Cập nhật: 18/06/2016 09:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chăm sóc răng miệng tốt bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Trong giai đoạn trẻ sơ sinh tới 6 tháng tuổi, những hoạt động chăm sóc răng miệng thông thường như chải răng và sử dụng chỉ nha khoa là chưa cần cho trẻ.

Chăm sóc răng miệng tốt bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nhỏ.

Chăm sóc răng miệng tốt bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Trong giai đoạn trẻ sơ sinh tới 6 tháng tuổi, những hoạt động chăm sóc răng miệng thông thường như chải răng và sử dụng chỉ nha khoa là chưa cần cho trẻ. Nhưng trẻ vẫn có nhu cầu chăm sóc răng miệng đặc biệt mà cha mẹ cần phải biết. Nếu không chăm sóc đúng cách thì trẻ có thể mắc một số bệnh răng miệng thường gặp gây ảnh hưởng đến quá trình nuốt của trẻ.

Nanh sữa

Nanh sữa thường gặp ở 75% trẻ sơ sinh, không phân biệt giới tính. Nanh sữa chỉ một hay nhiều đốm nhỏ màu trắng trên lợi của trẻ sơ sinh. Đây là một loại tổn thương lành tính hay gặp của niêm mạc miệng trong một thời gian ngắn ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn nhầm tưởng đây là biểu hiện của tình trạng thừa canxi ở trẻ, hay có khi là vết đóng cặn của sữa do không vệ sinh răng miệng tốt hoặc một loại bệnh nguy hiểm nào đó.

Thông thường trẻ sơ sinh từ 0 - 3 tháng tuổi hay bị nanh sữa, một số trường hợp gặp muộn hơn nhưng hiếm khi gặp trên 8 tháng tuổi và nó xuất hiện ở hơn một nửa số trẻ mới sinh.

Biểu hiện lâm sàng: Là những nang nhỏ kích thước 1-3mm, màu trắng, nằm rời rạc hay thành đám trên niêm mạc khẩu cái hay niêm mạc xương hàm. Đa số trường hợp nanh sữa không gây đau đớn hay khó chịu gì nhiều cho trẻ. Tuy nhiên, cũng có thể gây biếng ăn và bỏ bú. Những trường hợp này là do nanh sữa bị nhiễm khuẩn gây sưng đau khi chạm phải. Khi bị nhiễm khuẩn, nanh vẫn có màu trắng nhưng niêm mạc lợi xung quanh rìa đốm trắng sẽ có màu đỏ, sưng thậm chí còn bị loét do sang chấn, có thể có sốt nhẹ.

Nanh sữa dễ được phát hiện và chẩn đoán, tuy nhiên có trường hợp hiếm, dễ nhầm nanh sữa với răng bẩm sinh hoặc răng sơ sinh mọc ngay sau khi sinh đã có hoặc mọc trong vòng 30 ngày sau sinh.

Cách xử trí đúng: Khi trẻ có nanh sữa, cha mẹ không nên quá lo lắng. Trước tiên, cần xem xét kỹ nanh sữa có gây khó chịu gì cho trẻ không, trẻ có quấy khóc, sốt, bỏ bú hay không. Nếu không có những dấu hiệu trên thì chỉ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên sau mỗi bữa ăn và theo dõi, nanh sẽ tự biến mất sau 1 - 2 tuần. Nếu ảnh hưởng tới ăn uống như biếng ăn, bỏ bú thì phải đến các bác sĩ răng hàm mặt để chích nanh.

Tưa miệng

Tưa miệng là một bệnh nhiễm nấm xuất hiện ở niêm mạc miệng. Loại nấm này bình thường có thể thấy ở những trẻ em khỏe mạnh nhưng không gây bệnh vì sức chống đỡ của cơ thể tốt. Trên những trẻ đẻ non, ốm yếu, nuôi dưỡng kém, sức đề kháng yếu, nấm đó dễ phát triển thành bệnh. Người ta nhận thấy đối với trẻ mới đẻ, nguồn lây trực tiếp có thể là nấm trong âm đạo của người mẹ.

Biểu hiện lâm sàng: Khi bị tưa miệng là có những mảng trắng như sữa bám vào niêm mạc miệng.  Mảng trắng có thể đông đặc toàn bộ niêm mạc miệng và hạ họng. Khi đánh đi lớp nấm dày để lại lớp niêm mạc phía dưới chảy máu.

Nếu nấm phát triển nhiều làm cho bé đau không bú được, quấy khóc và gầy sụt nhanh. Khi mới xuất hiện, nấm rất dễ chữa. Nếu không chữa sớm, nấm có thể lan rất nhanh xuống cả thực quản, dạ dày gây tiêu chảy rất khó chữa và nguy hiểm hơn nữa là gây viêm phổi do nấm.

Cách xử trí đúng: Khi trẻ bị tưa miệng, nhiều người thường sử dụng biện pháp dân gian như: dùng nước cốt rau ngót giã nhỏ, mật ong để rà miệng lưỡi cho bé. Tuy nhiên, hiện nay, rau ngót có thể bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, mật ong thường có độc tố của một loại vi khuẩn là clostridium botolium tiết ra gây độc với thần kinh và liệt cơ nên mọi người không nên dùng mật ong để làm sạch lợi cho bé. Do vậy, hàng ngày nên dùng gạc mềm và tẩm nước muối sinh lý để làm sạch lợi là tốt nhất.

Nếu bị nhiễm nấm, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc kháng nấm đánh sạch nấm ngày 3-4 lần.

Để tránh cho trẻ nhỏ khỏi bị tưa miệng do nấm thì cần giữ vệ sinh trong khi nuôi trẻ như rửa và luộc kỹ chén thìa trước khi cho trẻ ăn, lau sạch đầu vú, rửa tay trước khi cho trẻ bú. Làm vệ sinh miệng cho trẻ nhẹ nhàng hàng ngày, rửa sạch bình đựng sữa trước và sau khi trẻ bú để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

Cho trẻ uống 1-2 thìa nước sôi để nguội sau khi trẻ bú bình và dùng miếng gạc nhỏ, nhúng nước muối loãng pha ấm, lau nhẹ lưỡi, lợi cho trẻ.

BS. Huy Thành

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm