầm chầu trong đoàn hát và đặc biệt phải là người có đức cao, danh giá, có tiền của để duy trì hoạt động cho giáo phường. Trong bia ghi rõ rằng người trùm trưởng và người phụ tá chịu ơn huệ của thần mà làm, tiệc xướng ca các ngày “tiệc nghinh thần” nhất nhất phải do vị trùm trưởng này quán xuyến cho đến hết. Ở đây thể hiện rất rõ vai trò của người đứng đầu giáo phường. Cấp xã thì có giáo phường cấp xã, cấp huyện có giáo phường cấp huyện. Thông qua nội dung ghi trong bia đá đình Khách Nhi cho biết giáo phường huyện Tiên Phong (vùng Ba Vì, Sơn Tây và huyện Vĩnh Tường ngày nay) đã đứng ra lập khế ước (giao kèo hay hợp đồng) cho việc mua bán lại bản quyền hát cửa đình của hai xã Hoắc Sa (nay thuộc xã Châu Sơn và xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) và Cổ Pháp (nay là xã Phong Vân, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) cho xã Tang Giá. Sở dĩ có việc bầu bán này bởi nó gắn với quyền lợi của các giáo phường. Mỗi giáo phường được phép thu tiền trong mỗi “chầu hát” và quyền lợi này cũng được sang nhượng và mua bán giữa các giáo phường với nhau mà người ta gọi là “bán cửa đình”. Do vậy mà họ đã khắc bia lập giao kèo ngay tại cửa đình trước sự chứng giám của thành hoàng làng để có được ràng buộc rất chặt chẽ.
Thông qua tấm bia ở đình Khách Nhi cũng cho chúng ta thấy được sự tôn vinh của cộng đồng đối với loại hình nghệ thuật hát cửa đình cũng như những nghệ nhân, những người có công với việc duy trì phát triển nó. Ngoài đôi câu đối mang tính ước lệ cao được trình bày ở trên, trong bia còn khắc rõ: “…khi đã thành lệ tốt rồi thì trong ngoài giáo phường phải cố gắng hát lấy hay, múa lấy đẹp. Người nào không còn ca múa được (hưu) thì lấy sự dạy bảo là điều phúc. Khi đã có tục lệ tốt đẹp, niềm vui, sự hưng thịnh của việc ca hát sẽ đem lại cho mọi người sự an bình. Từ trời cao cũng sẽ giúp cho dân khang ninh phú thọ dài lâu…thỏa nguyện mà khắc vào bia những điều khoản để dài lâu mãi mãi”.
Bia đình Khách Nhi
Có thể nói rằng loại hình hát cửa đình là một tục lệ tốt đẹp, một di sản văn hóa vô cùng quý giá của cha ông ta. Mặc dù vậy loại hình này ngày nay đang mai một, dần bị quên lãng, ngay chính vùng quê Khách Nhi xưa vốn nổi tiếng với giáo phường hát cửa đình thì nay đã không còn người nào có thể ca hát được nữa. Hát cửa đình là tiệc xướng ca không chỉ của vùng quê này mà nó vốn đã tồn tại ở hầu hết các làng xã Bắc Bộ khi xưa. Tuy nhiên Khách Nhi lại là một trong số ít nơi còn lưu lại được dấu ấn về một thời kỳ phát triển hưng thịnh của loại hình này, đó chính là tấm bia đá cổ hiện còn lưu giữ ở đình làng Khách Nhi. Thông qua nội dung các văn tự hán khắc trên bia đã cho chúng ta hiểu thêm phần nào về một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, để từ đó chúng ta có những biện pháp phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của hát cửa đình phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu thêm các sắc thái văn hóa trên mảnh đất cổ giàu truyền thống này.
ST