Ngược dòng lịch sử trở về quá khứ, Lũng Ngoại có tên gọi là Lũng Ngòi vì có một con ngòi phát nguyên từ ao Bạch (khởi nguồn từ Hoàng Lâu, huyện Tam Dương) chảy về uốn khúc bao quanh địa giới của làng. Trong một năm làng Lũng Ngoại có nhiều lễ tiệc lớn. Vào dịp lễ hội, nơi đây lại diễn ra các hoạt động văn hóa tưng bừng với các đám rước kiệu, tế lễ uy nghiêm và các trò chơi dân gian vui nhộn, biểu hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa làng đặc sắc, phong phú; trong đó, trò “hú đáo” được tiến hành với những nghi thức tế lễ trang trọng và kính cẩn nhưng cũng rất cởi mở và hòa đồng.
Đá đáo
“Hú đáo” được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm ở đình Đông, đình Nam để tưởng nhớ bà Lê Ngọc Trinh (có sách chép là Lê Ngọc Chinh) một nữ tướng của Hai Bà Trưng, khi giặc vây hãm trong lúc không mang theo vũ khí, bà đã nhanh trí dùng một viên đá buộc vào đầu dải yếm làm vũ khí. Hình ảnh nữ tướng Lê Ngọc Trinh đã đi vào đời sống tinh thần của nhân dân Lũng Ngoại như một niềm tự hào, thân thế và sự nghiệp của bà trở thành trang sử sống cho các thế hệ noi theo.
Cọc lim Hú đáo
Theo truyền thuyết, Lê Ngọc Trinh là con gái thứ hai của ông bà Lê Hoàn, Nguyễn Thị Tần, người làng Lũng Ngoại. Hai ông bà sống hiền từ đức độ, hay làm việc nghĩa, giúp đỡ dân làng. Ông bà sinh được hai người con gái là Ngọc Trinh và Ngọc Thanh. Bấy giờ nước ta bị nhà Hán xâm lược, một viên tướng giặc bắt Ngọc Thanh về làm tiểu thiếp, do đau buồn, Ngọc Thanh sinh bệnh qua đời; ông bà Lê Hoàn vì quá thương nhớ con cũng mất sau đó ít lâu. Trước cảnh thù nhà, nợ nước, Lê Ngọc Trinh đã chiêu tập binh sỹ, ngày đêm luyện tập võ nghệ, khi lực lượng lớn mạnh, tham gia khởi nghĩa chống giặc Hán xâm lược dưới ngọn cờ hiệu triệu của Hai Bà Trưng. Với sự thông minh tài giỏi, bà Lê Ngọc Trinh đã lập được nhiều công lớn. Tương truyền, trong một trận chiến, khi bị vây hãm trong lúc không mang theo vũ khí, Lê Ngọc Trinh đã lấy dải yếm buộc đá để đánh giặc, viên đá rơi về địa phận Lũng Ngoại nên làng Lũng Ngoại có trò “hú đáo”, còn dải yếm bay về địa phận Hòa Loan nên làng Hòa Loan có trò “kéo co”. Sau khi mất Lê Ngọc Trinh được thờ ở miếu Ngòi, đình Đông, đình Nam, đình Trung làng Lũng Ngoại (nay đình Trung không còn) và đình Hòa Loan làng Hòa Loan, trong các ngày cầu tế đầu xuân, nhân dân hai làng tổ chức trò “hú đáo”, “kéo co” để tưởng nhớ người nữ anh hùng.
“Hú đáo” còn gọi là đáo cọc, được tổ chức tại khoảnh đất trống phía trước đình. Khoảnh đất này có chiều dài cỡ hơn mười thước (tương đương 5 – 6 mét), ở một đầu khoảnh đất có cắm một chiếc cọc, bên trên treo phấp phới cờ đuôi nheo ngũ sắc, người tham dự đứng ở phía đầu bên kia khoảnh đất. “Đáo” là những viên đá tròn, người chơi phải “hú” (tung) viên đá tới nằm ngay ở chân cọc, viên đá càng gần chân cọc bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, có thể dùng viên đá của mình đánh bật viên đá của người khác ra xa chân cọc.
Sân đáo
Dụng cụ chuẩn bị cho trò “hú đáo” gồm các viên đá để hú, chiếu hoa, cột đáo làm bằng gỗ chắc khỏe, được chôn sẵn từ mùng 3 để đến mùng 4 có thể bắt đầu trò chơi. Các viên đá được chuẩn bị từ trong năm, có thể lấy ở ven sông quanh làng dâng lên, cũng có thể được mang từ nơi khác về đặt tại đình, các viên đá này được đánh số từ 1 đến 100. Cọc đáo bằng gỗ cứng, đường kính khoảng 20 cm, dài 70 cm. Cọc chỉ được chôn sâu khoảng 30 cm, còn 40 cm để lộ trên mặt đất, khoảng cách từ cọc đến chỗ đứng ném ngày nay chừng 6 đến 7 m. Ở chỗ đứng hú đáo trải một chiếc chiếu hoa, người hú đáo đứng vào trong chiếu.
“Hú đáo” được tổ chức vào các buổi chiều từ mùng 4 đến mùng 7 và đều bắt đầu bằng nghi lễ tế thánh. Mỗi buổi tổ chức hai ván đáo, mỗi ván diễn ra trong 20 phút. Việc quy định này để đảm bảo tiến trình lễ hội, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh giữa các thôn, xóm. Chủ tế là người hú viên đá đầu tiên, sau đó đến các vị cao niên và trai đinh đủ từ 16 tuổi trở lên. Thể thức là khi viên đá hú đi phải nằm trong ô đất vuông chân cột mới là hợp lệ. Cuộc chơi rất gay cấn và hồi hộp vì hòn đá được hú trước luôn bị các hòn đá hú sau chạm vào làm dịch chuyển vị trí, có khi đẩy vào chân cọc, có khi lại đẩy ra xa, nên chỉ khi kết thúc một ván hú mới biết được người thắng cuộc. Nếu chưa hết thời gian 20 phút của mỗi ván đáo, người chơi đã hú hết 100 viên đá và số lượng người chơi vẫn còn thì có thể hú tiếp tục 100 viên đá tiếp theo. Sau mỗi ván đều chọn ra người chiến thắng và là người có viên đá hú gần chân cọc nhất.
Khai đáo
Trước đây, trò “hú đáo” được tổ chức không quy định về thời gian, không hạn định số người tham dự. Sau khi làm lễ tế thánh xong, 4 giáp sẽ lần lượt “hú đáo”. Mỗi giáp cử ra 4 “ông lềnh”, người cao tuổi nhất là lềnh cả, chịu trách nhiệm sắm lễ để cúng thần, còn lềnh 2, lềnh 3, lềnh 4 thì có trách nhiệm chuẩn bị cỗ cho giáp. Ngoài việc chịu trách nhiệm tu lễ, cúng tế và hú đáo, giáp nào hú kém điểm thì “ông lềnh” phải đôn đốc trai đinh giỏi trong giáp ra hú để lấy điểm cao. Mỗi buổi, mỗi người trong giáp chỉ được tham gia một ván. Khi vào hú đáo, người phải đứng thẳng, tay phải đặt ngửa, tung hòn đá đi thẳng về phía cọc. Có thể kiễng một chân trái lên khi “hú đáo” để dùng thêm sức mạnh của toàn thân nhưng phải giữ chân trụ không được di chuyển. Với nhiều người tham gia, mỗi chiếu chỉ có hai ván hú, nên buổi nào cũng phải đến lặn mặt trời mới xong cuộc. Kết thúc ván hú, người đứng đầu ván giáp có trách nhiệm nhớ được vị trí, cũng như hòn đá của người thắng cuộc để trao thưởng.
Nhìn tổng thể trò “hú đáo” trước kia và ngày nay không có sự khác biệt nhiều, tính nguyên bản từ xa xưa vẫn còn được gìn giữ và truyền lại. Phần thưởng cho người thắng cuộc là nửa con gà “lộc thánh”. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất mà người chơi đạt được chính là viên đá thắng cuộc sẽ được đặt thờ tại đình để đem lại may mắn cho bản thân họ và người thân trong gia đình.
“Hú đáo” là một trò chơi chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh, người hú đáo ai cũng mong viên đá của mình hú trúng, nghĩa là nằm sát cọc đáo thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, tốt lành. Thêm vào đó trò chơi diễn ra trong không gian lễ hội có cờ ngũ sắc cùng tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ náo nhiệt đã giải tỏa mọi ưu tư, phiền muộn, đem lại niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho mọi người.
Hú đáo ở đình Đông
"Hú đáo" có từ bao giờ, không ai biết đích xác. Có lẽ đã xuất hiện từ lâu, được chơi trong lễ hội truyền thống của nhiều làng quê miền Bắc. Cũng tại huyện Vĩnh Tường, làng Phong Doanh xã Bình Dương, vào mồng 7 tháng Giêng có trò “Dồi đồng đáo” được tổ chức ở sân đình. Hai đầu sân mỗi phía đào một cái hố hình lòng chảo to chừng hơn một mét đường kính, chính giữa hố đào sâu xuống một cái lỗ hình vuông hoặc rộng mỗi bề 12 cm. Người chơi chia làm hai phe, đứng bên này sân để tung hòn đá hình tròn bẹt to cỡ bàn tay về phía hố đối diện, hòn đá nào lọt xuống lỗ chính giữa hố là người chơi được nhận phần thưởng một quả trứng (trứng được thờ trong đình). Mỗi lượt chơi là 10 - 12 hòn đá, chơi hết ván này lại tiếp ván khác. Trò chơi này gắn với câu truyện về hai vị tướng quân Trương Hống và Trương Hát trong một lần đánh giặc truy đuổi đã chạy đến làng Phong Doanh, nhờ trà trộn vào đám thanh niên đang chơi trò “Dồi đồng đáo” mà thoát nạn.
Trò "hú đáo" ở các địa phương tuy có sự khác nhau về cách thức, thể lệ nhưng tất cả đều toát lên một bản sắc văn hóa tốt đẹp của làng quê, đó là sự tri ân, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, những người có công với nước với làng của nhân dân ta; là dịp để dân làng giao lưu, giải trí, tạo thêm sức mạnh về tinh thần cũng như thể chất, gắn kết tình làng nghĩa xóm thêm bền vững.
Trò "hú đáo" trong lễ hội làng Lũng Ngoại là một trong những trò chơi dân gian đặc sắc nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Các chi tiết thực hành trong trò chơi thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trong cách thức thực hành lễ hội của người dân nơi đây. "Hú đáo" và lễ hội làng Lũng ngoại có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại cho quê hương./.
ST